VN | EN

Tin tức

Một Chuyến Tham Quan Có Hướng Dẫn: Bên Trong Vẻ Tráng Lệ của Diện Mạo Mới của Bộ Sưu Tập Frick (Phần 1)

Nhà phê bình nghệ thuật của The New York Times sẽ dẫn bạn đi qua từng căn phòng của bảo tàng dinh thự Gilded Age tại New York, nơi đang mở cửa trở lại sau gần năm năm. Đừng bỏ lỡ các phòng trưng bày mới trên tầng hai nhé!

Về mặt chính trị và văn hóa, nước Mỹ đang bước vào một mùa xuân đầy bão tố, một thời kỳ chấn động. Thế nhưng, những bông hoa đầu mùa vẫn đang nở rộ đúng thời điểm bên ngoài Bộ sưu tập Frick trên Đại lộ Fifth. Và bên trong bảo tàng, sau gần năm năm đóng cửa, ánh sáng phòng trưng bày cuối cùng cũng đã được bật lên trở lại.

Không phải bảo tàng đã chìm vào giấc ngủ đông. Toà nhà với mái vòm thấp này, từng là dinh thự của ông trùm than cốc và thép Henry Clay Frick (1849-1919), đã trải qua một cuộc cải tạo và mở rộng trị giá 220 triệu USD, cả bên trong lẫn bên ngoài. Trong suốt thời gian đó, những kiệt tác huyền thoại của bảo tàng — các tác phẩm của Vermeer, Van Dyck, Rembrandt, Fragonard, Turner, Whistler và một bức Bellini thiên giới độc nhất — đã được trưng bày tạm thời tại một địa điểm cho thuê cách đó vài bước chân là trụ sở cũ của Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney trên Đại lộ Madison. Tại đây, những tác phẩm nghệ thuật này vẫn giữ được vẻ lộng lẫy vốn có, nhưng dường như cô đơn, xa lạ hơn so khi còn ở ngôi nhà mang phong cách Beaux-Arts chúng đã từng ở.

Những công trình tượng đài, theo định nghĩa, là những thực thể thống nhất, là sự chắt lọc của những lịch sử và cảm xúc cụ thể. Và bảo tàng Frick khi mở cửa trở lại, với những tác phẩm nghệ thuật quen thuộc được đặt lại đúng vị trí và một số tính năng mới đáng kể được bổ sung — đặc biệt là toàn bộ tầng hai, nơi từng là không gian sinh hoạt của gia đình nay được chuyển thành các phòng trưng bày thân mật — mang lại một cảm giác liền mạch vô cùng chân thật.

Ảnh: Bộ sưu tập Frick/ Michael Bodycomb

NGÔI NHÀ

Vậy công trình tượng đài này tôn vinh điều gì? Một số người sẽ nói — chắc chắn Henry Frick cũng sẽ nói — rằng nó tôn vinh một con người, chính Frick, người đã gây dựng nên bộ sưu tập cốt lõi trong vài thập kỷ ngắn ngủi và để lại cho công chúng. Ngôi nhà này cũng tôn vinh, như nhiều bảo tàng nghệ thuật khác, sức mạnh phức tạp của tài sản tư nhân. (Chủ nghĩa dân túy nhân từ của Frick có những giới hạn nghiêm trọng; ông nổi tiếng trong lịch sử lao động Mỹ là một người chống công đoàn kiên quyết.)

Henry Clay Frick

bảo tàng cũng tôn vinh ý niệm về Cái Đẹp, được chắc lọc qua thị hiếu của một thời đại (thời Hoàng Kim (Gilded Age) Âu-Mỹ cuối thế kỷ 19 và 20), và qua thị hiếu của một gia đình duy nhất: Frick, ban đầu yêu thích những bức tranh phong cảnh hiện đại thanh thoát trước khi chuyển sang các bậc thầy cổ điển châu Âu; vợ ông, Adelaide Childs Frick, một người say mê hội họa Rococo và nghệ thuật trang trí; và con gái họ, Helen Clay Frick, người sau khi cha qua đời đã hoàn thiện bộ sưu tập với một kho báu gồm các tác phẩm tôn giáo thời Phục hưng nước Ý.

Trên quy mô lớn, Frick là một bảo tàng "dinh thự," một bảo tàng phong cách sống, theo cách mà, chẳng hạn, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (The Metropolitan Museum of Art-Met) không theo đuổi. Hầu hết các phòng trưng bày của bảo tàng dinh thự Frick mà chúng ta tham quan ngày nay, khi những chủ nhân mới dọn đến vào năm 1914, đều mang chức năng sinh hoạt gia đình, từ các phòng tiếp khách ở tầng trệt đến các không gian thư giãn trên tầng trên. Năm 1935, khi ngôi nhà chính thức mở cửa thành bảo tàng, nó đã trở thành một công trình tượng đài, một công trình đã được mở rộng nhiều lần theo năm tháng.

Bước vào lối chính trên Phố East 70th và nhìn sang phải: Đó là khu vực mở rộng hoàn toàn mới, do Selldorf Architects thiết kế cùng công ty Beyer Blinder Belle Architects and Planners, bao gồm sảnh tiếp đón hai tầng, khu giữ áo khoác, quán cà phê và các phòng trưng bày triển lãm đặc biệt, nơi vào tháng Sáu sẽ khai mạc một triển lãm bom tấn gồm ba bức tranh mang tên Vermeer’s Love Letters.

Nhưng tôi khuyên bạn nên chọn lối đi bên trái, dẫn qua dinh thự nguyên bản hướng ra Đại lộ Fifth, được xây dựng vào năm 1912.

PHÒNG ĂN

Khi mô tả kế hoạch cho ngôi nhà tương lai của mình, Frick từng viết rằng ông hình dung "một ngôi nhà tiện nghi, bố trí hợp lý, đơn giản, có gu thẩm mỹ, không phô trương." "Không phô trương" dĩ nhiên là một khái niệm mang tính tương đối, nhưng ông đã quyết định không có phòng khiêu vũ và thay vào đó, lắp đặt một đường băng chơi bowling dưới tầng hầm — vẫn còn nguyên vẹn đến nay nhưng không mở cửa cho công chúng — vậy là ông đã có tất cả những gì mong muốn, đi kèm với một mức độ trang trí xa hoa không hề nhỏ.

"Xa hoa mà giản dị" có thể là cụm từ mô tả phù hợp nhất cho phòng trưng bày lớn đầu tiên mà bạn bắt gặp: Phòng Ăn, một không gian trần cao, đường nét thanh thoát, gợi nhớ đến một trang viên Anh thế kỷ 18.

Mrs. Peter William Baker (1781) và Frances Duncombe (1777). Họa sĩ Gainsborough.

Họa sĩ Thomas Gainsborough — một trong những nghệ sĩ được Frick yêu thích — hiện diện tại đây với những bức chân dung phụ nữ. Hai nhân vật kiêu sa, lụa là và điềm tĩnh — Quý bà Frances Duncombe và Mrs. Peter William Baker — thiết lập tông quý tộc cho căn phòng, trong khi một bức chân dung thứ ba, hình ảnh sống động của Grace Dalrymple Elliott — người tình của vị vua tương lai George IV và một nhân vật bí ẩn (theo phe bảo hoàng) trong Cách mạng Pháp — mang đến một tia lửa của sự phóng túng đầy gợi cảm.

 

(Xem phần 2, phần 3, và phần 4)

 

Nguồn: A Guided Tour: Inside the Splendor of the New Frick

Biên dịch: Huyền Trịnh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon