VN | EN

Tin tức

Bên trong các bộ sưu tập nghệ thuật của các ngân hàng đầu tư (Phần 2)

Các “ông lớn” trong ngành tài chính đang đi ngược xu hướng toàn cầu và đầu tư vào nghệ thuật. Vậy văn phòng của họ ở Úc trông như thế nào?

Giám đốc điều hành Bank of America tại Úc, ông Joseph Fayyad, cho biết bộ sưu tập nghệ thuật của ngân hàng này cũng tập trung vào việc hỗ trợ các nghệ sĩ Úc. Dù Bank of America sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật toàn cầu, văn phòng của họ tại Úc lại được sử dụng như một phòng triển lãm.

Các nghệ sĩ trong nước được mời trưng bày tác phẩm trong các buổi sự kiện tổ chức cho khách hàng và đối tác, nơi khách được mời mua các tác phẩm. Hiện tại, ngân hàng đang trưng bày từ 15 đến 20 bức tranh của nghệ sĩ Úc McLean Edwards, nổi tiếng với thể loại tranh chân dung mà ông gọi là “trộm cắp cảm xúc” (emotional larceny).

Joseph Fayyad, giám đốc điều hành Bank of America tại Úc, bên cạnh một tác phẩm của McLean Edwards trưng bày tại văn phòng Sydney. Ảnh: Louise Kennerley.

“Đây là một điểm kết nối giúp chúng tôi tiếp cận đa dạng đối tượng – khách hàng, nhà đầu tư, nhân viên, và cả nghệ sĩ – vì vậy chúng tôi coi đây là một công cụ tuyệt vời để tương tác,” ông Fayyad chia sẻ.

“Chúng tôi có thể mua nguyên một bộ sưu tập nghệ thuật và treo nó trong 10 năm, hoặc chúng tôi có thể thực hiện chương trình này và thay đổi tác phẩm nghệ thuật trên tầng khách hàng 4 đến 6 tháng một lần – vì chúng tôi thích ý tưởng xoay vòng nghệ thuật. Chúng tôi cho rằng điều này thú vị hơn và cũng là cách để hỗ trợ cộng đồng nghệ thuật bằng cách giới thiệu nhiều nghệ sĩ khác nhau.”

Năm ngoái, Bank of America còn tổ chức một buổi tối dạ tiệc dành cho khách hàng và nhân viên tại Trường Nghệ thuật Quốc gia (National Art School). Ngân hàng này cũng đóng góp vào việc bảo tồn một số bộ sưu tập và tác phẩm của chính phủ, mà họ đã tài trợ và sẽ cùng triển lãm The Stars We Do Not See của Bảo tàng Nghệ thuật Victoria Quốc gia lưu diễn tại Mỹ vào tháng Mười tới.

Nina Pether – chuyên gia tư vấn của Justin Miller Art – cho biết một thay đổi đáng chú ý trong lĩnh vực doanh nghiệp là nghệ thuật không còn đơn thuần chỉ để treo trang trí trên tường. “Tôi nhận thấy vài năm gần đây, có một sự thay đổi tích cực trong không gian doanh nghiệp mà chúng tôi phụ trách, khi nghệ thuật được xem là thứ vượt trên trang trí – nó trở thành một phương tiện có mục đích, tôi gọi là “nghệ thuật có mục đích”. Ngoài ra, cũng có xu hướng rời xa việc giữ tác phẩm cố định – chúng tôi hiện đang quản lý một số không gian doanh nghiệp có chương trình triển lãm thay đổi 3 đến 4 lần mỗi năm.”

Zoe Rodriguez – giám đốc Artbank (một chương trình của chính phủ chuyên mua tác phẩm nghệ thuật đương đại và cho khu vực tư nhân thuê) – cho biết các doanh nghiệp thường mong muốn chọn những tác phẩm phù hợp với giá trị và sứ mệnh của họ. Cô cũng nói nhu cầu với nghệ thuật bản địa đang rất cao, bên cạnh đó là sự quan tâm ngày càng tăng đến các chất liệu như gốm và dệt.

Nina Pether của Justin Miller Art, bên cạnh bức tranh chân dung tự họa của Brett Whiteley. Ảnh: Louise Kennerley

Ngân hàng đầu tư Barrenjoey chọn tác phẩm nghệ thuật từ Artbank, và quyết định trưng bày thường do các đồng chủ tịch Matthew Grounds và Guy Fowler cùng giám đốc điều hành Brian Benari đưa ra.

Tại văn phòng của Goldman Sachs ở Sydney và Melbourne, lại là một câu chuyện khác. Bộ sưu tập nghệ thuật gần như không thay đổi kể từ khi được mua vào đầu những năm 2000, dưới thời chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Alastair Walton, với các tác phẩm của Lindy Lee, Sally Smart, Jonathan Jones và Scott Redford.

Trong khi đó, Morgan Stanley có một đội ngũ nghệ thuật hoạt động tại Singapore do giám tuyển toàn cầu Cecilia Tay phụ trách. Cô cho biết: “Nghệ thuật tại văn phòng của chúng tôi là hiện thân vật lý cho giá trị cốt lõi của Morgan Stanley – tạo sự gắn kết, truyền cảm hứng cho khách hàng và nhân viên, đồng thời nâng tầm trải nghiệm nơi làm việc.”

Tại văn phòng Deutsche Bank ở Sydney, một tác phẩm được bà Britta Farber đặc biệt nhắc đến: bức ảnh in của Julian Rosefeldt chụp hội trường lễ hội bia Oktoberfest. Bà cho rằng tác phẩm này mang lại sự hài hước về di sản Đức của ngân hàng và là góc nhìn mới mẻ của nghệ sĩ về cách thức chụp ảnh.

Trước khi chuyển đến văn phòng Sydney hiện tại vào năm 2005, Deutsche đã bán phần lớn bộ sưu tập nghệ thuật truyền thống của mình, dưới sự tư vấn của nhà tư vấn nghệ thuật Virginia Wilson (đã mất). Bà dùng số tiền thu được để mua các tác phẩm đương đại, bao gồm cả các tác phẩm được đặt hàng riêng cho không gian mới. Hiện ngân hàng đang cân nhắc hướng đi mới cho bộ sưu tập tại văn phòng Melbourne nhưng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.

Glenn Morgan, giám đốc điều hành Deutsche Bank Australia, tại văn phòng Sydney của ngân hàng. Ảnh: Louise Kennerley

Một số tác phẩm trong bộ sưu tập toàn cầu của Deutsche cũng đã được đưa về văn phòng Sydney theo thời gian, bao gồm tác phẩm The Bride Who Married a Camel’s Head của nghệ sĩ Kenya-Mỹ Wangechi Mutu – một bức tranh ghép hình được đóng khung.

Cũng có những bảng màu và ảnh chụp của Gerhard Richter – nghệ sĩ có tác phẩm từng được bán với giá hơn 46 triệu USD – và một tác phẩm của Timm Ulrichs, một trong những nghệ sĩ tiên phong trong nghệ thuật khái niệm và hành động tại Đức. Sau khi Deutsche đóng cửa văn phòng ở New Zealand, một tác phẩm của nghệ sĩ nổi tiếng người New Zealand – Gordon Walters – cũng được chuyển về Úc.

Bà Farber khẳng định các tác phẩm nghệ thuật đang thực hiện đúng mục tiêu ban đầu: khơi gợi cuộc đối thoại và kết nối con người lại với nhau.

 

(Xem phần 1)

 

Nguồn: Inside the art collections of our investment banks

Biên dịch: Huyền Trịnh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon