-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tại sao tranh sơn mài Việt Nam lại đắt giá? (P2)
Trên một bức tranh sơn mài, các họa sĩ sẽ trộn các thành phần tự nhiên để tạo ra màu sắc, như vỏ trứng để tạo ra màu trắng hoặc chu sa, để tạo ra màu đỏ. Ngoài ra lá vàng hoặc bạc sẽ được thêm vào để tạo ra một ánh sáng nhẹ nhàng. Có thể nói rằng, để có một bức tranh sơn mài hoàn thiện, người họa sĩ phải đầu tư khá lớn cho các nguyên liệu tạo nên chúng.
Tác phẩm sơn mài “Lớp học đêm” (1990) của họa sĩ Nguyễn Sáng
Ngoài giá thành của nguyên liệu, kỹ năng và công sức của người họa sĩ mới là thứ cấu thành giá trị cuối cùng. Cùng với sự kiên nhẫn vô tận, mỗi tác phẩm đều độc đáo và khó đoán. Sau nhiều tuần chế tác, tranh được đánh bóng bằng bột than, tạo nên bề mặt nhẵn và sáng bóng trong thời gian dài. Thế nhưng, với tranh sơn mài, các họa sĩ không thể chắc chắn về các lớp màu sẽ hiện lên ra sao sau khi “mài”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhiều trường hợp, họa sĩ phải thực hiện lại tác phẩm khi chúng không đạt yêu cầu. Người họa sĩ phải cẩn thận để từng lớp sơn khô hoàn toàn trước khi chà nhám. Nếu không, màu sắc hoặc cấu trúc bức tranh có thể bị hỏng một phần và hoàn toàn.
Tác phẩm sơn mài “Múa dưới trăng” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí
Theo họa sĩ Phạm Chính Trung, thông thường, những họa sĩ vẽ tranh sơn mài truyền thống có thể kiểm soát được 80% tác phẩm, 20% còn lại là may mắn nếu đã hiểu kỹ thuật và nắm rõ ý tưởng về bức họa ban đầu.
Rõ ràng người họa sĩ sẽ cần may mắn. Điểm đặc biệt của sơn mài là chúng sẽ khô trong điều kiện ẩm. Độ ẩm trong nhà lý tưởng nhất khoảng từ 70% đến 80%. Hơi nước trong không khí là chất xúc tác để các thành phần trong sơn mài kết nối với nhau, dẫn đến sơn mài bị khô. Nếu thời tiết thuận lợi, các lớp sơn sẽ khô trong vài ngày. Còn nếu không, rất khó có thể nói trước chính xác thời gian hoàn thành một bức tranh.
Tác phẩm sơn mài “Chị em” của họa sĩ Phạm Chính Trung
Tranh sơn mài và đồ sơn mài của Nhật cũng khá nổi tiếng. Thế nhưng, kỹ thuật sơn mài của Việt Nam lại trở nên đặc biệt hơn nhờ vào sự nuôi dưỡng và phát triển của các thế hệ họa sĩ. Để nghệ thuật sơn mài và tranh sơn mài không bị mai một, rất cần những họa sĩ Việt Nam tâm huyết và rất cần sự đầu tư chân chính của những người yêu nghệ thuật truyền thống. Theo như họa sĩ Phạm Chí Trung trăn trở, để duy trì, chúng ta cần con người, nhưng chỉ đam mê thôi thì không thể đủ.
Biên dịch: Minh Hậu
Biên tập: Thu Huyền
Nguồn: Sơn mài is a costly form of lacquer painting in Vietnam. Here's what makes these paintings so expensive | businessinsider.com