-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Một Chuyến Tham Quan Có Hướng Dẫn: Bên Trong Vẻ Tráng Lệ của Diện Mạo Mới của Bộ Sưu Tập Frick (Phần 2)
Nhà phê bình nghệ thuật của The New York Times sẽ dẫn bạn đi qua từng căn phòng của bảo tàng ngôi nhà Gilded Age tại New York, nơi đang mở cửa trở lại sau gần năm năm.
Những công trình tượng đài, theo định nghĩa, là những thực thể thống nhất, là sự chắt lọc của những lịch sử và cảm xúc cụ thể. Và bảo tàng Frick khi mở cửa trở lại, với những tác phẩm nghệ thuật quen thuộc được đặt lại đúng vị trí và một số tính năng mới đáng kể được bổ sung — đặc biệt là toàn bộ tầng hai, nơi từng là không gian sinh hoạt của gia đình ông trùm than cốc và thép Henry Clay Frick (1849-1919) nay được chuyển thành các phòng trưng bày thân mật — mang lại một cảm giác liền mạch vô cùng chân thật.
PHÒNG FRAGONARD
Ngọn lửa rực rỡ của sự phóng túng lan toả trong Phòng Ăn tiếp tục bừng sáng tại căn phòng bên cạnh – Phòng Vẽ của dinh thự – nơi trưng bày trọn vẹn bộ 14 bức tranh mang tên The Progress of Love của danh hoạ người Pháp Jean-Honoré Fragonard (1732–1806). Ban đầu, loạt tranh này được đặt hàng bởi Madame du Barry, tình nhân của Louis XV, với chỉ bốn bức. Nhưng không hiểu vì lý do gì, bà đã khước từ chúng. Fragonard giữ lại các tác phẩm này, và hai mươi năm sau, như thể tự giao phó một sứ mệnh nghệ thuật cho chính mình, ông tiếp tục vẽ thêm mười bức khác trên cùng một chủ đề.
Đến thời điểm ấy, Fragonard đã rời xa Paris, tránh né cơn bão cách mạng. Những bức tranh mới mang một cảm giác quay cuồng, đắm chìm trong một cơn sốt ảo mộng, như thể chúng được sáng tác trong một cơn mê sảng. Xa rời hoàn toàn dòng chảy chính trị đương thời, bộ tranh trôi nổi qua nhiều đời chủ sở hữu, cuối cùng đến tay J.P. Morgan, và từ tài sản của ông, Henry Clay Frick đã mua lại chúng – giống như ông đã thu thập vô số báu vật trang trí nhỏ khác, từ tượng đồng Phục hưng Ý, đồ sứ Trung Hoa, đến tranh tráng men Pháp – tất cả tạo nên một bộ sưu tập lộng lẫy trong Viện Frick.
The Progress of Love: The Meeting (1771–72). Họa sĩ Fragonard
Phòng Fragonard – một thế giới hỗn loạn của sắc xanh tươi tốt và mây trời, như thể ta đang bước vào một quả cầu tuyết của mùa xuân – từ lâu đã là một trong những điểm thu hút mang tính biểu tượng của Viện Frick. Cùng với những căn phòng còn lại trong ngôi dinh thự nguyên bản, nơi đây tạo thành “trái tim kiệt tác” của bảo tàng.
PHÒNG KHÁCH
Ngay bên ngoài Phòng Fragonard là Phòng Khách, nơi lưu giữ năm kiệt tác vĩ đại của thế kỷ 15 và 16, vẫn được giữ nguyên cách bài trí theo đúng ý định của Frick. Chính ông đã quyết định đặt bức chân dung Thánh Jerome của El Greco ngay phía trên lò sưởi – một hình tượng khổ hạnh với gương mặt hốc hác, khoác lên mình bộ áo chùng hồng nóng bỏng – và bố trí hai bức chân dung của Hans Holbein the Younger hai bên: một bên là Sir Thomas More, người chống lại cuộc Cải cách Anh, và bên kia là Thomas Cromwell, người ủng hộ nó. (Cromwell đóng vai trò quan trọng trong sự thất thế và cái chết của More, nhưng chính More lại giành được sự bất tử nghệ thuật – bởi bức chân dung của ông đẹp hơn hẳn, thu hút ánh nhìn hơn nhiều.)
Thomas Cromwell (1532–33). Họa sĩ Hans Holbein the Younger
Ngay đối diện căn phòng là tuyệt tác toàn cảnh St. Francis in the Desert (khoảng 1475–80) của Giovanni Bellini – một trong số ít tranh tôn giáo mà Frick từng mua, và cũng là bức tranh ông đặc biệt yêu thích. Ai mà không yêu nó được chứ? Đây là một tác phẩm ca ngợi sự linh thiêng và kỳ diệu của thế giới tự nhiên – một chú chim đậu trên cành cây, một con lừa thong dong trên cánh đồng, một bóng mây trôi ngang – hơn là chỉ đơn thuần ngợi ca sự thánh thiện của con người.
