-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Nghệ sĩ người Mỹ gốc Á tiên phong mà bạn cần biết tên (Phần 2)
Khi Tháng Lịch sử Người Mỹ gốc Á và Người dân các đảo Thái Bình Dương dần khép lại, đây là dịp quan trọng để nhìn lại và ghi nhận những đóng góp to lớn của các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà sưu tập và nhà hoạt động thuộc cộng đồng AAPI – những người đã làm thay đổi dòng chảy của lịch sử nghệ thuật không chỉ tại Hoa Kỳ mà còn trên toàn thế giới.
Dưới đây là danh sách 25 nghệ sĩ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nghệ thuật hiện đại và đương đại – với những tác phẩm trải dài trên nhiều chất liệu, phong cách và trào lưu nghệ thuật khác nhau.
Miyoko Ito (1918–1983)
Miyoko Ito sinh ra và lớn lên tại Berkeley, California, tuy nhiên thời thơ ấu của bà có năm năm sống tại Nhật Bản – một quãng thời gian có ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy nghệ thuật của bà. Quá trình học đại học tại Đại học California, Berkeley của Ito bị gián đoạn bởi Sắc lệnh Hành pháp 9066 do Tổng thống Roosevelt ký, dẫn đến việc bà – cùng gần 8.000 người Mỹ gốc Nhật khác tại Vùng Vịnh San Francisco – bị giam giữ tại trung tâm tạm cư Tanforan và sau đó là trại Topaz ở Utah.
Tại đây, bà cùng giảng dạy các lớp nghệ thuật với Chiura Obata, một trong những người thầy của bà thời đại học. Nhờ được cấp phép đặc biệt, Ito rời trại sau một năm để tiếp tục học tại Học viện Nghệ thuật Chicago – nơi bà gắn bó suốt phần đời còn lại. Là người cùng thời với những họa sĩ theo trường phái hình tượng, nhưng Ito đã phát triển phong cách trừu tượng rất riêng – phóng khoáng và giàu chất thơ. Bà từng chia sẻ: “Chicago cho tôi cảm giác về chủ nghĩa siêu thực, dù điều đó không hiển hiện rõ ràng.” Các tác phẩm của bà ngày nay là điểm sáng trong nhiều bộ sưu tập nghệ thuật được giám tuyển trên khắp nước Mỹ.
Toshiko Takaezu (1922–2011)
Lớn lên giữa thiên nhiên nhiệt đới của Hawaii, Toshiko Takaezu sớm bị mê hoặc bởi đất, gió, màu sắc và tinh thần phương Đông. Từ đó, bà đã tạo nên những chiếc bình gốm – không chỉ để đựng mà còn để cảm – với lớp men vừa tĩnh lặng vừa sống động. Sau khi học gốm tại Đại học Hawaii và Học viện Nghệ thuật Cranbrook, bà sang Nhật Bản năm 1955 để học cùng các bậc thầy Kaneshige Toyo và Shoji Hamada.
Ngoài việc hoàn thiện kỹ năng truyền thống, Takaezu còn nghiên cứu Thiền tông và nghi lễ trà đạo, giúp tinh thần phương Đông thấm sâu vào thực hành nghệ thuật của bà. Trở về Mỹ, bà giảng dạy tại các trường danh tiếng như Đại học Wisconsin, Cleveland Institute of Art, và cuối cùng là Princeton – nơi bà được ngưỡng mộ như một nghệ sĩ - giáo viên mẫu mực. Khi nghỉ hưu, bà chọn sống trọn vẹn với nghệ thuật tại xưởng riêng – nơi ngày nay được nhiều nhà giám tuyển bộ sưu tập nghệ thuật tìm đến để tìm hiểu về sự giao thoa giữa văn hóa, vật liệu và tâm linh trong gốm hiện đại.
Ruth Asawa (1926–2013)
Là nghệ sĩ hậu hiện đại và nhà hoạt động người Mỹ gốc Nhật, Ruth Asawa mang trong mình câu chuyện vừa dữ dội vừa truyền cảm. Sinh ra tại Norwalk, California trong một gia đình nông dân nhập cư, bà là con thứ tư trong bảy người con. Năm 1942, bà cùng gia đình bị giam tại trại Santa Anita và sau đó là trại Rohwer ở Arkansas. Trong thời gian đó, Asawa học hỏi từ các nghệ sĩ từng làm việc cho Disney – cũng bị giam giữ – và tiếp tục nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật.
Sau khi rời trại, bà theo học tại Black Mountain College – nơi quy tụ những tư tưởng sáng tạo cấp tiến nhất thời bấy giờ – rồi định cư tại San Francisco. Từ thập niên 1950, bà đã triển lãm điêu khắc, tranh vẽ và đồ họa tại các bảo tàng lớn như SFMOMA, Whitney và MoMA New York. Đặc biệt, các tác phẩm điêu khắc dây thép đan móc bằng tay của bà đã trở thành biểu tượng về sự nữ tính và sự kiên cường – và hiện diện trong nhiều bộ sưu tập nghệ thuật hàng đầu. Năm 2020, Bưu điện Hoa Kỳ vinh danh bà qua bộ tem với các tác phẩm điêu khắc bằng sợi đặc trưng, đánh dấu một bước ngoặt trong việc ghi nhận đóng góp của nghệ sĩ gốc Á trong lịch sử văn hóa Mỹ.
Yayoi Kusama (1929–)
Dù bạn chưa từng nghe tên Yayoi Kusama, rất có thể bạn đã từng nhìn thấy những căn phòng gương vô tận hay những tác phẩm phủ kín chấm bi đầy mê hoặc của bà lan tỏa trên mạng xã hội. Sinh ra tại Matsumoto, Nhật Bản, trong một gia đình thương nhân truyền thống, Kusama chỉ học tại Đại học Nghệ thuật Kyoto hơn một năm nhưng đã sớm vượt ra khỏi khuôn khổ hội họa Nhật để tìm đến phong trào tiên phong phương Tây.
Bắt đầu với những bức tranh trừu tượng gợi hình tự nhiên, bà dần phát triển phong cách chấm bi ám ảnh – bắt nguồn từ những ảo giác sống động thời thơ ấu. Trong thập niên 1960, bà gây chú ý với các tác phẩm điêu khắc mềm mại phủ kín vật thể bằng chi tiết sinh học. Sau những năm hoạt động nghệ thuật ở Pháp và Hoa Kỳ, bà trở về Tokyo và sống tự nguyện trong một bệnh viện tâm thần từ năm 1977, nơi bà tiếp tục sáng tác không ngừng. Kusama hiện là một trong những nữ nghệ sĩ còn sống có tác phẩm bán chạy nhất thế giới, và các buổi triển lãm của bà thường được giám tuyển với quy mô toàn cầu, luôn cháy vé, thu hút lượng khán giả kỷ lục.
Nam June Paik (1932–2006)
Được mệnh danh là “cha đẻ của nghệ thuật video”, Nam June Paik đã mở đường cho một cuộc cách mạng về nghệ thuật thị giác trong thời đại kỹ thuật số. Sinh ra tại Seoul, Hàn Quốc, Paik sớm hòa mình vào làn sóng nghệ thuật tiên phong châu Âu, đặc biệt là phong trào Fluxus, sau khi gặp John Cage và George Maciunas ở Đức. Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông năm 1963 tại Galerie Parnass đã gây tiếng vang khi giới thiệu các bộ tivi bị chỉnh sửa, biến đổi cả về hình ảnh lẫn ý nghĩa.
Di cư sang Mỹ một năm sau, ông định cư tại New York và tiếp tục đẩy ranh giới nghệ thuật với các màn trình diễn, sắp đặt và sản phẩm truyền hình tiên phong. Ông là một trong những người đầu tiên sử dụng máy quay cầm tay và cùng kỹ sư Shuya Abe phát triển bộ tổng hợp video – một thiết bị then chốt trong nghệ thuật số. Tác phẩm của ông đã được giới thiệu tại các sự kiện nghệ thuật danh giá như Documenta, Venice Biennale, Whitney Biennial… Trung tâm Nghệ thuật Nam June Paik khai trương tại ngoại ô Seoul vào năm 2008 là một điểm đến không thể thiếu với mọi giám tuyển bộ sưu tập nghệ thuật đương đại.
Biên dịch: Phương Anh
Nguồn: Artnews