-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Triển lãm Olga Boznańska ở Paris (Phần 2)
Olga Boznańska, một trong những họa sĩ Ba Lan kiệt xuất nhất vào thời khắc giao thoa giữa thế kỷ 19 và 20, được biết đến chủ yếu qua các bức tranh chân dung đầy kỹ thuật điêu luyện. Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 160 năm ngày sinh và 85 năm ngày mất của bà, Quốc hội Ba Lan đã vinh danh Olga Boznańska là một trong những nhân vật được tưởng niệm chính thức trong năm. Nhân dịp này, và với sự phối hợp của Viện Ba Lan tại Paris, chúng tôi có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Ewa Bobrowska về việc trưng bày ba tác phẩm tranh của Boznańska tại Bảo tàng Orsay.
Tranh của Olga Boznańska từ bộ sưu tập của Musée d’Orsay. Ảnh: Mona Mil Photography / Institut Polonais de Paris.
D.G.: Ở Ba Lan, Boznańska không được công nhận ngay lập tức; Paris và công chúng cởi mở của thành phố này lại nhanh chóng ghi nhận tài năng của bà hơn. Vậy ngày nay, sự công nhận và đánh giá về nghệ sĩ này ở Pháp – nơi bà đã cống hiến suốt hàng thập kỷ – như thế nào?
E.B.: Câu hỏi về sự công nhận dành cho Boznańska thực ra phức tạp hơn một chút. Như chúng ta đều biết, cuối thế kỷ 19 không phải là thời điểm dễ dàng cho các nữ nghệ sĩ; họ phải đấu tranh rất nhiều để được coi là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tiểu sử của Boznańska cho thấy bà nhận được huy chương vàng đầu tiên tại Munich năm 1893. Sau đó, bà giành được nhiều giải thưởng tại các trung tâm nghệ thuật lớn như Vienna, London và Paris, nhưng cũng cả ở Ba Lan – chẳng hạn tại Lviv vào năm 1894, nơi bức tranh chân dung Paul Nauen của bà đoạt huy chương bạc. Chính bức tranh này đã được Bảo tàng Quốc gia Kraków mua vào năm 1896, khi bà mới 31 tuổi. Ở Kraków, bà cũng được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Ba Lan “Sztuka” [“Nghệ thuật”], một hiệp hội vô cùng khắt khe chỉ quy tụ những tài năng nam xuất chúng nhất. Hội chỉ có hai thành viên nữ, trong đó có Boznańska.
Khi nghệ sĩ định cư tại Pháp, sự nghiệp của bà phát triển mạnh mẽ cho đến khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ – dù phải nói rõ rằng: bà chưa từng được trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp, trái với một số thông tin được công bố, điều này cũng không làm giảm giá trị thành tựu của bà. Sau chiến tranh, kết thúc cái gọi là “thế kỷ 19 kéo dài,” thế giới đã thay đổi. Những năm 20 “gầm rú” chiếm lĩnh Paris; công chúng muốn quên đi chiến tranh và tận hưởng cuộc sống. Họ khao khát những điều mới lạ, kể cả trong nghệ thuật. Những bức tranh tinh tế của Boznańska, đòi hỏi thời gian và sự tập trung để cảm nhận, không thể cạnh tranh nổi với nghệ thuật sặc sỡ trước đó.
Boznańska qua đời tại Paris dưới sự chiếm đóng của Đức năm 1940. Bà để lại toàn bộ xưởng vẽ cùng những bức tranh còn lại cho Bảo tàng Quốc gia Kraków. Di sản này chỉ đến được nơi nhận vào những năm 1950. Khi ấy, Ba Lan thuộc khối Đông Âu, đồng nghĩa với việc tác phẩm của Boznańska bị “nhốt kín” trong vùng ảnh hưởng này suốt nhiều năm cho đến khi có biến chuyển chính trị vào thập niên 1990. Trước đó, chỉ có Thư viện Ba Lan ở Paris từng tổ chức triển lãm tranh của bà – ngay sau chiến tranh, năm 1945, một cuộc triển lãm sau khi mất gồm tác phẩm của Boznańska và Józef Pankiewicz đã được tổ chức. Sau đó, vào năm 1990, một triển lãm khác diễn ra – tôi có cơ hội tổ chức với nguồn lực rất khiêm tốn. Boznańska tiếp tục được giới thiệu tại Paris vào năm 2016 và hiện vẫn đang được trưng bày. Vì được quảng bá quá ít, nên Boznańska vẫn chưa được công chúng Paris hiện đại nhận diện. Chúng tôi hy vọng rằng triển lãm hiện tại tại Bảo tàng Orsay sẽ thay đổi điều đó.
Tranh của Olga Boznańska từ bộ sưu tập của Musée d’Orsay. Ảnh: Mona Mil Photography / Institut Polonais de Paris.
D.G.: Nhưng – khi triển lãm là một phần trong các hoạt động kỷ niệm Năm Boznańska – thì theo bà, ta nên tiếp cận tác phẩm của người họa sĩ vĩ đại này như thế nào?
E.B.: Tôi muốn nói rằng nên tiếp cận như với bất kỳ thành tựu nào của một họa sĩ lớn. Tôi nghĩ triển lãm lớn vào năm 2014/2015 – mà tôi có vinh dự đồng giám tuyển – đã chứng minh tài năng lớn của bà. Mục tiêu của triển lãm là sửa lại một số đánh giá đã thành định kiến về Boznańska, và tập trung vào giá trị thị giác cũng như nghệ thuật trong tác phẩm của bà, chứ không phải những giai thoại giật gân. Bà cũng trở thành một biểu tượng của nữ quyền Ba Lan – dù thực ra bản thân bà không quá nhiệt thành với phong trào này. Bà có nhiều lời phê bình đối với nghệ thuật của phụ nữ, và rất coi trọng tài năng nghệ thuật chứ không phân biệt giới tính. Tranh của Boznańska nhằm khơi gợi cảm xúc – nếu ta cho chúng một cơ hội, mở lòng, và dành thời gian để những hình khối, màu sắc ấy lan tỏa, thì trải nghiệm thẩm mỹ sâu sắc sẽ đến với ta.
Nguồn: Olga Boznańska in Paris
Biên dịch: Huyền Trịnh