-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tranh sơn dầu của Vermeer tại bảo tàng nghệ thuật Rijksmuseum (P1)
Với phương châm “ít mà nhiều”, triển lãm tranh lớn nhất từ trước đến nay của danh họa người Hà Lan - Johannes Vermeer đã gặt hái thành công ngoài mong đợi.
1. Không cần đợi tuyên ngôn của kiến trúc sư hiện đại Mies van der Rohe ở tận thế kỷ 20, ngay thừ thế kỷ 17 của mình, Johannes Vermeer đã là một minh họa điển hình của phương châm “ít mà nhiều”. Vị danh họa người Hà Lan chỉ vẽ khoảng 45 đến 50 bức tranh sơn dầu trong suốt sự nghiệp của mình, và phần lớn, ông chỉ lựa chọn bối cảnh là một góc phòng đơn sơ. (Ông mất năm 43 tuổi, để lại người vợ góa bụa cùng 11 đứa con côi và một khoản nợ kếch xù.). Hai mươi tám bức tranh trong số 37 bức tranh sơn dầu đã được biết đến đang được trưng bày trong cuộc triển lãm tranh tráng lệ này của Vermeer tại bảo tàng nghệ thuật Rijksmuseum ở Amsterdam.
Mặc dù việc vận chuyển toàn bộ ba phần tư kho tàng tranh của Vermeer vào một buổi triển lãm tranh là một nỗ lực tuyệt đối đáng ghi nhận, nhưng 28 bức tranh vẫn là một con số quá nhỏ để phủ kín một không gian triển lãm lớn. Và may mắn lớn nhất của cuộc triển lãm nghệ thuật này là sự bình tĩnh, sáng suốt cùng phương châm “ít mà nhiều” của hai giám tuyển Gregor J.M. Weber và Pieter Roelofs. Thay vì giới hạn không gian trưng bày nghệ thuật hoặc nhồi nhét Vermeer vào giữa những cái tên đương đại đâu đó ngoài kia, họ đã dành cho mỗi bức tranh sơn dầu một khoảng trống riêng tư, biến vấn đề nan giải thành một ý đồ sắp đặt độc đáo. Một vài bức tranh sống riêng một bức tường và một vài bức khác thậm chí sống riêng một căn phòng của mình. Khoảng trống “mênh mông” ấy níu chân người xem ở lại lâu hơn vời từng khung tranh. Nhìn ít hơn cũng có nghĩa là chiêm ngưỡng những gì nơi đó nhiều hơn, chú ý nhiều hơn và thấy nhiều hơn.
Nhà thiết kế Jean-Michel Wilmottei đã phù phép cho triển lãm trở thành một sân khấu vừa trang nghiêm cũng vừa ấm áp và dịu dàng bưởi những màu đỏ sẫm, xanh lam và xanh lá cây đậm nhã nhặn (mà không ảm đạm),cùng những tấm rèm cùng màu buông dài dài từ trần nhà xuống. Các bức tranh hoàn toàn nổi bật trên nền tường. Lan can bán nguyệt cùng tông màu bao quanh không gian quan sát thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ: đảm bảo ánh sáng tốt nhất cho những bức tranh của Vermeer, và kiểm soát đám đông đối với một sự kiện náo nhiệt như vậy.
Để diễn giải Vermeer và hội họa của ông, các giám tuyển tiếp tục sử dụng phương châm “ít mà nhiều”, khiến cho những vấn đề hàn lâm nặng nề trở nên nhẹ nhàng hơn. Hầu hết mỗi phòng trưng bày đều có một đến hai đoạn viết chi tiết về cuộc đời họa sĩ và kỹ thuật trong tranh sơn dầu của Vermeer. Những bảng tên gây khó chịu và mất tập trung thường được dán trên tranh đã đi về quá vãng. Những thông tin tối giản như tiêu đề, năm sáng tác và nơi cho mượn tranh được in trên tường, với cỡ chữ to giúp người xem nhận diện từ xa. Ánh nhìn được trôi trượt đi nhẹ nhàng, tránh được nguy cơ bị cuốn vào vũ điệu trúc trắc giữa hình và chữ. Giám tuyển để riêng cho Vermeer tự nói với người xem và người xem tự mình đánh giá. Đây là điều mà giám tuyển các nơi trên thế giới đều nên lưu ý.
Quang cảnh những ngôi nhà ở Delft, được gọi là "Con phố nhỏ" (1658-59)
Cả giám tuyển và thiết kế không gian đã thực hiện được một công việc cực kỳ hiếm thấy: kể lại câu chuyện của Vermeers bằng chính nghệ thuật của ông. Sự kết hợp khéo léo giữa nội dung và hình thức đưa đến một trải nghiệm phong phú tuyệt vời cho người xem; đây là điều mà bất cứ ai - họa sĩ, tác giả, hay giám tuyển, đều mong muốn, nhưng không phải ai cũng đạt được. Hiếm khi nào lại có một triển lãm thực hiện điều này tốt như vậy. Tự thân triển lãm cũng đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật, và sẽ còn trở thành một kiểu mẫu cho các đơn vị tổ chức triển lãm khác trong nhiều năm tới.
2. Triển lãm bắt đầu từ những bức tranh sơn dầu phong cảnh đặc trưng đã trở đi trở lại trong tranh Vermeer. Đầu tiên, bức tranh sơn dầu phong cảnh xuất sắc “View of Delft” (Cảnh ở Deft, 1960-61) nhắc nhở người xem về xuất thân của ông cũng như về trình độ bậc thầy của họa sĩ. Tiếp đó, ở một bên, “Little Street” (Phố nhỏ, 1658-59), bằng khung cảnh một ngôi nhà điển hình của Delft, với những người phụ nữ may vá, quét dọn và trẻ em chơi đùa trên đường phố, tất cả dẫn người xem vào không gian sinh hoạt thân thuộc, nơi mà ai trong chúng ta cũng sẽ gửi lại một phần lớn của đời mình ở đó.
Nhưng phải đến Girl Reading a Letter at an Open Window (Cô gái đọc thư bên cửa sổ mở, 1657-58) và The Milkmaid (Cô hầu sữa, 1658-59), thì người xem mới bắt gặp một Vermeer mà chúng ta vốn quen biết. Cả hai người phụ nữ trong các bức tranh sơn dầu chân dung đứng biệt lập trong một góc phòng, ánh sáng tràn vào từ cửa sổ bên trái. Một cái gì đó đã thay đổi trong con mắt thẩm mỹ của ông: Vermeer đã tìm thấy đũa phép thuật của mình và cả kích thước lý tưởng cho tranh sơn dầu của ông. Những bức tranh thời kỳ này và hầu hết sau đó đều có kích thước nhỏ hơn và gặt hái được thành công tương tự. Màu sắc cô đọng, ánh sáng chọn lọc chi tiết. Bức thư của cô gái lấp lánh màu trắng. Chiếc bánh mì trên bàn của người vắt sữa đọng những giọt vàng lấp lánh. Phải chăng Vermeer đã bắt đầu sử dụng máy ảnh tối để quan sát những cảnh này và nhuốm lên chúng bằng màu sắc, ánh sáng và cảm giác về khoảng cách? Có lẽ. Dù ông đã chạm đến những sở trường đặc trưng của mình, người xem có thể thấy rõ cảm giác thân mật, bí ẩn và tôn kính đối với những điều bình thường này được duy trì một cách kỳ diệu trong suốt triển lãm.
Các bức tranh sơn dầu thời kỳ giữa của Vermeer được sắp xếp một cách khéo léo theo các chủ đề tranh sơn dầu sinh hoạt, với những cảnh người phụ nữ viết và đọc thư, hay những khúc dạo đầu bằng âm nhạc, rồi cảnh người phụ nữ với những vị khách nam giới, hoặc cảnh người phụ nữ đang nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Người xem có cơ hội đối sánh, tham chiếu giữa các bức họa cùng thời kỳ, để tìm thấy một số lượng nhân vật nữ, trang phục, ghế và thảm, hay một số kiểu tâm trạng nhất định. Thế giới trong tranh sơn dầu của Vermeer mở ra sinh động hơn bao giờ hết: ánh sáng thay đổi khi một cửa sổ mở hoặc đóng, hoặc khoảng tường trống nọ đã treo thêm một bức tranh. Đây cũng là một lời mời người xem nhìn lại - đánh giá lại bức tranh bản thân vốn yêu thích bên cạnh những bức tranh khác.
Xem thêm phần 2 tại đây
Biên dịch: Minh Tâm
Biên tập: Thu Huyền
Nguồn: https://www.theartnewspaper.com/2023/02/17/the-big-review-vermeer-at-the-rijksmuseum-