-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tiến sĩ - hoạ sĩ Triệu Khắc Tiến kể 'Câu chuyện Phương Đông' về sơn mài
Triển lãm "Câu chuyện Phương Đông" giới thiệu tổng quan về nghệ thuật sơn mài giữa Việt Nam và Nhật Bản của nghệ sĩ Triệu Khắc Tiến.
"Câu chuyện Phương Đông" diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội), mở cửa cho công chúng từ 9h thứ Sáu, ngày 25/3 tới. Triển lãm mang đến một cái nhìn về kỹ thuật sơn mài tinh tế và đặc biệt của hai quốc gia, hiểu sâu hơn về cách hai nền nghệ thuật sơn mài này chịu ảnh hưởng của nhau và hòa nhập vào một tác phẩm nghệ thuật.
Theo nhận định của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, các bức tranh sơn mài của triển lãm nghệ thuật này sẽ thu hút nhiều người quan tâm và truyền tải năng lượng tích cực. Khán giả sẽ không chỉ được thưởng thức sự biến hóa, phong phú của các tác phẩm sơn mài mà còn cảm nhận được tình cảm mà họa sĩ Triệu Khắc Tiến gửi gắm vào các tác phẩm của mình.
Họa sĩ Triệu Khắc Tiến dẫn dắt người xem vào cõi an nhiên trong Câu chuyện Phương Đông của anh. Ở đó, nơi những miền xa mơ tưởng của anh là sự hòa điệu tinh tế giữa vườn thiền Nhật Bản và mảnh vườn xanh trong tâm hồn Việt. Ở đó, hai mươi bốn tiết khí trong năm vùi sâu dưới đáy vóc như được đánh thức cùng lúc, ùa lên miên man theo đĩa màu và mạch bút tài hoa…
Câu chuyện Phương Đông của họa sĩ Triệu Khắc Tiến góp một sắc son tươi, lộng lẫy và bí ẩn của Sơn ta - Sơn mài Việt.
Tiến sĩ Triệu Khắc Tiến thừa hưởng khả năng cảm thụ nghệ thuật từ cha mình, cũng là một họa sĩ nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp cao học tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Triệu Khắc Tiến quyết định tiếp tục khoá Tiến sĩ tại Nhật Bản khi đang công tác và giảng dạy tại trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cần phải lưu ý rằng bằng Tiến sĩ tại Đại học Nghệ thuật Tokyo nổi tiếng là khó lấy đối với sinh viên quốc tế, vì tất cả các công trình học thuật phải được thực hiện bằng tiếng Nhật. Cùng với anh, chỉ có hai sinh viên quốc tế khác - đến từ Trung Quốc và Hà Lan - đã đạt được thành tích đáng chú ý này trong thời gian tôi là giáo sư chính của khoa sơn mài. Triệu Khắc Tiến đã vượt qua rất nhiều khó khăn liên quan đến chương trình tiến sĩ, và tốt nghiệp với điểm số cao cho cả luận văn và tác phẩm tốt nghiệp của mình. Tiến sĩ Triệu Khắc Tiến sau đó đã trở về Việt Nam, đảm nhận chức vụ Phó trưởng khoa tại Đại học Mỹ Thuật Việt Nam.
Câu chuyện Phương Đông của hoạ sĩ Triệu Khắc Tiến lần này có lẽ vừa là một tổng kết quá trình học hỏi nghiên cứu thực nghiệm dày công để Việt hoá những kỹ thuật đặc thù của kỹ thuật sơn mài truyền thống Nhật Bản bằng chất liệu sơn ta của Việt Nam. Đồng thời cũng là một sự khởi đầu của một hành trình, đánh dấu những bước tìm tòi mới trong những sáng tác gần đây khi cố gắng kết hợp nhuần nhuyễn sự tinh xảo chi tiết cần có của một người nghệ nhân, với khả năng biểu cảm mới trong ngôn ngữ tạo hình của một người nghệ sĩ.
Phẩm chất này đặc biệt rất quý trong vai trò một người thầy, khi đồng hành cùng với những trăn trở tìm tòi suy tư của những thế hệ sinh viên mỹ thuật chuyên ngành sơn mài. Tinh thần thực nghiệm, nghiên cứu học hỏi nghiêm cẩn chính là chìa khoá quan trọng để thế hệ các hoạ sĩ trẻ đang còn trên ghế nhà trường có thể tự tin và dám đương đầu với những thử thách mới đầy chông gai và đơn độc trong hành trình sáng tạo cá nhân của mình trong tương lai.
Triển lãm Câu chuyện Phương Đông là tổng kết của một chặng đường sáng tác cá nhân với nhiều cung bậc thăng hoa của cảm xúc, là sự chiêm nghiệm của bản thân trong một cơ duyên may mắn được hòa mình trong giao thoa văn hoá giữa hai nền nghệ thuật sơn mài lâu đời Việt Nam và Nhật Bản.
"Với tôi, sơn mài là thứ ngôn ngữ tạo hình có sức cuốn hút mạnh mẽ, luôn ẩn chứa những yếu tố bất ngờ độc đáo, từ quy trình vẽ khắt khe nghiêm ngặt đến những ngẫu hứng, tuỳ biến trong quá trình phủ- mài; từ trừu tượng đến hữu hình, như ảo ảnh từ hư không trên nền then huyền bí lung linh bạc, vàng" - hoạ sĩ chia sẻ.