VN | EN

Tin tức

Tranh ghép phong cảnh giấy của He Jian ( Phần 2)

Số phận và Ý chí Tự do

Chủ đề số phận được He Jian khám phá một cách sâu sắc trong Landscape 1, nơi một vòng xoay ngựa gỗ hiện lên như một biểu tượng đầy ám ảnh. Những con vật không đầu di chuyển bất tận trong vòng tròn khép kín, gợi cảm giác lặp lại máy móc và vắng bóng ý chí tự do. Theo lời nghệ sĩ, “giống như những sinh vật trong khung cảnh này, con người đôi khi cảm thấy bản thân hoàn toàn bị chi phối bởi số phận.” Thế nhưng, giữa cấu trúc tròn trĩnh và định đoạt ấy, một chi tiết nhỏ nhưng đầy sức gợi xuất hiện: một cánh cửa lơ lửng ở trung tâm bức tranh, mở ra một cầu thang dẫn tới nơi không xác định. Yếu tố siêu thực này mang tính gợi mở—như một cơ hội mơ hồ để thoát ra khỏi quỹ đạo định mệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra cánh cửa ấy; với những ai bị ràng buộc quá sâu vào tư tưởng truyền thống, nó có thể hoàn toàn vô hình.

Phong cảnh 1, 2015. Kỹ thuật hỗn hợp, giấy trên vải, 180 x 130 cm

He Jian tiếp tục thể hiện sự căng thẳng giữa định mệnh và tự do thông qua ngôn ngữ hình ảnh: những đường viền trắng thanh mảnh nổi bật trên nền đen sâu thẳm, và đặc biệt là việc chèn các mảnh giấy vụn không đều lên bề mặt tranh. Hình dạng méo mó, thô ráp của những mảnh giấy ấy tạo nên sự đối lập với cấu trúc vòng xoay hoàn hảo—gợi ra cảm giác hỗn loạn chen vào một hệ thống tưởng như bất biến. Đây là nơi ngẫu nhiên gặp gỡ quy luật, nơi biến dị làm lung lay trật tự, nơi hành trình của con người được định hình không chỉ bởi quỹ đạo đã vạch ra mà còn bởi những vết nứt bất ngờ.

 

Hình ảnh chi tiết của Phong cảnh 1, 2015

Chính sự đối thoại không ngừng giữa đối cực—giữa hình và biến hình, giữa vòng tròn và vụn vỡ, giữa đen và trắng—tạo nên thế giới quan nghệ thuật đặc thù của He Jian. Với tư cách một người từng bước ra khỏi không gian quen thuộc, trải nghiệm sự biến đổi khi sống nơi đất khách, và rồi trở lại như một "phiên dịch viên" của kinh nghiệm nội tâm, He Jian không tin vào những kết luận tuyệt đối. Thay vào đó, ông kiến tạo những hình ảnh luôn ở trạng thái chênh vênh, luôn sẵn sàng thách thức mọi ý niệm về số phận được định sẵn. Trong thế giới ấy, hỗn loạn không phải là kẻ thù, mà là mảnh đất màu mỡ của khả năng.

Chủ nghĩa siêu thực trong tranh ghép giấy

Chủ nghĩa siêu thực là một dòng chảy âm ỉ nhưng bền bỉ trong loạt tranh ghép giấy của He Jian. Những yếu tố bất thường, siêu thực như vòng xoay ngựa gỗ hay cánh cửa treo giữa không trung không đơn thuần là hình ảnh, mà là cánh cổng dẫn vào tư tưởng. Trong Landscape 4, một cánh cửa khác hiện ra, lần này ẩn trong các dải xám mờ, được xếp bằng những sợi giấy mảnh như dao cạo. Ảo ảnh một đám mây dần hiện lên sau lớp giấy ấy—một khung cảnh gợi nhớ đến René Magritte, nơi thực tại tan chảy vào tưởng tượng.

Phong cảnh 4, 2016. Kỹ thuật hỗn hợp, giấy trên vải, 150 x 100 cm

Ở những tác phẩm khác trong cùng loạt, tính trừu tượng vượt ra khỏi mọi khuôn mẫu. Không còn vật thể rõ ràng, người xem được trao quyền tự do hình dung ra núi non, mây trời, mặt nước hay những hang động nguyên thủy—tất cả được kiến tạo qua các lớp giấy chồng chất, qua những dải đen trắng đan xen như địa tầng ký ức.

“Phi Hắc” (飞黑): Khi bóng tối mở ra lối thoát

Việc sử dụng đen và trắng trong tranh ghép giấy của He Jian không chỉ là lựa chọn thị giác mà còn là tuyên ngôn thẩm mỹ. Ở đây, màu trắng là vật thể—nó cản trở, ngăn chặn bước chân. Ngược lại, màu đen lại là khoảng hở, là nơi ánh nhìn có thể xuyên qua, là lối mở cho sự tự do tưởng tượng. Nghệ sĩ đã chỉ ra rằng điều này hoàn toàn đối nghịch với tư duy thị giác trong hội họa thủy mặc truyền thống Trung Hoa, nơi khái niệm “phi bạch” (飞白 – “trắng bay”) được xem là biểu hiện của tốc độ, sức sống và sự tự phát. Phi bạch là kết quả của việc dùng một cây bút khô một nửa, để lại những vệt trắng trên nền mực – như những luồng gió lướt qua bề mặt tĩnh tại.

Phong cảnh 11, 2020. Kỹ thuật hỗn hợp, giấy trên vải, 180 x 130 cm

Nhưng trong thế giới của He Jian, chính bóng tối mới mang đến cảm giác “bay”—một khái niệm phản chiếu, một hình thức đối thoại ngược chiều với truyền thống. Không phải “phi bạch”, mà là “phi hắc” (飞黑): bóng tối không còn là biểu tượng của bí ẩn hay cái chết, mà trở thành chất liệu để trí tưởng tượng thăng hoa. Chính trong những mảng tối ấy, mắt có thể luồn qua, linh hồn có thể băng qua, và ý chí có thể tái sinh.

 

 

(Xem phần 1)

(Xem phần 3)

 

Nguồn: China Art Lover

Biên dịch: Trang Lê

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon