-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Một Chuyến Tham Quan Có Hướng Dẫn: Bên Trong Vẻ Tráng Lệ của Diện Mạo Mới của Bộ Sưu Tập Frick (Phần 3)
Nhà phê bình nghệ thuật của The New York Times sẽ dẫn bạn đi qua từng căn phòng của bảo tàng dinh thự Gilded Age tại New York, nơi đang mở cửa trở lại sau gần năm năm.
Những công trình tượng đài, theo định nghĩa, là những thực thể thống nhất, là sự chắt lọc của những lịch sử và cảm xúc cụ thể. Và bảo tàng Frick khi mở cửa trở lại, với những tác phẩm nghệ thuật quen thuộc được đặt lại đúng vị trí và một số tính năng mới đáng kể được bổ sung — đặc biệt là toàn bộ tầng hai, nơi từng là không gian sinh hoạt của gia đình ông trùm than cốc và thép Henry Clay Frick (1849-1919) nay được chuyển thành các phòng trưng bày thân mật — mang lại một cảm giác liền mạch vô cùng chân thật.
TẦNG HAI
Cho đến bốn năm trước, nếu bạn nhìn dọc theo chiều dài của Phòng trưng bày phía Tây, bạn sẽ thấy một thứ rực rỡ được đóng khung bởi một khung cửa ở cuối Đại lộ Fifth: bức tranh St. John the Evangelist (Thánh John Nhà Thần Học) của Piero della Francesca. Đây là một trong số các bức tranh thờ của Ý thời kỳ đầu—các tác phẩm khác đến từ Cimabue, Duccio, Gentile da Fabriano và Paolo Veneziano—được Helen Clay Frick mua lại sau khi cha bà, Henry Frick, qua đời và đặt trong một căn phòng nhỏ, nơi từng là văn phòng riêng của ông.
Khi bảo tàng mở cửa trở lại, bộ sưu tập đặc biệt này đã được chuyển lên tầng hai, khu vực sinh hoạt nguyên bản của gia đình. Để lên đó, bạn có thể đi bằng hai cầu thang: một chiếc cầu thang lớn bằng đá cẩm thạch màu nâu nhạt nguyên bản của ngôi nhà, và một cầu thang khác mang phong cách hiện đại do Selldorf thiết kế, dẫn lên từ cánh mới của bảo tàng. Sau khi người vợ Adelaide Frick qua đời vào năm 1931, nhiều không gian trên tầng hai đã được chuyển đổi thành văn phòng nhân viên. Giờ đây, sau 85 năm bị hạn chế tiếp cận, 10 căn phòng—từ phòng ngủ, phòng khách đến phòng dành cho khách—đã trở thành phòng trưng bày, trong đó một số phòng vẫn giữ nguyên những tác phẩm nghệ thuật từng được trưng bày vào thời của Frick.
St. John the Evangelist, 1454-69. Họa sĩ Piero
Căn phòng từng là nơi dùng bữa sáng của gia đình giờ trông gần giống như khi họ quây quần bên tách cà phê sáng. Những bức tường, được phủ lụa damask dệt mới, treo những bức tranh phong cảnh Barbizon nhỏ, mang màu sắc hoàng hôn của Corot, Daubigny và Troyon—chính những bức tranh này đã khơi dậy niềm đam mê sưu tập của Henry Frick, nhưng đây là lần đầu tiên chúng được trưng bày cùng nhau trước công chúng.
Chỉ cách vài bước chân, trong một căn phòng có kích thước tương tự, ta tìm thấy dấu vết về sự quan tâm ban đầu, dù rất thận trọng, của Frick đối với chủ nghĩa hiện đại: những tác phẩm có kích thước khiêm tốn của Monet và (một cách táo bạo hơn) Manet.
Về mặt thực tế, lợi ích lớn nhất của việc mở rộng không gian tầng hai là giúp bảo tàng có thêm diện tích để trưng bày những bộ sưu tập ít được biết đến và mang tính chuyên biệt hơn. Giờ đây, chúng ta có thể chiêm ngưỡng lâu dài và cận cảnh một bộ sưu tập huy chương kỷ niệm cổ—mỗi chiếc là một bức chân dung hoặc bức phù điêu kể chuyện hoàn hảo đến từng chi tiết—vừa được tặng cho bảo tàng Frick.
Và chúng ta cũng có thể đắm chìm trong những thú vui kỳ lạ như bộ sưu tập đồng hồ của bảo tàng. Được tráng men, mạ vàng và trang trí vô cùng tinh xảo, đặt dưới ánh sáng rực rỡ trong một không gian nhỏ—có thể là phòng đựng đồ của quản gia trước đây?—những chiếc đồng hồ này, với vẻ ngoài thu hút ánh nhìn, tạo nên một bàn thờ tôn vinh nghệ thuật chế tác thời gian.
CHI TIẾT TỪ PHÒNG ĐỒNG HỒ
Nhưng điều khiến trải nghiệm ở tầng hai trở nên đặc biệt xúc động chính là sự hiện diện của những người chủ nhân nguyên thủy mà nó gợi nhớ đến.
Những bức tranh thời Phục hưng Ý mà người con gái của Henry Frick tên Helen Clay Frick sưu tập, vốn được trưng bày suốt chín thập kỷ ở tầng dưới, nay được tập hợp lại—một ý tưởng thật tuyệt—trong chính căn phòng ngủ ở tầng hai của bà. Hai bức tranh quan trọng hiện đang được cho mượn. (Bức tranh vô giá của Cimabue, tác phẩm lâu đời nhất của bảo tàng, hiện đang được trưng bày tại Louvre; trong khi bức tranh của Duccio, từng xuất hiện trong triển lãm Siena: The Rise of Painting tại Bảo tàng Met, sắp được đưa đến London cùng triển lãm này.)
Nhưng bức tranh của Piero vẫn ở đây, đặt giữa hai cửa sổ nhìn ra Đại lộ Fifth, cùng với tác phẩm The Coronation of the Virgin của Paolo Veneziano, nổi bật với dàn thiên thần chơi nhạc sống động. Chúng ta có thể hiểu rất nhiều về Helen qua việc biết rằng bà đã chọn và yêu quý những tác phẩm này, ngay cả khi cách sắp xếp hiện tại được thực hiện bởi đội ngũ giám tuyển và bảo tồn của bảo tàng, chứ không phải chính bà.
(Xem phần 1, phần 2, và phần 4)
Nguồn: A Guided Tour: Inside the Splendor of the New Frick
Biên dịch: Huyền Trịnh