-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Một Chuyến Tham Quan Có Hướng Dẫn: Bên Trong Vẻ Tráng Lệ của Diện Mạo Mới của Bộ Sưu Tập Frick (Phần 4)
Nhà phê bình nghệ thuật của The New York Times sẽ dẫn bạn đi qua từng căn phòng của bảo tàng dinh thự Gilded Age tại New York, nơi đang mở cửa trở lại sau gần năm năm.
Những công trình tượng đài, theo định nghĩa, là những thực thể thống nhất, là sự chắt lọc của những lịch sử và cảm xúc cụ thể. Và bảo tàng Frick khi mở cửa trở lại, với những tác phẩm nghệ thuật quen thuộc được đặt lại đúng vị trí và một số tính năng mới đáng kể được bổ sung — đặc biệt là toàn bộ tầng hai, nơi từng là không gian sinh hoạt của gia đình ông trùm than cốc và thép Henry Clay Frick (1849-1919) nay được chuyển thành các phòng trưng bày thân mật — mang lại một cảm giác liền mạch vô cùng chân thật.
PHÒNG BOUCHER
Trái ngược với những thay đổi trên tầng hai, Phòng Boucher, được đặt tên theo loạt tranh mang tính biểu tượng của họa sĩ cung đình Pháp thế kỷ 18 François Boucher (1703-1770), vẫn giữ nguyên như khi Adelaide, mẹ của Helen, từng biết đến nó. Đây từng là phòng tiếp khách riêng của Adelaide. Sau khi bà qua đời, căn phòng đã bị tháo dỡ và chuyển xuống tầng dưới để trưng bày công khai, nhưng nay đã được khôi phục về vị trí cũ, đầy đủ với những chi tiết mà bà chắc hẳn đã tận hưởng mỗi ngày: đồ sứ Sèvres, nội thất Rococo, và sàn gỗ thế kỷ 18 mềm mại như tấm thảm tập yoga của Lululemon.
The Arts and Sciences, 1760. Họa sĩ Boucher
PHÒNG NGỦ CỦA HENRY CLAY FRICK
Trong tất cả không gian trên tầng hai, nơi mang lại cảm giác cá nhân nhất có lẽ là căn phòng được gọi là Phòng Gỗ Óc Chó (Walnut Room), từng là phòng ngủ của Henry Clay Frick. Không có món nội thất gốc nào còn lại, và tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất tại đây—bức chân dung năm 1845 của Louise de Broglie, được biết đến với tên Comtesse d’Haussonville của Jean-Auguste-Dominique Ingres—lại là một bức tranh mà Frick chưa từng thấy. (Tác phẩm này được thêm vào bộ sưu tập vào năm 1927, tám năm sau khi ông qua đời.)
Comtesse d’Haussonville, 1845. Họa sĩ Ingres
Hình ảnh của Comtesse, với tỷ lệ giải phẫu kỳ lạ nhưng đầy mê hoặc, từ lâu đã trở thành một biểu tượng quen thuộc của Bộ sưu tập Frick, là tác phẩm mà hầu như ai cũng nhận ra khi nhắc đến viện bảo tàng này. Vì vậy, việc đặt nó tại đây hoàn toàn hợp lý. Nhưng bức tranh mà Frick thực sự chọn cho căn phòng này, và đặt ngay tại trung tâm, cũng vẫn còn đó.
Bức tranh có tựa đề Emma Hart, Later Lady Hamilton, as “Nature”, được vẽ vào năm 1782 bởi họa sĩ người Anh George Romney. Đây là một chân dung mềm mại của một người phụ nữ trẻ đang mỉm cười, tạo dáng trước phong cảnh xa xăm dưới bầu trời bình minh (hoặc hoàng hôn). Cô nghiêng nhẹ về phía người xem, trên tay ôm một chú chó nhỏ đầy cảnh giác. Theo quan điểm cá nhân, đây không phải là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của bộ sưu tập, nhưng nó lại là bức tranh mà Frick dành vị trí trang trọng nhất. Ông đóng khung nó trong một vòng nguyệt quế bằng gỗ chạm khắc tinh xảo và treo phía trên lò sưởi đối diện giường ngủ—có lẽ là hình ảnh đầu tiên ông nhìn thấy vào buổi sáng, và cũng là hình ảnh cuối cùng ông chiêm ngưỡng vào ban đêm.
Emma Hart, Later Lady Hamilton, as “Nature,” 1782. Họa sĩ Romney
Có bằng chứng cho thấy rằng, khi tuổi già và bệnh tật ngày càng đè nặng, Frick dành nhiều thời gian hơn để ở một mình với những tác phẩm nghệ thuật của mình. Trong cuốn sách mới đầy hấp dẫn The Fricks Collect: An American Family and the Evolution of Taste in the Gilded Age, cựu giám đốc của bộ sưu tập, Ian Wardropper, viết rằng Helen từng nhớ lại việc phát hiện cha mình, chỉ một tuần trước khi qua đời, nằm một mình trên chiếc ghế dài trong Phòng Trưng Bày Phía Tây, lặng lẽ ngắm nhìn các bức tranh.
Xavier Salomon, trưởng ban giám tuyển của bộ sưu tập và là người giám sát việc sắp xếp lại phòng trưng bày lần này, cũng đưa ra một giả thuyết đầy ám ảnh: có thể gương mặt của Emma Hart chính là hình ảnh cuối cùng mà Frick nhìn thấy trước khi qua đời trên chính chiếc giường trong căn phòng này.
"Một điều sẽ còn tồn tại mãi sau chúng ta, đó là tình yêu," một nhà thơ đã viết như vậy. Frick, theo nhiều người kể lại, là một con người lạnh lùng. Một đồng nghiệp tư bản của ông từng mô tả ông là "cỗ máy tư duy có phương pháp nhất mà tôi từng biết," đồng thời nói thêm rằng "ông ta dường như dồn hết đam mê vào nghệ thuật thay vì con người."
Và chính đam mê đó đã tạo nên một di sản vĩ đại, một bộ sưu tập được yêu mến qua nhiều thế hệ và không ngừng phát triển. Nếu bạn muốn thực hiện một chuyến tham quan qua những tác phẩm bổ sung sau khi Henry qua đời, bạn sẽ thấy một bức Rembrandt khác—bức Portrait of Nicolaes Ruts, mua vào năm 1943—và tác phẩm phong cảnh rộng lớn, hoang dã của John Constable có tên The White Horse, cũng được mua vào năm đó.
Và chỉ mới năm ngoái, một tác phẩm khác về Thánh Francis đã xuất hiện—lần này là một bức tượng nhỏ chạm khắc bằng ngà, có thể có xuất xứ từ miền Bắc nước Pháp. Hiện nó đang được đặt trong văn phòng gốc của Frick trên tầng một, nay gọi là Phòng Tráng Men (Enamels Room).
Cũng như trong bức tranh của Bellini, Francis dang hai tay mở rộng với thế giới, nhưng ở đây, ông lại nâng tay lên theo cách như thể đang tự bảo vệ mình, có phần ngạc nhiên—có lẽ ông ấy cũng ngỡ ngàng khi thấy chúng ta, giống như cách chúng ta kinh ngạc khi nhìn thấy ông. Tượng có niên đại khoảng năm 1300, là một trong những hiện vật cổ nhất của Bộ sưu tập Frick, nhưng đồng thời, cũng giống như bảo tàng vừa được hồi sinh này— trông mới mẻ một cách đầy bất ngờ.
(Xem phần 1, phần 2, và phần 3)
Nguồn: A Guided Tour: Inside the Splendor of the New Frick
Biên dịch: Huyền Trịnh