-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tranh ghép phong cảnh giấy của He Jian ( Phần 3)
Sự giao thoa giữa phương Đông và phương Tây
He Jian, như một lữ khách giữa hai nền văn hóa lớn của nhân loại, kiến tạo nên một thế giới nghệ thuật mang dấu ấn sâu sắc của sự giao thoa – nơi mỹ học phương Đông và phương Tây không xung đột mà hòa quyện. Trong nhiều tác phẩm của mình, ông gợi nhắc đến tinh thần hội họa mực tàu truyền thống Trung Hoa bằng cách tiết chế bảng màu chỉ còn đen và trắng. Đây không chỉ là một lựa chọn thị giác mà còn là một tuyên ngôn thẩm mỹ, gợi về phong cách thanh đạm, gợi tĩnh và hàm súc trong tranh phong cảnh và thư pháp của các văn nhân thời Tống và Nguyên. Bằng chính giới hạn ấy, ông mở ra một không gian giàu chiều sâu, nơi mỗi khoảng trắng là một trường suy tưởng, và mỗi vệt đen là một nốt nhấn của linh hồn.
Phong cảnh 7
Phong cảnh 10, 2019. Kỹ thuật hỗn hợp, giấy trên vải, 155 x 97 cm
Song song đó, He Jian cũng vay mượn và tái định nghĩa các yếu tố thẩm mỹ phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa siêu thực và trừu tượng. Những vật thể nội thất xuất hiện trong bối cảnh nửa thực nửa hư, nơi không còn ranh giới rõ ràng giữa trong nhà và ngoài trời, giữa thế giới vật lý và không gian tưởng tượng. Hình ảnh này mang âm hưởng của Salvador Dalí và René Magritte – những bậc thầy về sự mơ hồ thị giác, và đồng thời, là nguồn cảm hứng cho He Jian trong việc diễn giải “không gian nội tâm của con người”. Để thực hiện điều đó, ông phá vỡ các quy tắc thông thường về kiến trúc – tường, cửa sổ, cửa ra vào – và tái đặt chúng vào những bối cảnh bán trừu tượng, nơi ký ức và giấc mơ đan cài vào nhau.
Phong cảnh 13, 2021. Kỹ thuật hỗn hợp, giấy trên vải,
200 x 150 cm
Một điểm chạm khác với hội họa phương Tây truyền thống thể hiện qua việc sử dụng màu đen như một yếu tố chủ đạo – một đặc trưng dễ nhận thấy trong tranh Baroque châu Âu, nơi bóng tối không phải là sự che khuất mà là phương tiện làm nổi bật chiều sâu cảm xúc. Kỹ thuật chiaroscuro (sáng tối tương phản) và tenebrism (bóng tối thống trị) được các danh họa như Caravaggio khai thác triệt để để tạo nên cảm giác huyền bí, và He Jian – theo cách riêng của mình – đã chuyển hóa tinh thần ấy vào trong chất liệu giấy, nơi ánh sáng và bóng tối không còn rạch ròi mà hòa tan thành vùng xám bất định.
Tuy nhiên, He Jian không đơn thuần là người "vay mượn". Ông là người dịch chuyển, là người dịch ngôn ngữ thẩm mỹ giữa hai thế giới mà không ràng buộc mình vào một biên giới nào. Kỹ thuật chất liệu hỗn hợp mà ông sử dụng – đặc biệt là với giấy – không còn nằm trong phạm trù phương Đông hay phương Tây, mà trở thành ngôn ngữ chung của nghệ thuật đương đại toàn cầu. Trong thế giới ấy, chất liệu không còn mang tính địa lý, mà mang tính biểu đạt.
Tuy nhiên, vai trò như một “phiên dịch viên văn hóa” cũng đem đến không ít thách thức. Tác phẩm của He Jian không phải lúc nào cũng được hiểu giống nhau: khán giả phương Đông hay phương Tây, người quen thuộc với nghệ thuật truyền thống hay nghệ thuật thể nghiệm, tất cả sẽ phản ứng khác nhau trước cùng một hình ảnh. Và có lẽ, điều đó không nằm ngoài dự liệu của nghệ sĩ. Giống như kỹ thuật feibai trong thư pháp – nơi khoảng trắng mang lại cảm giác về tốc độ và sinh khí – thì trong nghệ thuật ghép giấy của ông, chính màu đen lại trở thành không gian “phi hắc” (飞黑) để trí tưởng tượng bay qua giới hạn, chạm vào cái chưa thể gọi tên. Ý nghĩa không còn là điều được áp đặt từ phía nghệ sĩ; thay vào đó, mỗi người xem được mời bước vào một trải nghiệm – một khoảnh khắc cảm xúc trực tiếp và nguyên bản – điều thiết yếu làm nên nghệ thuật đích thực.
Những triển lãm gần đây
Tác phẩm của He Jian đã được giới thiệu trong nhiều triển lãm tiêu biểu tại Trung Quốc. Năm 2018, Thomas Eller – người sáng lập Beijing Gallery Weekend – đã mời ông tham gia triển lãm nhóm Abstract Art 11: Abstraction As Painterly Rhetoric tại Pifo Gallery 偏锋新艺术空间 ở khu nghệ thuật 798, Bắc Kinh. Triển lãm là một nghiên cứu điển hình về nghệ thuật trừu tượng giữa hai quốc gia Đức – Trung, làm nổi bật cách mà ngôn ngữ hội họa trừu tượng có thể trở thành công cụ diễn ngôn trong bối cảnh toàn cầu.
Installation image of He Jian’s paper landscape collages at Pifo Gallery, 2018, courtesy Pifo Gallery
Hai năm sau, tại khu nghệ thuật "Thiên Tân 798" – Nhà máy bông thứ ba (棉3创意街区) – tác phẩm của ông tiếp tục xuất hiện trong triển lãm Dự án nghệ thuật phong cách ban đầu (早期风格), cùng với các nghệ sĩ khác như Thomas Eller với những tác phẩm điêu khắc hài hước gắn tường. Triển lãm, do Đại sứ quán Đức tại Trung Quốc tài trợ, không chỉ giới thiệu các tác phẩm mới nhất của He Jian mà còn tôn vinh tinh thần khám phá trong giai đoạn hình thành phong cách cá nhân của các nghệ sĩ trẻ – thời điểm mà mọi khả năng còn rộng mở, chưa bị thuần hóa bởi thị hiếu hay định kiến.
Hình ảnh lắp đặt tranh ghép phong cảnh giấy của He Jian tại Sun Sun Gallery, 2020
Nguồn: China Art Lover
Biên dịch: Trang Lê