VN | EN

Tin tức

Bên trong các bộ sưu tập nghệ thuật của các ngân hàng đầu tư  (Phần 1) 

Các “ông lớn” trong ngành tài chính đang đi ngược xu hướng toàn cầu và đầu tư vào nghệ thuật. Vậy văn phòng của họ ở Úc trông như thế nào?

Bulletproofglass #2, ảnh chụp năm 2002 của Rosemary Laing, tại Deutsche Bank. Ảnh: Louise Kennerley.

Hãy hỏi Helen Burton – giám đốc phụ trách bộ sưu tập nghệ thuật nội bộ của Macquarie Group – rằng bà đo lường thành công như thế nào. Một cách mà bà nhắc đến là đếm số email hoặc bình luận mà bà nhận được mỗi khi một bức tranh được di chuyển.

“Tôi có những đồng nghiệp gọi đến và nói họ không thích một tác phẩm nào đó trong văn phòng hay phòng họp, và tôi thấy điều đó tuyệt vời! Tôi sẽ hỏi: ‘Tại sao bạn không thích nó?’” – bà kể, và cho biết bà thường nhận được nhiều phản hồi nhất về các tác phẩm được treo trong phòng họp tại văn phòng mới của ngân hàng trên phố Elizabeth, khu thương mại trung tâm Sydney.

Hiện tại, phòng họp đang trưng bày hai bức tranh phong cảnh rực rỡ màu sắc của Kate Shaw – một nghệ sĩ sống ở cả Úc và Mỹ. Trong căn phòng chờ liền kề, có hai chiếc đĩa sứ màu xanh tinh tế của Alice Couttoupes. Một chiếc có hình hoa waratah bằng sứ trắng vươn lên từ nền xanh, chiếc còn lại là hoa bottlebrush trắng. Theo thời gian, chiếc đĩa hoa bottlebrush đã mất đi vài cánh vì người qua lại chạm vào, nhưng họ quyết định không bao acrylic lên – vì nghệ thuật là để phục vụ không gian văn phòng.

Tất cả các tác phẩm này thuộc bộ sưu tập nghệ thuật của Macquarie Group với quy mô 950 tác phẩm từ 518 nghệ sĩ, được tài trợ bởi quỹ của tập đoàn, do Lisa George điều hành. Macquarie là một trong số ít tập đoàn Úc – đặc biệt là ngân hàng đầu tư – vẫn duy trì chính sách sưu tập nghệ thuật tích cực. Họ mua từ 20 đến 40 tác phẩm mỗi năm từ các nghệ sĩ trẻ trong nước và không bán lại bất kỳ tác phẩm nào.

Trong vài thập kỷ gần đây, việc các công ty xây dựng bộ sưu tập nghệ thuật đã trở thành trào lưu rồi lại mai một, thường là vì cổ đông muốn sử dụng quỹ vào mục đích khác – như trường hợp của National Australia Bank và quỹ hưu trí Cbus. Gần đây, Westpac đã cắt giảm vị trí phụ trách nghệ thuật bán thời gian, nhưng vẫn giữ lại bộ sưu tập.

Tuy nhiên, ở các ngân hàng đầu tư toàn cầu thuộc nhóm "bulge-bracket" – nơi quy tắc ngầm là đừng sở hữu du thuyền tốt hơn khách hàng – họ vẫn giữ gìn bộ sưu tập nghệ thuật của mình. Deutsche Bank, UBS, Goldman Sachs, Bank of America và các tổ chức khác sở hữu những bộ sưu tập nghệ thuật doanh nghiệp danh giá bậc nhất thế giới, với các nhà giám tuyển nội bộ và cộng tác viên bên ngoài.

Trên phạm vi toàn cầu, bộ sưu tập của Deutsche Bank có hàng chục nghìn tác phẩm nhiếp ảnh và nghệ thuật đương đại, được định giá hơn 65 triệu USD (tương đương 104 triệu AUD). UBS, đã bắt đầu sưu tập từ những năm 1960, hiện có bộ sưu tập trị giá hơn 100 triệu USD. Sau vụ sáp nhập với Credit Suisse năm 2023, UBS đang cân nhắc hướng đi mới cho các tác phẩm nghệ thuật tiếp nhận thêm – nâng tổng số lên hơn 40.000 tác phẩm. Tại Sydney, một bức tranh của nghệ sĩ đương đại Daniel Boyd từ bộ sưu tập của Credit Suisse hiện đã được treo trong văn phòng UBS.

Các ngân hàng đầu tư xem việc sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật như một cách để gắn kết nhân viên, khách hàng, đồng thời thể hiện giá trị của doanh nghiệp và đóng góp cho cộng đồng. “Mục tiêu là truyền cảm hứng, đôi khi thậm chí là tạo sự va chạm tư duy,” Britta Farber – Giám đốc toàn cầu về nghệ thuật và văn hóa của Deutsche Bank tại Frankfurt – chia sẻ. “Chúng tôi không muốn mọi thứ trở nên quá dễ dàng.”

Bà cho biết bộ sưu tập toàn cầu cho phép ngân hàng tạo ra những trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng và thể hiện vai trò có trách nhiệm trong xã hội bằng cách hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ. “Ý tưởng ngay từ đầu là tạo nên một cuộc đối thoại tại chỗ, để kết nối những thế giới khác nhau lại với nhau.”

Tuy vậy, Farber vẫn làm việc trong một ngân hàng đầu tư – bộ phận nghệ thuật của bà vẫn có các chỉ số KPI phải đạt, ảnh hưởng đến việc phân bổ ngân sách. Trước đây, Deutsche từng hợp tác với các chương trình nghệ thuật trong nước tại Úc như Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại (MCA), triển lãm Biennale of Sydney và triển lãm Sydney Contemporary. Hiện nay, mối quan hệ đó đã được thay thế bằng hợp tác toàn cầu với hội chợ nghệ thuật Frieze Art Fair.

Tại Úc, một số bộ sưu tập nghệ thuật của các ngân hàng đầu tư – như của Macquarie và Bank of America – mang đậm dấu ấn địa phương. Một phần do chi phí vận chuyển, bảo hiểm cao và tỷ giá ngoại hối; phần khác là để hỗ trợ nghệ sĩ trong nước.

Helen Burton đã tham gia ủy ban nghệ thuật gồm 12 nhân viên của Macquarie từ năm 2008. Ủy ban này chọn mua tác phẩm từ các nghệ sĩ trẻ trong nước theo tiêu chí: giá dưới 5.000 AUD và chủ đề liên quan đến “đất đai và tâm hồn”. Burton cho biết tác phẩm giá trị nhất hiện trong bộ sưu tập của Macquarie – cũng là một trong những tác phẩm lâu đời nhất – hiện được định giá 100.000 AUD, nhưng bà từ chối tiết lộ tên tác phẩm và nghệ sĩ.

Burton còn chịu trách nhiệm phân bổ các tác phẩm cho hơn 70 văn phòng của Macquarie trên toàn cầu – đôi khi gặp không ít khó khăn, ví dụ như khi phải tháo tranh ra khỏi khung vì kích thước thang máy không phù hợp.

Vai trò của bà còn đòi hỏi sự am hiểu về gu thẩm mỹ cá nhân của CEO Macquarie – bà Shemara Wikramanayake – và ban giám đốc, để lựa chọn danh sách rút gọn các tác phẩm nghệ thuật cho họ chọn trưng bày trong văn phòng. Văn phòng của CEO hiện đang thay đổi tranh, nhưng bức chạm khắc gỗ ironwood ba con cú của nghệ sĩ vùng Tiwi Islands – Patrick Freddy Puruntatameri – là món riêng và sẽ được giữ lại vĩnh viễn.

Hiện tại, dù hơn một nửa doanh thu đến từ nước ngoài, Macquarie vẫn duy trì định hướng chỉ mua nghệ thuật Úc – dù việc mở rộng phạm vi sưu tập nghệ thuật theo hoạt động toàn cầu của ngân hàng là một đề tài thường xuyên được thảo luận. Tại các văn phòng New York và Singapore, họ đã tổ chức các triển lãm tạm thời để giới thiệu nghệ sĩ địa phương.

Lisa George – Giám đốc toàn cầu của quỹ Macquarie Group – chụp ảnh cùng một bức tranh của họa sĩ Zaachariaha Fielding. Quỹ này là đơn vị tài trợ cho bộ sưu tập nghệ thuật của ngân hàng đầu tư. Ảnh: Louise Kennerley.

 

(Xem phần 2)

 

Nguồn: Inside the art collections of our investment banks

Biên dịch: Huyền Trịnh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon