-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Thế hệ Millennials và Gen Z đang bước vào thời kỳ thịnh vượng. Họ muốn mua loại nghệ thuật nào? (Phần 1)
Tiền mới, gu mới.
Ảnh: Kristina Reischl.
Lớn lên ở Los Angeles, Justine Freeman đã dành mỗi ngày ở bên người bà của mình, Betty Freeman, một mạnh thường quân huyền thoại trong giới nghệ thuật. Họ cùng nhau đến Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles để chiêm ngưỡng những tác phẩm của các bậc thầy trường phái Biểu hiện Trừu tượng như Jackson Pollock và Mark Rothko. Tại căn nhà của bà ở Beverly Hills, bức điêu khắc hình một cục tẩy khổng lồ của Claes Oldenburg vươn cao trên sân sau, trong khi những bức tranh của Sam Francis và Roy Lichtenstein được trưng bày ấn tượng trên những bức tường lót nhung đen. Và dĩ nhiên, có cả bức Beverly Hills Housewife (1967) của David Hockney, một tác phẩm tranh acrylic rộng 3,6m và cao 1,8m, ghi lại hình ảnh bà trong chiếc váy hồng dài thướt tha.
"Tôi biết ơn bà vì đã dạy tôi trân trọng nghệ thuật," Freeman chia sẻ. "Bà rất tự tin vào bản thân và gu thẩm mỹ của mình. Bà đã dạy chị gái tôi và tôi rằng ta có thể ngắm nhìn nhưng không được chạm vào, và rằng nghệ thuật mang ý nghĩa sâu sắc, cần được tôn trọng."
Những bài học đó vẫn theo Freeman, nay đã ngoài 40, lâu lâu sau khi bà cô qua đời vào năm 2009 và bộ sưu tập của bà được đấu giá tại Christie's. Là một nhà sưu tập thực thụ, Freeman hy vọng sẽ truyền niềm đam mê nghệ thuật của mình cho các con. Cùng chồng, Benjamin Khakshour, cô đã lấp đầy ngôi nhà kiểu trang trại ấm cúng của họ bằng những bức tranh siêu đương đại của nhiều nghệ sĩ có giá trị tác phẩm tăng vọt trong những năm gần đây, bao gồm Jadé Fadojutimi và Hilary Pecis.
Hai nhà sưu tập Justine Freeman và Benjamin Khakshour bên bức tranh của Jadé Fadojutimi có tên Silhouette of My Memory (2021). Ảnh: Justine Freeman và Benjamin Khakshour.
Một thế hệ mạnh thường quân nghệ thuật mới đang nổi lên, sẵn sàng tái định hình thị trường nghệ thuật. Vào năm 2024, thế hệ Millennials và Gen Z chiếm từ một phần tư đến một phần ba số người đấu giá và mua tranh tại hai nhà đấu giá lớn, gấp đôi tỷ lệ của họ so với năm năm trước. Không giống như các thế hệ trước, vốn đề cao sự am hiểu nghệ thuật và sưu tập cả tác phẩm cổ điển lẫn đương đại, thế hệ "tiếp theo" lại tập trung cao độ vào nghệ thuật hiện tại.
Bên cạnh việc mua nghệ thuật đương đại, họ còn đẩy giá của những món đồ sưu tập phi truyền thống lên mức chưa từng có trong các phiên đấu giá danh giá, chẳng hạn như giày thể thao, truyện tranh và túi Hermès. Trong thế giới đầy đảo lộn này, các nghệ sĩ trẻ thường có giá trị cao hơn cả những danh họa kinh điển. Năm ngoái, 15 tác phẩm của Lynette Yiadom-Boakye (sinh năm 1977) đã đạt tổng cộng 13 triệu USD tại đấu giá, trong khi 13 tác phẩm của bậc thầy Peter Paul Rubens (1577–1640) chỉ thu về 6,1 triệu USD, theo cơ sở dữ liệu Artnet Price Database.
Minh chứng rõ nét cho sự dịch chuyển của dòng tiền mới, tác phẩm gây tranh cãi Comedian (2019) của Maurizio Cattelan—một quả chuối được dán lên tường—đã được bán với giá 6,2 triệu USD tại Sotheby’s vào tháng 11, được mua bởi doanh nhân tiền điện tử Trung Quốc 34 tuổi, Justin Sun.
Doanh nhân tiền điện tử Justin Sun thưởng thức quả chuối có giá 6.2 triệu USD mà anh mua được tại Sotheby’s. Ảnh: Peter Parks / AFP / Getty Images
Ngành công nghiệp nghệ thuật đang theo sát thị hiếu của thế hệ trẻ, bởi nhiều người trong số họ sẽ trở nên vô cùng giàu có. Các nhà kinh tế dự báo rằng 84 nghìn tỷ USD tài sản sẽ được chuyển giao trong 20 năm tới. Thế hệ X (sinh từ 1965–1980) sẽ thừa kế 30 nghìn tỷ USD, thế hệ Millennials (1981–1996) 27 nghìn tỷ USD, và thế hệ Gen Z (1997–2012) 11 nghìn tỷ USD, theo Bank of America. Giá trị, gu thẩm mỹ và quyết định đầu tư của họ sẽ định hình nhóm nghệ sĩ hàng đầu tiếp theo—ai sẽ được vinh danh, ai sẽ bị lãng quên, ai sẽ trường tồn và ai sẽ mờ nhạt.
"Trách nhiệm của chúng tôi là giáo dục họ," Bonnie Brennan, CEO của nhà đấu giá Christie's, cho biết. "Chúng tôi cần tạo ra những khoảnh khắc khiến họ cảm thấy nghệ thuật liên quan đến họ, quan trọng với họ, và hấp dẫn họ."
Sự thay đổi thị hiếu giữa các thế hệ đã nhiều lần làm rung chuyển thị trường nghệ thuật. Hãy lấy nghệ thuật và đồ trang trí Mỹ từ thời thuộc địa đến Chủ nghĩa Hiện đại Mỹ làm ví dụ—những món đồ từng được săn lùng nay lại mất đi sức hút trong những năm gần đây.
Theo cố vấn nghệ thuật Peter Kloman, từng là chuyên gia nghệ thuật Mỹ tại Christie's và Sotheby’s, vào dịp kỷ niệm 200 năm độc lập của Mỹ năm 1976, những tác phẩm này rất được ưa chuộng. Năm 1979, bức The Icebergs (1861), một kiệt tác bị thất lạc lâu năm của họa sĩ phong cảnh Mỹ Frederic Edwin Church, đã được bán với giá 2,5 triệu USD tại một phiên đấu giá ở New York. Chỉ có hai bức tranh từng được bán với giá cao hơn, theo New York Times: The Death of Actaeon (1559–75) của Titian với giá 4 triệu USD vào năm 1971, và Juan de Pareja (khoảng 1650) của Velázquez với giá 5,5 triệu USD vào năm 1970.
"Khán giả của dòng tranh nghệ thuật Mỹ từng là những nhà sưu tập thế hệ cũ ở New England, những người trân trọng nó vì cha mẹ và ông bà của họ đã sưu tập tranh trường phái Hudson River và đồ nội thất Mỹ," Kloman nhận định.
Giá đấu giá kỷ lục của Church đã đạt 8,2 triệu USD vào năm 1989 (tương đương 21 triệu USD khi điều chỉnh theo lạm phát), nhưng từ đó đến nay chưa có tác phẩm nào của ông chạm đến con số này, một phần vì không có kiệt tác nào xuất hiện, một phần vì số lượng nhà sưu tập dòng tranh này đã giảm đi đáng kể. Trong khi đó, gu thẩm mỹ của giới siêu giàu toàn cầu đã dịch chuyển sang nghệ thuật Hiện đại, hậu chiến và đương đại, với các tác phẩm của Picasso và Warhol thường xuyên vượt mốc 100 triệu USD tại đấu giá.
(Xem phần 2, phần 3, và phần 4)
Nguồn: Millennials and Gen Zers Are Coming Into Great Fortunes. What Art Do They Want to Buy?
Biên dịch: Huyền Trịnh