St. Francis in the Desert (1475–80). Họa sĩ Giovanni Bellini
Bức tranh tuyệt vời này – tác phẩm yêu thích của tôi tại Frick – có những đối thủ đáng gờm ngay tại Phòng Trưng Bày Phía Tây (West Gallery).
PHÒNG TRƯNG BÀY PHÍA TÂY
Một không gian rộng lớn như đường băng sân bay, được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật, Phòng Trưng Bày Phía Tây khi hoàn thành vào năm 1915 là không gian triển lãm tư nhân lớn nhất thành phố New York. Một số báu vật được yêu thích nhất của bộ sưu tập được trưng bày tại đây, trong một bố cục hầu như bất biến suốt 90 năm qua.
Frick đặc biệt yêu thích tranh chân dung, nhất là những bức vẽ những người đàn ông thành đạt và những người phụ nữ có dung mạo cuốn hút. Bức chân dung Frans Snyders (khoảng 1620) của Anthony Van Dyck hoàn toàn đáp ứng tiêu chí đó. Snyders là một họa sĩ chuyên vẽ thực vật và động vật tại Antwerp, làm việc cho Peter Paul Rubens. Trong lịch sử hội họa, ông chỉ được coi là một bậc thầy hạng hai, nhưng dưới nét cọ của Van Dyck, ông hóa thành một quý ông phong nhã với đôi bàn tay nghệ sĩ lấp lánh dưới ánh sáng.
Khi Rembrandt hoàn thành bức chân dung tự họa tráng lệ năm 1658, sự nghiệp của ông đã xế bóng, và tài chính gần như kiệt quệ. Nhưng trong tranh, ông vẫn xuất hiện như một ngôi sao, khoác áo choàng đỏ hoàng gia, tay cầm gậy vẽ như một cây quyền trượng, gương mặt nửa rạng rỡ, nửa chìm trong bóng tối, với một nụ cười bí ẩn không thể lừa dối.
Nhân vật trong bức chân dung Vua Philip IV của Tây Ban Nha (1644) của Velázquez là một đấng quân vương thực sự: một bậc đế vương ở đỉnh cao quyền lực. Ông trông hoàn toàn xứng đáng với vị thế ấy, khoác lên mình chiếc áo choàng như thể được đúc từ bạc filigree. Frick không sưu tập nhiều tranh Tây Ban Nha, nhưng chỉ cần sở hữu một tác phẩm như thế này cũng đủ giúp ông vượt xa những nhà sưu tập cùng thời – những người chủ yếu đầu tư vào nghệ thuật Pháp và Anh.
Đỉnh cao của sự táo bạo trong bộ sưu tập của Frick có lẽ là khi ông mua bức tranh The Forge (Lò rèn, 1815–20) của Goya vào năm 1914. Hình ảnh ba người thợ rèn vạm vỡ, rách rưới, đang cúi mình xuống tấm kim loại nóng đỏ trên đe có vẻ không phải là chủ đề mà một ông trùm tư bản như Frick sẽ lựa chọn – nhất là khi xét đến mối quan hệ căng thẳng của ông với chính trị lao động. Nhưng ông nhận ra được sức nóng bùng cháy của nghệ thuật khi nhìn thấy nó, và bức tranh này chính là một lò luyện thép hội họa.
Frick cũng có con mắt tinh tường hiếm có đối với Vermeer vào thời điểm mà danh họa Hà Lan thời Hoàng Kim này chưa được xem như một biểu tượng nghệ thuật như ngày nay. Ông sở hữu ba bức tranh của Vermeer. Hai bức nhỏ hơn được treo trong một hành lang hẹp gần Khu Vườn Trung Tâm, nơi có giếng trời được kiến trúc sư John Russell Pope thiết kế thêm vào thập niên 1930. Bức lớn nhất, Mistress and Maid (Nữ chủ nhân và cô hầu gái, 1666–67), hiện diện tại Phòng Trưng Bày Phía Tây và cũng là tác phẩm cuối cùng mà Frick mua.
Mistress and Maid (1666–67). Họa sĩ Vermeer
(Cũng cần nhắc đến một nhà sưu tập khác, Isabella Stewart Gardner của Boston, người đã đi trước Frick trong cuộc đua sở hữu Vermeer khi mua một tác phẩm vào năm 1892. Bức tranh đó, The Concert, bị đánh cắp khỏi bảo tàng của bà năm 1990, và cho đến nay vẫn chưa ai biết tung tích của nó.)
(Xem phần 1, phần 3, và phần 4)
Nguồn: A Guided Tour: Inside the Splendor of the New Frick
Biên dịch: Huyền Trịnh