-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Triển lãm Olga Boznańska ở Paris (Phần 3)
Olga Boznańska, một trong những họa sĩ Ba Lan kiệt xuất nhất vào thời khắc giao thoa giữa thế kỷ 19 và 20, được biết đến chủ yếu qua các bức tranh chân dung đầy kỹ thuật điêu luyện. Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 160 năm ngày sinh và 85 năm ngày mất của bà, Quốc hội Ba Lan đã vinh danh Olga Boznańska là một trong những nhân vật được tưởng niệm chính thức trong năm. Nhân dịp này, và với sự phối hợp của Viện Ba Lan tại Paris, chúng tôi có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Ewa Bobrowska về việc trưng bày ba tác phẩm tranh của Boznańska tại Bảo tàng Orsay.
D.G.: Đối mặt với giới nghệ sĩ, nhà phê bình – vốn chủ yếu là nam giới – vốn đã khó đối với phụ nữ ở hiện tại, huống chi vào thời của nữa họa sĩ. Vậy bà ấy đã làm cách nào để vượt qua trần kính ấy và được giới thẩm quyền nghệ thuật công nhận?
E.B.: Đúng vậy, Boznańska không chỉ có tài năng xuất chúng mà còn sở hữu một cá tính bất khuất và quyết tâm mãnh liệt. Bà hiểu rõ cách điều hướng sự nghiệp của mình (theo nghĩa tích cực), biết cần trưng bày ở đâu và điều gì để được công nhận và tôn trọng. Và cách tiếp cận ấy rõ ràng đã mang lại kết quả.
Tranh của Olga Boznańska từ bộ sưu tập của Musée d’Orsay. Ảnh: Mona Mil Photography / Institut Polonais de Paris
D.G.: Vâng, Boznańska được xem là bậc thầy của thể loại tranh chân dung. Điều gì làm cho những bức tranh chân dung của bà khác biệt so với vô số chân dung cùng thời?
E.B.: Boznańska vẽ tranh chân dung của những người thuộc giới nghệ thuật: thương nhân buôn tranh, nhà sưu tập, nghệ sĩ. Bà vẽ nhạc sĩ, nhà văn, nhà khoa học, bác sĩ, quý tộc. Trong số các thương nhân buôn tranh, phải kể đến Georges Thomas – người đã tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên của bà năm 1898 tại Paris – hay Angelo Sommaruga. Năm 1907, bà vẽ chân dung nhà sưu tập nổi tiếng người Ba Lan, Feliks Jasieński. Bà rất thích vẽ chân dung các họa sĩ bạn mình như Józef Czajkowski, Paul Nauen (đã nói ở trên), Franciszek Siedlecki, Leopold Gottlieb, Leon Hirszenberg, và các nhà điêu khắc Bolesław Biegas và Ludwik Puget. Bà cũng để lại tranh chân dung của các nhân vật âm nhạc như August Radwan, Artur Rubinstein, Maria Otto-Trąmpczyńska, và Jadwiga Lachowska. Trong giới văn chương, có thể kể đến Henri-Pierre Roché, Natalie Clifford Barney, các nhà thơ Remy de Gourmont và Emile Verhaeren, hay Henryk Sienkiewicz. Các nhà khoa học từng ngồi mẫu cho bà gồm Giáo sư Jan Danysz (Viện Pasteur ở Paris), triết gia Wincenty Lutosławski, và Melania Lipińska. Và đó mới chỉ là một vài cái tên.
D.G.: Ngày nay, sau 85 năm kể từ khi bà mất, chúng ta đang hồi tưởng lại ký ức về bà, chiêm ngưỡng các tác phẩm một lần nữa, trong khi các tổ chức đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Tranh của Olga Boznańska giờ đây đạt mức giá chóng mặt trên thị trường nghệ thuật, khác hẳn một thời điểm khi bà không còn nhận được đơn đặt hàng và rơi vào cảnh tài chính cực kỳ khó khăn. Vậy khi nào giới nghệ thuật mới thực sự nhận ra và trân trọng người họa sĩ của những tâm hồn này?
E.B.: Vâng, người Ba Lan rất thích kỷ niệm các ngày lễ, và điều đó thật tuyệt – nếu không, một số nghệ sĩ có thể sẽ bị quên lãng hoàn toàn. Có vẻ như Boznańska đang “lên ngôi”. Rất nhiều sự kiện đang diễn ra trong Năm Boznańska, quy mô và giá trị khác nhau – điều đó là tích cực. Sẽ còn tuyệt hơn nếu những sự kiện đó được hậu thuẫn bởi các nghiên cứu mới. Như bạn nói, ngày nay tranh của Boznańska có giá rất cao tại thị trường Ba Lan, dù cuối đời bà từng lâm vào cảnh nghèo khổ. Nhưng đây cũng là một hiện tượng phức tạp. Tôi không phải chuyên gia thị trường nghệ thuật, nhưng có một số quy luật dễ thấy – ví dụ như việc giá tranh của một nghệ sĩ thường tăng mạnh sau khi họ qua đời, vì ai cũng biết rằng họ sẽ không vẽ thêm nữa, tức nguồn cung bị giới hạn.
Một yếu tố khác là thị trường nghệ thuật gần như không tồn tại trong Ba Lan thời cộng sản. Có một số hoạt động buôn bán “ngầm”, nhưng nó không đủ sức thiết lập giá. Thị trường chỉ bắt đầu điều tiết giá tranh của Boznańska từ khi những bức tranh này thực sự xuất hiện – tức từ thập niên 1990. Lịch sử nghệ thuật Ba Lan thì công nhận bà sớm hơn, dù cũng chủ yếu sau khi bà mất. Tuy nhiên, đừng quên rằng Boznańska từng nhận được những huân chương cao quý nhất của nhà nước Ba Lan, như Huân chương Sĩ quan năm 1924 và Huân chương Chỉ huy của Huân chương Polonia Restituta năm 1938. Cũng trong năm 1938, bà có triển lãm cá nhân tại Gian hàng Ba Lan trong kỳ Venice Biennale lần thứ 21. Tuy nhiên, phải nói rằng lẽ ra Ba Lan nên quan tâm bà tốt hơn từ sớm.
D.G.: Triển lãm hiện tại kéo dài đến bao giờ?
E.B.: Hiện chưa rõ. Chắc chắn các bức tranh sẽ được trưng bày trong vài tháng. Nhưng hãy tranh thủ đến xem khi còn có thể.
Tranh của Olga Boznańska từ bộ sưu tập của Musée d’Orsay. Ảnh: Mona Mil Photography / Institut Polonais de Paris.
Nguồn: Olga Boznańska in Paris
Biên dịch: Huyền Trịnh