Tin tức

Sơn mài là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam (P1)

Những tác phẩm nghệ thuật tranh sơn mài cùng với tranh lụa góp phần định hình nên diện mạo của nghệ thuật hội họa Việt Nam hiện đại. Trong đó, sơn mài có một vị trí rất quan trọng.

Có những thời điểm, sơn mài ở vị trí gần như hàng đầu, đi trước trong nghệ thuật tạo hình nước ta. Họa sĩ Tô Ngọc Vân trong bài thuyết trình năm 1948, tại Chiến khu Việt Bắc đã đưa ra khái niệm: “Danh từ sơn mài là một danh từ mới đặt mươi năm nay để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là sơn ta nhưng đã biến hóa hẳn do nghệ thuật mài sơn”.

Có nhiều tài liệu ghi nhận, ông tổ nghề sơn Việt Nam là Trần Tướng Công (Trần Lư, sinh năm 1470), người từng đi sứ nước ngoài, học được nghề sơn về truyền lại cho dân làng Bình Vọng (nay thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Tuy nhiên, kết quả khai quật khảo cổ học từ những mộ táng ở Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương cho thấy, nghề sơn đã xuất hiện ở Việt Nam từ trước đó. Có thể thấy, kỹ thuật phủ sơn, dát vàng trên các tượng, điêu khắc Phật giáo được nhắc tới từ thời Lý (thế kỷ 11-12) và trở thành truyền thống kéo dài tới ngày nay. 

Bảo vật quốc gia tranh sơn mài "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của danh họa Nguyễn Sáng. Ảnh do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp.

Nghệ nhân Việt Nam xưa đã có kỹ thuật hom, bó sơn hoặc pha chế nhựa sơn màu và nước sơn, biết vẽ và sáng tạo ra những mẫu trang trí, biết đắp nổi sơn và chạm trổ. Tuy vậy, nghề sơn mới dừng ở mức phục vụ cho điêu khắc (phủ lên tượng), hay tô vẽ trang trí vật dụng cung đình, đồ thờ cúng trong dân gian. Những bức tranh vẽ bằng sơn ta hiện tìm thấy sớm nhất có thể kể đến như một số tranh chân dung vua Lý Nam Đế và hoàng hậu (một tranh hiện lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một tranh lưu giữ tại miếu Hai Thôn, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), bộ tranh tố nữ (2 tranh, mỗi tranh vẽ 4 nhân vật đang đánh đàn, thổi sáo) ở đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang)... Những tác phẩm này đều có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Điểm chung ở những bức tranh chân dung này là các nhân vật được thể hiện trên nền son đỏ. Màu sắc chủ yếu được sử dụng là các màu đen, đỏ, thếp vàng, màu xanh lục, màu lam đậm (gần với màu chàm), màu trắng ngà... Lối vẽ màu đơn thuần không có sắc độ và tách biệt nhau rành mạch, tạo hình mang tính trang trí.

Phải đến đầu thế kỷ 20, khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, với chủ trương tôn trọng các truyền thống mang tính bản địa mà vẫn đáp ứng các nhu cầu mang tính hiện đại, Hiệu trưởng Victor Tardieu đã cho phép họa sĩ Joseph Inguimberty cùng các học trò tìm hiểu, nghiên cứu, phục hồi và cải biến kỹ thuật sử dụng sơn ta, để biến nó thành một chất liệu của hội họa và đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Từ kỹ thuật mài sơn đặc trưng, tên gọi sơn mài ra đời.

ThS VŨ THỊ HẰNG, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 

Nguồn: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/son-mai-la-chat-lieu-hoi-hoa-doc-dao-cua-viet-nam-705533

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon