-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Cách Artsy thuyết phục các phòng trưng bày bán tác phẩm nghệ thuật trực tuyến (P1)
Mike Weiss là một phòng trưng bày nghệ thuật có 13 năm lịch sử hoạt động trong thế giới nghệ thuật Chelsea. Địa điểm này đã tổ chức hơn 100 cuộc triển lãm nghệ thuật và tham gia các chương trình triển lãm nghệ thuật của nhóm họa sĩ tại địa phương. Thế nhưng vào năm 2016, Weiss và vợ Virginia Martinsen đã quyết định đóng cửa phòng trưng bày nghệ thuật bởi chi phí thuê, sự cạnh tranh tăng và lượng khán giả cũng giảm dần. Nhưng quan trọng hơn, Weiss cảm thấy cách thức mọi người khám phá và mua bán tranh đã thay đổi. Theo ông, phòng tranh đã từng đón tiếp tới một nghìn khách vào thứ Bảy nhưng sự phát triển vượt bậc của Internet đã thay đổi hành vi của người mua tranh. Martinsen nói: “Không thể tưởng tượng được rằng một nhà sưu tập tranh lại mua một tác phẩm mà không cần tận mắt nhìn thấy nó. Vậy mà trong vài năm qua, xu hướng này ngày càng phổ biến. Rất nhiều người mua tranh online từ phòng trưng bày trực tuyến mà không đến xem chúng tận mắt. Do đó sức tăng trưởng của thị trường nghệ thuật truyền thống đi ngang, thì mua bán tranh trực tuyến lại đang bùng nổ.
Không gian mua bán tranh online trên Artsy
Khoảng 10 năm trở về trước, nhiều chủ phòng tranh và nhà đấu giá vẫn còn hoài nghi việc đưa các bộ sưu tập tranh lên mạng Internet. “(Có) nhiều trang web như Artsy muốn lấy khoảng không gian triển lãm của bạn và đưa nó lên mạng. Giá trị của một bức tranh hoặc tác phẩm điêu khắc thường gắn liền với sự độc đáo của nó. Tuy nhiên, việc tạo một phiên bản online của nó mà bất kỳ ai cũng có thể sao chép hoặc phân phối làm giảm giá trị và sự kiểm soát của các chủ sở hữu tác phẩm. Ý tưởng này sẽ không hiệu quả”, theo nhà phê bình nghệ thuật kỳ cựu Anthony Haden-Guest. Dĩ nhiên, cũng có nhiều họa sĩ truyền thống đồng ý bởi quan điểm này. Nathan Ritterpusch, một họa sĩ có thâm niên sáng tác hơn 20 năm, nói: “Tôi lo sợ rằng việc đưa tác phẩm của mình lên mạng sẽ làm mất giá trị tác phẩm. Ví dụ như Facebook. Duy trì cảm giác khan hiếm và độc đáo là rất quan trọng đối với một tác phẩm nghệ thuật.
Nhưng quan điểm đó ngay trong giới triển lãm và họa sĩ đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều phòng tranh tìm đến mạng Internet để thúc đẩy doanh số bán hàng. Đơn cử như Christie’s, họ đã đóng cửa một phòng triển lãm ở London và thu nhỏ một địa điểm khác ở Amsterdam vào năm 2017 trong khi tăng cường hoạt động đấu giá trực tuyến. Quay trở lại với ví dụ ban đầu về phòng triển lãm tranh Mike Weiss, sau khi đóng cửa không gian thực, Weiss và Martinsen tập trung vào việc tạo ra một doanh nghiệp hoạt động theo hình thức trực tuyến mang tên Gates of the West, và xây dựng thương hiệu của họ thông qua các trang mạng xã hội.
Tác phẩm “Everything, Always 2624” (2022) của họa sĩ Kate Salenfriend được bán với giá 6,400 USD trên Artsy
Mô hình hoạt động này cũng tạo nên thành công của Artsy, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thành phố New York. Sản phẩm của họ khác cởi mở và dễ tiếp cận hơn nhiều so với giới nghệ thuật truyền thống. Mọi tác phẩm nghệ thuật đều có sẵn thông qua một công cụ tìm kiếm có thể lọc theo phong cách, khoảng thời gian hoặc giá cả. Dịch vụ mà họ mang đến cho khách hàng được sử dụng thông qua các thuật toán để hiểu loại nghệ thuật nào thu hút người dùng và sau đó đề xuất các tác phẩm khác mà họ có thể thích hoặc mua. Thay vì giới hạn không gian thưởng lãm và mua bán của người dùng, Artsy đang khẳng định nghệ thuật không biên giới nhờ vào các bộ sưu tập và hoạt động mua bán tranh online. Người sử dụng từ khắp nơi chỉ cần và nhấp chuột, việc mua tranh trở nên đơn giản và nhẹ nhàng như việc sử dụng Tinder.
Xem thêm phần 2 tại đây
Xem thêm phần 3 tại đây
Xem thêm phần 4 tại đây
Biên dịch: Minh Hậu
Biên tập: Thu Huyền
Nguồn: How Artsy finally convinced galleries to sell fine art online | theverge.com