Tin tức

Sơn mài là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam (P2)

Để thể hiện một bức tranh sơn mài, họa sĩ cần chuẩn bị phác thảo màu và phác thảo nét trên giấy. Can đường nét họa tiết ở phác thảo xuống vóc, sau đó tô sơn, vẽ các chi tiết của hình trước, rồi tiếp đến quét trùm nền phông sau cùng. Ví dụ, để tả một bụi tre, trước tiên, họa sĩ sẽ phải tỉa từng lá tre, thân cây. Để lớp sơn vẽ tỉa này khô, rồi mới tô cả mảng bụi tre. Vẽ xong cả phần mảng khóm tre, đợi sơn khô mới lại tô đến nền cảnh trời, đất, có thể tô tràn lên cả bụi tre (đã tô hai lớp màu trước đó). Sau khi sơn khô, sử dụng đá mài, than mài hoặc giấy ráp để mài tranh với nước, mài mặt tranh cho phẳng. Khi mài lớp màu phía trên mỏng dần, ta sẽ thấy lớp dưới dần hiện ra, để lộ các chi tiết đã được vẽ ban đầu. Việc vẽ màu sẽ được họa sĩ thực hiện nhiều lần, một cách kiên trì cho tới khi bề mặt tranh đạt hiệu quả như mong muốn của họa sĩ. Công đoạn cuối cùng để hoàn thiện bức tranh là đánh bóng.

Về mặt chất liệu, ban đầu các họa sĩ bị giới hạn bởi các màu cổ truyền, bao gồm: Cánh gián, son (là chất bột son đỏ chế biến từ một loại khoáng thạch là thần sa), then (màu đen-màu của bản thân chất sơn đen), vàng, bạc, vỏ trai, vỏ trứng. Sau đó, qua nhiều nghiên cứu, thể nghiệm, với những tiến bộ về pha chế màu sơn, phương pháp gắn vỏ trai, vỏ trứng rồi phủ cánh gián, phủ màu dày, mỏng tạo đậm, nhạt, xa, gần, kỹ thuật vẽ chìm, kỹ thuật đắp sơn nổi, dùng bột vàng (vàng quỳ đem tán nhỏ), bột bạc (bạc quỳ đem tán nhỏ) rắc trên nền màu sơn còn ướt nhằm tạo thêm hòa sắc và các sắc độ khác nhau trên bề mặt tranh. Đặc biệt, sự xuất hiện của màu trắng titane có khả năng dung hợp với sơn mở ra một triển vọng rộng rãi cho bảng màu của hội họa sơn mài.

Nghệ thuật hội họa sơn mài Việt Nam phát triển trên cơ sở kế thừa có đổi mới kỹ thuật cổ truyền. Sự học tập và nghiên cứu các quy luật tạo hình của các nước khác, chủ yếu là của nghệ thuật tạo hình châu Âu (quy luật về không gian xa, gần, về bố cục và dựng hình) trong sự quy chiếu với hội họa Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như tôn trọng truyền thống làm tranh cổ truyền của dân tộc là những yếu tố cơ bản tạo nên một phong cách sơn mài Việt Nam độc lập, đạt nhiều thành tựu, được thế giới ghi nhận. Nhiều bức tranh sơn mài đến nay trở thành tài sản quý báu của dân tộc. Trong tổng số 8 tác phẩm hội họa được công nhận là bảo vật quốc gia, có 6 bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn mài.

Những người đầu tiên tham gia vào địa hạt sơn màiTrần Quang Trân, Lê Phổ, Phạm Hậu, Nguyễn Khang... Nhưng về cơ bản, những kết quả bước đầu vẫn chưa thoát ly lối trang trí mỹ nghệ vì kỹ thuật chưa phát triển. Khoảng năm 1935-1945, chất liệu tạo hình sơn mài được áp dụng phổ biến, nhiều họa sĩ chuyển hẳn sang vẽ sơn mài. Khi đã tìm ra những phương thức tạo được các lớp không gian, sự thay đổi sắc độ trên tranh sơn mài, các họa sĩ miệt mài tìm cách diễn tả tình cảm, biểu hiện hiện thực. Nguyễn Gia Trí là người thành công nhất. Chỉ sử dụng thuần túy những màu sắc truyền thống, nhưng nhờ khả năng điều tiết, gia giảm có chừng mực lượng cánh gián, kỹ thuật nhào nặn, chôn vùi, rồi lại mài moi ra vàng, bạc là những màu trước kia chỉ dùng để trang trí các mảng phẳng, nay đã có chiều sâu của mảng, khối, nét vẽ có thanh, có đậm, có xa, có gần... Những tranh sơn mài tiêu biểu của Nguyễn Gia Trí như: “Lùm tre nông thôn”, “Bình phong”, “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, “Bên hồ Hoàn Kiếm”...

ThS VŨ THỊ HẰNG, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Xem thêm phần 1 tại đây

Xem thêm phần 3 tại đây

 

Nguồn: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/son-mai-la-chat-lieu-hoi-hoa-doc-dao-cua-viet-nam-705533

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon