-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Vì sao Picasso trở thành “báu vật” trong mắt các nhà sưu tầm mới nổi của Trung Quốc?
( Portrait of Dora Maar (1937) by Pablo Picasso )
Tại phiên đấu giá nghệ thuật hiện đại và đương đại do Sotheby’s tổ chức ở London vào đầu tháng, một tranh của Picasso đã lập tức thu hút sự chú ý khi lần đầu tiên được đưa ra đấu giá sau 40 năm. Tác phẩm “Buste de femme” (1953), chân dung Françoise Gilot – người tình và nàng thơ của Picasso, đã được một nhà sưu tầm tư nhân châu Á mua lại với giá 4,3 triệu bảng Anh sau phí.
Đây không phải là lần đầu nhà sưu tầm châu Á thể hiện sự quan tâm đến tranh của Picasso tại các phiên đấu giá lớn ở phương Tây. Năm 2013, trong phiên đấu giá của Christie’s tại New York, tập đoàn Trung Quốc Dalian Wanda đã chi 28,2 triệu USD để sở hữu bức “Claude et Paloma” (1950).
Người gây chú ý trong thương vụ năm đó là Rebecca Wei — nhà sáng lập công ty tư vấn nghệ thuật Wei and Associates có trụ sở tại Hồng Kông, và từng là Chủ tịch Christie’s khu vực châu Á. Bà cho rằng đây là một dấu mốc quan trọng, thể hiện rõ tiềm năng thị trường của tranh của Picasso tại Trung Quốc. Dù vậy, danh tiếng của ông tại quốc gia này đã có từ trước khi thị trường nghệ thuật châu Á bùng nổ.
Theo ông Doryun Chong — Giám đốc nghệ thuật và Giám tuyển trưởng của bảo tàng M+ tại Hồng Kông, Picasso dù chưa từng đến châu Á nhưng đã được biết đến ở Đông Á từ những năm 1910. Hiện tại, ông Chong cũng là đồng giám tuyển triển lãm quy mô lớn “Picasso for Asia: A Conversation” — lần xuất hiện nổi bật đầu tiên của Picasso tại Hồng Kông sau hơn một thập kỷ, quy tụ hơn 60 tác phẩm mượn từ Bảo tàng Quốc gia Picasso-Paris như “The Acrobat” (1930), “Portrait of Dora Maar” (1937), và “Massacre in Korea” (1951), trưng bày cùng hơn 80 tác phẩm từ bộ sưu tập của M+. Trong khuôn khổ triển lãm, nghệ sĩ Lee Mingwei còn tái hiện lại “Guernica” (1937) bằng sắp đặt cát màu ngay trong không gian trưng bày.
( Masarce in Korea ( 1951) by Pablo Picasso )
Giám tuyển Hester Chan từ bảo tàng M+ cho biết, Trung Quốc bắt đầu biết đến tranh của Picasso không lâu sau khi Nhật Bản tiếp cận ông năm 1913 thông qua một tạp chí nghệ thuật địa phương, trong đó có tái bản tranh lập thể “Woman with a Mandolin” (1909). Đến năm 1918, các tác phẩm của Picasso đã được đưa vào chương trình đào tạo nghệ thuật thời Dân quốc tại Trung Quốc, và một năm sau, ông được trưng bày chính thức tại đây.
Việc Picasso gia nhập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1944 đã góp phần giúp ông nhận được sự công nhận từ chính quyền Trung Quốc khi quốc gia này chuyển sang chế độ cộng sản năm 1949. Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông cũng như nhiều nghệ sĩ phương Tây khác bị liệt vào danh sách “cỏ dại độc hại”.
Picasso từng có liên hệ với nhiều nhân vật trong giới văn hóa Trung Quốc. Cải cách gia Thái Nguyên Bồi từng đến thăm xưởng vẽ của ông đầu thế kỷ 20 và nhận thấy sự đồng điệu giữa nét “biến tấu sáng tạo thiên nhiên” trong tranh của Picasso với tư tưởng hội họa của thi sĩ Tô Đông Pha. Năm 1956, họa sĩ Tề Bạch Thạch tặng ông một bức tranh khắc, và ông cũng từng đón tiếp Trương Đại Thiên — người được mệnh danh là “Picasso của Trung Quốc” — tại biệt thự của mình ở Cannes.
Sau thời kỳ Cách mạng Văn hóa, tên tuổi Picasso dần được phục hồi và trở thành nguồn cảm hứng cho giới nghệ sĩ trẻ Trung Quốc trong thập niên 1980. Tại Hồng Kông — khi đó còn là thuộc địa Anh — ảnh hưởng của Picasso bắt đầu lan rộng từ cuộc triển lãm tranh in của ông vào năm 1974.
Từ thập niên 1980, các triển lãm về Picasso tiếp tục xuất hiện ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, tuy còn khá thưa thớt. Bước chuyển mình chỉ thật sự diễn ra vào những năm 2000, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, thúc đẩy nhu cầu tiếp cận tranh của Picasso từ các nhà sưu tầm. Không phải viện bảo tàng, chính các đơn vị tư nhân đã tiên phong đưa tranh của ông đến gần hơn với công chúng.
Patti Wong, cựu Chủ tịch Sotheby’s International, kể lại rằng từ đầu những năm 2000, một nhóm nhỏ các nhà sưu tầm châu Á bắt đầu để mắt đến các phiên đấu giá tranh ấn tượng và hiện đại ở New York và London. Sotheby’s khi đó đã mang các tác phẩm nổi bật đến Hồng Kông để trưng bày. Năm 2010, bà cùng Daryl Wickstrom (sau này sáng lập Patti Wong and Associates) tổ chức triển lãm “Modern Masters” — triển lãm bán hàng đầu tiên về nghệ thuật hiện đại và ấn tượng tại khu vực, đồng thời là bước đệm mở rộng thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan.
( Still Life With Bull's Head (1958) by Pablo Picasso )
Tại đây, bức chân dung Dora Maar năm 1939 “Jeune fille aux cheveux noirs” là tranh của Picasso đầu tiên được bán thành công.
Khi giá trị tranh của Picasso dần được thị trường nhận diện, nhiều triển lãm lớn bắt đầu được tổ chức tại Trung Quốc. Trong giai đoạn 2011–2012, các tác phẩm từ Bảo tàng Picasso Quốc gia Paris đã được trưng bày ở Thượng Hải, Thành Đô và sau đó là Hồng Kông.
Việc sở hữu tranh của Picasso trở thành một biểu tượng của đẳng cấp, đặc biệt hấp dẫn với giới nhà giàu mới nổi Trung Quốc. Năm 2013, tại phiên đấu giá đầu tiên của Christie’s tại Thượng Hải, bức “Homme assis” (1969) đã được bán với giá 1,5 triệu USD. Đến năm 2016, nhà đấu giá Poly Trung Quốc tiếp tục bán “Woman under the Light (Jacqueline)” (1962) với giá 8,47 triệu USD.
“Đối với nhiều nhà sưu tầm Trung Quốc, Picasso là nghệ sĩ phương Tây được khát khao nhất. Tranh của Picasso mang lại niềm vui,” Wei chia sẻ.
Sự hiện diện của châu Á trong các phiên đấu giá tại New York và London cũng ngày càng nổi bật. Một trong những thương vụ tiêu biểu là bức “Femme au chignon dans un fauteuil” (1948), được đạo diễn nổi tiếng Vương Trung Quân mua với giá 29,9 triệu USD tại Sotheby’s New York vào năm 2015. Tuy vậy, thay vì mang loạt tranh của Picasso về Hồng Kông để đấu giá, Sotheby’s lựa chọn chiến lược tiếp cận thận trọng hơn với thị trường Trung Quốc. “Chúng tôi có thể dự đoán chính xác những tác phẩm nào sẽ thu hút nhà sưu tầm châu Á,” Wong cho biết. “Hiểu rõ thị hiếu Á Đông giúp chúng tôi tự tin mời các nhà sưu tầm quốc tế gửi tranh đấu giá tại Hồng Kông.”
Đến năm 2018, lần đầu tiên một tranh của Picasso xuất hiện trong phiên đấu giá buổi tối tại Hồng Kông. Đó là “Juan-les-Pins” (1924), một bức tranh nhỏ chỉ 22.2cm x 35.7cm, nhưng vẫn đạt giá 1 triệu USD.
Năm 2019, trung tâm nghệ thuật UCCA tại Bắc Kinh tổ chức triển lãm “Picasso — Birth of a Genius”, thu hút lượng khách kỷ lục lên tới 328.701 lượt. Tuy nhiên, do số lượng triển lãm bảo tàng còn hạn chế, nhiều nhà sưu tầm Trung Quốc phải trông cậy vào các buổi trưng bày thương mại hoặc xem trước phiên đấu giá để có cơ hội tiếp cận trực tiếp với tranh của Picasso.
Ông Doryun Chong thừa nhận vai trò của các sự kiện thương mại: “Nhiều người tò mò vì sao tranh của Picasso lại nổi tiếng và đắt đỏ như vậy. Nhưng cũng có không ít người thực sự quan tâm đến nghệ thuật của ông. Những buổi triển lãm miễn phí này là cơ hội học hỏi quý giá.”
Trong khi đó, các viện công lập vẫn giữ vai trò giáo dục công chúng thông qua triển lãm nghiên cứu sâu. Tại M+, Picasso được đặt trong cuộc đối thoại với các nghệ sĩ châu Á như Isamu Noguchi, Wifredo Lam, Gu Dexin, Nalini Malani và Haegue Yang, bên cạnh các tác phẩm mới của Simon Fujiwara và Sin Wai Kin. “Triển lãm không chỉ nói về Picasso mà còn về các biểu tượng mà ông đại diện: thiên tài, kẻ nổi loạn, nhà ảo thuật, người học việc,” Chong nói. “Từ đó, ta có thể soi chiếu nghệ sĩ châu Á qua lăng kính này — và hiểu rõ hơn về họ cũng như về tranh của Picasso.”
( Untitled’ (1980s) by Chinese artist Gu Dexin, part of the current M+ exhibition)
Hiện nay, cuộc săn lùng tranh của Picasso xuất sắc vẫn không ngừng. Wei tiết lộ bà thường xuyên nhận được các yêu cầu hỏi mua, trong đó các tác phẩm lập thể màu sắc rực rỡ là dòng được săn đón nhất. Khác với Van Gogh hay Monet – những người để lại số lượng tác phẩm tương đối ít – Picasso để lại một kho tàng đồ sộ trải rộng từ tranh vẽ, giấy, điêu khắc đến gốm sứ, tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà sưu tầm ở mọi mức ngân sách.
“Tranh của Picasso đem lại niềm vui, và với sự tạn tậm và chuyên môn phù hợp, việc sở hữu một tác phẩm của ông không còn quá xa vời,” Wei kết luận.
Nguồn : How Picasso became the ultimate prize for China’s new collectors
Biên dịch : Bảo Long