VN | EN

Tin tức

Truyền thống, sự khiêu khích và tính chất ngưỡng trong nghệ thuật tranh thủy mặc đương đại – Dou Jianyong (Phần 1)

Dou Jianyong (còn được biết đến với bút danh Dou Liangyu) sinh năm 1976 tại Lỗ Lăng, tỉnh Sơn Đông. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa Trung Quốc tại Học viện Mỹ thuật Thiên Tân năm 2000, và tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ tại cùng đơn vị vào năm 2007. Hiện nay, anh giữ chức danh Phó Giáo sư, đồng thời là một trong những nghệ sĩ tranh thủy mặc đương đại nổi bật tại Trung Quốc.


Tranh thủy mặc – Một truyền thống sống

Tranh thủy mặc (水墨畫) – hình thức nghệ thuật cổ xưa dựa trên mực đen với các sắc độ tinh tế – bắt nguồn từ thời nhà Đường và đạt đỉnh cao thẩm mỹ vào thời Tống. Trong nghệ thuật này, điều được nắm bắt không phải là hình dáng bề ngoài, mà là khí, là tinh thần và sự sống động ẩn dưới lớp vỏ hiện hữu. Người họa sĩ không cần vẽ một bông hoa với đầy đủ cánh và màu, mà cần khiến người xem ngửi được mùi hương và cảm nhận được nhịp thở của nó.

Tranh thủy mặc truyền thống không chỉ là hình ảnh mà còn là phương tiện tu tập – gắn chặt với Thiền tông, Đạo giáo và tư tưởng nhàn tản của giới học giả. Nó đề cao tính chất ngưỡng (liminality) – không gian nơi giữa cái hữu hình và vô hình, giữa tâm linh và thế tục, giữa con người và vũ trụ.


Dou Jianyong – Sự chuyển động giữa các ranh giới

Khác với nhiều thế hệ trước, Dou Jianyong không đi tìm sự vĩnh cửu trong biểu tượng sơn thủy hay điển cố văn học. Nghệ thuật của anh mang tính mô tả cao hơn, sống động và phức tạp hơn, với nội dung tập trung vào các tình huống đời thường: bữa ăn, trò chuyện, cảnh sinh hoạt làng quê – những điều bình dị nhưng thấm đẫm trải nghiệm cá nhân. Các nhân vật trong tranh anh không phải là mẫu hình lý tưởng hóa, mà là bạn bè, người thân, những hình bóng cụ thể gắn liền với đời sống thường nhật.

“Thường thì, khi tôi tự hỏi ‘tôi muốn tập trung vào điều gì?’, tôi trở nên khổ sở. Và rồi tôi quyết định không tập trung vào bất kỳ ‘điều gì’ cụ thể cả,” Dou chia sẻ. “Những cảnh đời thường ấy, chúng thực sự là cuộc sống của tôi.”

Tác phẩm của anh như một hình thức nhật ký hình ảnh – nơi ký ức, tình cảm, tôn giáo dân gian và cả chút nghịch ngợm đều có chỗ đứng. Những bức tranh như Chinese Chives (Jiu) hay You Ask Me Where I Am Going không chỉ là cảnh mà còn là tâm trạng, là một lớp ý thức trôi nổi giữa truyền thống và thực tại, giữa ký ức và cảm giác bất an của hiện đại.

Chinese Chives (Jiu) - 2021

 

You Ask Me Where I Am Going - 2020


Một nghệ sĩ – không trường phái, không rào cản

Khi được hỏi liệu bản thân có thuộc về một trường phái nghệ thuật cụ thể, Dou đáp lại một cách mộc mạc nhưng sắc sảo:

“Ở Trung Quốc, các trường phái nghệ thuật thường chỉ được gọi tên sau khi nghệ sĩ đã mất. Khi còn sống, tức là vẫn còn khả năng phát triển. Điều tôi tìm kiếm từ đầu đến cuối là chính bản thân mình trong tác phẩm.”

Sự ảnh hưởng, nếu có, không đến từ các họa sĩ mà từ các nhà văn – Vương Tăng Kỳ, Đào Uyên Minh, Tô Thức, Tam Mao, Quỳnh Dao – và xa hơn là Tolstoy, Rousseau. Đó là những người kể chuyện, những linh hồn quan sát thế giới bằng nhãn quan không phô trương, mà thấm đẫm sự tử tế và sâu sắc.


Tái định nghĩa “tâm linh” và “tự do” trong tranh thủy mặc

Tranh thủy mặc, trong lịch sử, không chỉ là kỹ thuật mà là một phương thức tiếp cận cuộc sống. Nó phản ánh chiều sâu tôn giáo và triết học của Trung Hoa cổ điển – đặc biệt là Thiền tông và Đạo giáo. Trong truyền thống ấy, những đường cọ tự phát và không gian âm được xem là dấu vết của nội tâm, là biểu hiện của một bản ngã không ràng buộc.

Một ví dụ nổi bật là thực hành Ensō trong hội họa mực Nhật Bản – một vòng tròn vẽ bằng mực đen chỉ bằng một cử động, tượng trưng cho khoảnh khắc giác ngộ, cho sự chấp nhận vẻ đẹp của cái không hoàn hảo. Dou Jianyong không vẽ Ensō, nhưng nghệ thuật của anh dường như cũng hướng tới cùng một trạng thái – một khoảnh khắc thành thật với chính mình, dù là trong tiếng cười, một cái nhìn, hay một bữa ăn quê mùa.

 

Mặc dù chủ đề “truyền thống” không được đề cập một cách trực tiếp trong cuộc trò chuyện với Dou Jianyong, nhưng có một điều không thể không nhận thấy: đó là một dòng chảy ngầm bền bỉ trong tư duy sáng tác của anh. Nó không mang hình thức của sự tuyên xưng hay viện dẫn, mà thấm vào lời nói, vào cách anh diễn giải bản chất của nghệ thuật—như một thực hành gắn liền với chiều sâu văn hóa, lịch sử và triết học phương Đông.

Dou thường xuyên quay trở lại với những nguyên lý cốt lõi của triết học Đạo giáo, không phải như một hệ thống khép kín, mà như một phương tiện để tư duy về cái không thể nắm bắt: về nghệ thuật như một dạng tồn tại vượt ngoài biểu tượng, một sự hiện diện hơn là một đối tượng được định danh.

“Loại nghệ thuật này cũng có thể mang theo rất nhiều văn hóa, lịch sử, triết học... những thứ siêu hình. Nó không thể diễn tả được, không thể diễn đạt bằng lời.”

Nghệ thuật, theo anh, không đơn thuần là hình ảnh hay kỹ thuật, mà là một hình thức lắng nghe và phản hồi với cái không thể nói. Đó là nơi mà tranh mực trở thành không gian thiền định, làn cọ trở thành hành động trực giác, và bức tranh không còn là sự mô tả, mà là dấu vết của một trải nghiệm.

Trong cuộc trò chuyện, Dou trích dẫn một câu trong Đạo Đức Kinh, văn bản triết học nền tảng của Đạo giáo:

“Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn” (玄之又玄,衆妙之門)
“Nơi bí ẩn sâu thẳm nhất là cánh cổng dẫn đến mọi điều kỳ diệu.”

Đó là một tuyên ngôn không cần lời, phản ánh cách Dou nhìn vào nghệ thuật—không như một kết quả, mà như một cánh cổng mở ra cái chưa biết, cái mờ mịt và đầy khả thể. Tranh thủy mặc, theo nghĩa đó, không còn là phương tiện để vẽ nên hình ảnh, mà là một nghi lễ bước qua ranh giới giữa hình và vô hình, nơi mỗi nét mực không phải là khẳng định, mà là sự im lặng dày đặc—thứ im lặng chất chứa tất cả những điều không thể diễn tả thành lời.

 

(Xem phần 2)

 

Nguồn: China Art Lover

Biên dịch: Trang Lê

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon