-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tinh Tuyển và Tối Giản: 10 Bậc Thầy Định Hình Nghệ Thuật Tối Giản ( Phần 2)
6. Anne Truitt (1921–2004)
Anne Truit, Prescience.
Lặng lẽ nhưng kiên định, Anne Truitt đã khắc tên mình vào lịch sử điêu khắc hiện đại bằng những cột hình học được phủ sơn tay tỉ mỉ, giống như thể bà đang thiền qua từng lớp màu. Khác với nhiều nghệ sĩ tối giản đồng thời – những người ưa dùng quy trình công nghiệp – Truitt lựa chọn lao động cá nhân như một hành vi khẳng định chủ quyền thẩm mỹ. Trong Prescience, một trong những tác phẩm nổi bật được đấu giá năm 2023, cột màu thanh thoát như một biểu hiện thầm lặng của trạng thái nội tâm – nơi hình khối và cảm xúc không còn mâu thuẫn, mà hòa làm một.
7. Robert Ryman (1930–2019)
Robert Ryman, Gate.
Không màu – nhưng không vô sắc. Trong suốt sự nghiệp của mình, Robert Ryman theo đuổi màu trắng như một nhà hiền triết truy cầu một chân lý duy nhất. Dù thường bị gán mác là nghệ sĩ tối giản, Ryman tự nhận mình là “người theo chủ nghĩa hiện thực” – vì ông không tạo ảo ảnh mà chỉ để vật liệu trình hiện chính mình. Mỗi bức tranh trắng của Ryman là một thực nghiệm, nơi độ sáng, chất liệu, bề mặt và cách treo đều là phần không thể tách rời của tác phẩm. Trắng, trong tay ông, không còn là màu sắc – mà là trải nghiệm.
8. Dan Flavin (1933–1996)
Dan Flavin, Không có tiêu đề (Gửi Fredericka và Ian)
Dan Flavin đã biến ánh sáng nhân tạo thành chất liệu của sự chiêm nghiệm. Sử dụng đèn huỳnh quang thương mại – những thứ tầm thường nhất trong thế giới hiện đại – ông tạo ra những sắp đặt làm lóa mắt thị giác và đánh thức cảm xúc không lời. Những tác phẩm như Untitled (to Fredericka and Ian) không “vẽ bằng ánh sáng” – chúng là ánh sáng. Trong một phòng trưng bày bị nhuộm tím bởi đèn cực tím hay một góc tường được nhuốm xanh lạnh, Flavin không kể chuyện – ông dựng nên không gian để thị giác bước vào một vùng im lặng lấp lánh.
9. Ad Reinhardt (1913–1967)
Ad Reinhardt, Bức tranh màu đỏ.
“Nghệ thuật là nghệ thuật. Mọi thứ khác đều là mọi thứ khác.” Câu nói ấy của Ad Reinhardt tóm gọn toàn bộ hành trình tối giản hóa triệt để của ông. Những bức tranh ‘đen toàn diện’ mà Reinhardt vẽ trong những năm cuối đời không phải là màu đen – mà là sự xếp lớp tinh vi của các khối đen-xám-xanh gần như không thể phân biệt. Chúng chỉ hiện hình nếu người xem đủ kiên nhẫn, đủ tĩnh lặng. Reinhardt không muốn nghệ thuật ‘giao tiếp’ – ông muốn nó tồn tại, như một hoạt động thuần khiết, vô ngã, mang phẩm chất đạo đức của một tu sĩ.
10. Carl Andre (1935–2024)
Carl Andre, Pyre (Loạt tác phẩm Element)
Carl Andre, với những tấm kim loại trải trên sàn và các khối vật liệu công nghiệp đặt trực tiếp vào không gian, đã đưa Chủ nghĩa Tối giản đến giới hạn vật chất của nó. Trong Pyre và các tác phẩm thuộc loạt Element, ông từ chối tạo hình, từ chối dựng khối – chỉ đặt các yếu tố cạnh nhau để khán giả tự cảm nhận tỷ lệ, chất liệu và sự hiện diện vật lý. Tác phẩm của Andre không mời gọi thẩm mỹ – mà mời gọi bước đi, chạm vào, hiện diện cùng. Dù cuộc đời ông vướng vào tranh cãi lớn, nghệ thuật của ông vẫn là lời thách thức cuối cùng gửi đến khái niệm truyền thống về cái đẹp và giá trị thị giác.
Nguồn: In Good Taste
Biên dịch: Trang Lê