-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Nghệ thuật tiên phong hiện đại Việt Nam : Hành trình cuả Lê Phổ từ những năm đầu đến 1937 ( Phần 3 ) )
1932–1937 Những năm cuối ở Việt Nam
Sau khi trở về từ Pháp, Lê Phổ được bổ nhiệm làm giáo viên mỹ thuật tại trường Lycée Albert Sarraut ở Hà Nội. Tính cả thời gian giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l'Indochine), sự nghiệp sư phạm của ông kéo dài tổng cộng bảy năm. Trong suốt thời gian này, ông đã hướng dẫn và truyền cảm hứng cho nhiều học trò tài năng như Lưu Văn Sìn và Nguyễn Gia Trí – những cái tên sau này góp phần định hình nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Việc trở thành giảng viên tại trường mỹ thuật được xem là vị trí danh giá, được nhiều sinh viên tốt nghiệp mơ ước. Tuy vậy, không phải ai cũng may mắn như Lê Phổ, bởi phần lớn họ gặp khó khăn trong việc kiếm sống sau khi ra trường. Vào thời điểm đó, thị trường cho nghệ thuật hiện đại Việt Nam còn rất hạn chế, các đơn đặt hàng ít ỏi, khiến giới họa sĩ sống trong cảnh bấp bênh. Một số tờ báo thậm chí chỉ trích Trường Mỹ thuật Đông Dương, cho rằng trường đang làm nghèo đi xã hội Việt Nam khi đào tạo ra những nghệ sĩ “sống trong mộng tưởng và cay đắng”. Tuy nhiên, Lê Phổ là một trường hợp đặc biệt. Ông được xem là tấm gương thành công hiếm hoi, đến mức từng có bài báo mô tả ông và họa sĩ Mai Trung Thứ là đối tượng của sự ngưỡng mộ – thậm chí là ganh tị – từ các cựu sinh viên khác. Trong khi Mai Trung Thứ được điều đi giảng dạy ở Huế, Lê Phổ vẫn ở lại Hà Nội, có lẽ là quay về xưởng vẽ thân thuộc bên bờ hồ, nơi ông từng sáng tác. Bằng chứng là nhiều tranh Lê Phổ giai đoạn này vẫn gợi nhắc hình ảnh hồ nước và cây cầu phao, quen thuộc với người yêu tranh.
( Le Pho, Maison vue à travers une arche )
Năm đó, Lê Phổ cũng giới thiệu bức tranh lụa đầu tiên của ông “La cueillette des simples”.Bức tranh này tiếp nối phong cách đặc trưng của ông với khung cảnh hồ nước, đồng thời thể hiện ảnh hưởng từ họa sĩ Nguyễn Phan Chánh – người đã rất thành công tại Triển lãm Thuộc địa Quốc tế. Lê Phổ áp dụng bố cục đơn giản, tập trung vào ba nhân vật trong một tam giác cân đối, giống như bố cục thường thấy trong các tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh.
Tranh lụa khi ấy đang dần trở thành biểu tượng của hội họa Việt Nam. Dù đã có mặt từ thế kỷ 15 nhưng kỹ thuật này từng bị mai một và bị thay thế bởi tranh giấy. Tuy nhiên, sự phục hưng của tranh lụa tại École des Beaux-Arts de l’Indochine – được truyền cảm hứng từ nghệ thuật Trung Quốc và Nhật Bản – đã làm sống lại tinh thần dân tộc trong nghệ thuật. Bức Cueillette des simples sau đó được gửi đến Paris và nhanh chóng được mua trước cả khi kịp đóng khung – một thành công lớn cho Lê Phổ. Họa sĩ Vũ Cao Đàm đã viết cho Tardieu, “Tôi rất vui khi thấy các đồng nghiệp của tôi đã hiểu rằng tranh lụa là hướng đi tốt nhất cho sự nghiệp của họ.”
Nếu chuyến đi Campuchia năm 1936 của Lê Phổ là cuộc khám phá văn hóa, thì chuyến đi Trung Quốc vào năm 1934 lại mang dấu ấn sâu đậm và ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách hội họa của ông. Tại Bắc Kinh, ông đã đến thăm Cố Cung – nơi lưu giữ những báu vật quý giá của triều đại nhà Thanh. Dù phần lớn cổ vật đã được di tản do lo ngại chiến tranh, Lê Phổ vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng những tuyệt phẩm hội họa, sơn mài và trang sức, giúp nuôi dưỡng tâm hồn thẩm mỹ và cảm hứng nghệ thuật của ông.
Ông cũng ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nơi lưu giữ các hiện vật như đá chạm khắc, đồ đồng và gốm sứ. Chuyến đi này không chỉ mở rộng hiểu biết của ông về nghệ thuật Trung Hoa, mà còn giúp ông đào sâu nghiên cứu về hình khối và chất liệu – điều được phản ánh rõ trong tranh Lê Phổ thời kỳ sau.
Nguồn : Pioneering Modern Vietnamese Art: Le Pho’s Journey From the Early Years to 1937
Xem tiếp : Phần 1
Biên dịch : Bảo Long