VN | EN

Tin tức

Tinh Tuyển và Tối Giản: 10 Bậc Thầy Định Hình Nghệ Thuật Tối Giản ( Phần 1)

Vượt thoát khỏi lối mòn của biểu đạt cảm xúc và hình tượng truyền thống, nghệ thuật tối giản xuất hiện như một phản biện mạnh mẽ trước Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng – và nhanh chóng trở thành một phong trào có sức lan tỏa vượt thời gian. Với chủ trương cắt gọt mọi yếu tố dư thừa, Chủ nghĩa Tối giản đặt ra một câu hỏi nền tảng: điều gì thực sự tạo nên nghệ thuật?

Donald Judd, Không có tiêu đề (Stack), 1967.

 

Từ chối sao chép thế giới thực hay phản ánh nội tâm, nghệ thuật tối giản theo đuổi khái niệm rằng một tác phẩm nghệ thuật nên tồn tại như chính nó – một thực thể độc lập, không đại diện, không biểu tượng. Triết lý này thấm đẫm trong thực hành của những tên tuổi như Ellsworth Kelly, Donald Judd, Agnes Martin và Frank Stella – những người đã định nghĩa lại mỹ học hiện đại bằng chính sự giản lược triệt để.

Nổi lên vào giữa thế kỷ 20, chủ nghĩa tối giản thu hẹp ngôn ngữ thị giác còn lại những thành tố nguyên bản: hình học, màu đơn sắc, bề mặt phẳng và nhịp điệu được cấu trúc bằng sự lặp lại tinh tế. Trong tay các nghệ sĩ, những yếu tố tưởng chừng đơn giản ấy lại mở ra những tầng sâu chiêm nghiệm về hình thức, không gian và nhận thức.

Dưới đây là mười nghệ sĩ đã không chỉ thành thạo ngôn ngữ của tối giản, mà còn khiến nó ngân vang vượt khỏi hội họa, lan rộng đến điêu khắc, kiến trúc và thiết kế hiện đại.


1. Agnes Martin (1912–2004)

Agnes Martin, Untitled #6. 

Trong một thế giới nghệ thuật bị chi phối bởi nam giới và cảm xúc biểu hiện, Agnes Martin âm thầm kiến tạo một cõi thiền riêng biệt – nơi lưới kẻ chì và lớp sơn nhòe mờ trở thành biểu hiện của tâm linh sâu lắng. Bà không chỉ lặp lại hình thức; bà thiền định qua hình thức. Chịu ảnh hưởng của Thiền tông và Chủ nghĩa Siêu Việt Mỹ, tranh của Martin như những khúc xạ nhẹ nhàng của tinh thần, dẫn dắt người xem đến trạng thái tĩnh tại. "Nếu không có nhận thức về cái đẹp, sự ngây thơ và hạnh phúc," bà viết, "người ta không thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật."


2. Donald Judd (1928–1994)

Donald Judd, Untitled.

 

Donald Judd là một trong những kiến trúc sư triết học của chủ nghĩa tối giản. Từ bỏ hội họa mà ông cho là “mặt phẳng hình chữ nhật đặt lên tường,” Judd tìm đến điêu khắc như một cách để giải phóng hình thức ra khỏi ảo giác thị giác. Các “hộp treo” lặp lại theo tỷ lệ chính xác của ông không mang cảm xúc – nhưng chính xác đến mức buộc người xem phải chú ý, suy ngẫm và đối diện trực tiếp với hình khối như nó vốn là. Trong Specific Objects (1964), ông đặt nền móng cho một nghệ thuật không cần đại diện – chỉ cần hiện hữu.


3. Sol LeWitt (1928–2007)

Sol LeWitt, Một hình chữ nhật của Chicago không có hình chữ nhật.

Sol LeWitt coi ý tưởng là cốt lõi – và mỹ học chỉ là hệ quả. Trong các Wall Drawings và “cấu trúc” nổi tiếng của ông, nghệ thuật trở thành một dạng công thức tư duy thị giác, nơi đường nét, chuỗi hình học và lặp lại vận hành như một bản nhạc logic. “Ý tưởng là cỗ máy tạo ra nghệ thuật,” LeWitt từng nói. Tác phẩm của ông không đòi hỏi cái tôi nghệ sĩ – mà đề cao tiến trình, sự đều đặn, và khả năng khiến khán giả bước vào một trật tự mới của thị giác.


4. Ellsworth Kelly (1923–2015)

Ellsworth Kelly, Spectrum VI sơn dầu trên vải gồm mười ba phần

Kelly là kẻ lãng du của sắc màu – nhưng không phải để kể chuyện. Ông loại bỏ tất cả dấu vết của cá nhân, để hình khối và màu đơn sắc tự cất tiếng. Trong suốt bảy thập kỷ, Kelly chuyển hóa những hình ảnh đời thường – bóng cây, kiến trúc, khung cửa – thành những thực thể khối mảng giàu tính biểu tượng nhưng không hề có biểu tượng. Tác phẩm của ông không phải là tranh – mà là vật thể, hiện diện giữa thế giới, vô danh nhưng ám ảnh.


5. Frank Stella (1936–2021)

Frank Stella, Point of Pines.

“Nó là những gì bạn thấy,” Stella từng nói – một mệnh đề đơn giản mà ông đã hiện thực hóa qua Black Paintings. Loạt tranh với những dải sọc đen song song và lớp sơn công nghiệp của ông không truyền cảm xúc – mà gợi ra một sự vận động tinh vi về thị giác. Không còn khoảng ảo ảnh, không còn chiều sâu giả lập – chỉ còn bề mặt, nhịp điệu và quy luật. Tranh của Stella không yêu cầu diễn giải, chỉ yêu cầu nhìn – thật chậm và thật kỹ.

 

(Xem phần 1)

 

Nguồn: In Good Taste

Biên dịch: Trang Lê

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon