VN | EN

Tin tức

Sơn mài Đông Á: Từ thiên nhiên đến đỉnh cao nghệ thuật ( Phần 2)

Sơn mài Hàn Quốc: Tinh hoa khảm xà cừ và di sản hoàng gia

Tại Hàn Quốc, khảm kim loại trên nền sơn mài đã được biết đến từ thời kỳ Silla thống nhất (676–935), nhưng chỉ đến triều đại Goryeo thì nghệ thuật này mới phát triển vượt bậc. Người Hàn sớm nhận ra tiềm năng thẩm mỹ của xà cừ, và biến nó thành kỹ thuật chủ đạo, đặc biệt là trong các vật phẩm nghi lễ, hộp đựng hoặc đồ nội thất quý tộc.

Dưới ảnh hưởng từ sơn mài Trung Hoa thời Tống, nhưng với sự sáng tạo riêng, sơn mài Hàn Quốc dần phát triển thành một phong cách dân tộc độc lập. Đỉnh cao là những tác phẩm tinh xảo thời Goryeo và đầu Joseon, nơi xà cừ được phối hợp cùng mai rùa, tạo nên bề mặt huyền ảo, giàu tính biểu tượng, và là biểu trưng cho địa vị xã hội cao quý.

Hộp có nắp hình ba lá trang trí hoa cúc

(Hàn Quốc, khoảng thế kỷ 12 )
Bộ đồ sơn mài, cecidon hoặc đồng bao gồm bốn hộp hình ba lá bao quanh một hộp tròn hoặc hình bông hoa lớn hơn dùng làm hộp đựng mỹ phẩm hoặc hương. Rất ít hộp sơn mài thời kỳ Goreyo có khảm xà cừ còn sót lại; đây là một ví dụ đặc biệt hay.

 


Sơn mài Đông Á, từ những nhựa cây độc hại, qua bàn tay con người, đã hóa thành vật liệu của cái đẹp, cái thiêng và cái trường cửu. Dù ở Trung Hoa, Nhật Bản hay Hàn Quốc, mỗi quốc gia đều có con đường riêng để đưa nghệ thuật sơn mài lên đỉnh cao – nơi mà thời gian, kỹ thuật và cảm xúc hòa quyện thành vĩnh cửu.

Tủ ngăn kéo nhỏ được trang trí bằng hoa, chim và côn trùng

(Hàn Quốc, đầu thế kỷ 20)
Chiếc rương này là ví dụ tuyệt vời về hộp sơn mài đầu thế kỷ XX với toàn bộ họa tiết khảm trai. Các họa tiết hoa khắc bằng mực đen hoặc than làm cho tác phẩm trở nên đặc biệt nổi bật. Hình dạng, kích thước và các ngăn cho thấy chiếc rương này đựng giấy tờ hoặc đồ dùng mỹ phẩm.

 

Kỹ thuật trang trí sơn mài Đông Á

Nghệ thuật sơn mài Đông Á không chỉ nổi bật bởi chất liệu độc đáo mà còn bởi hệ thống kỹ thuật trang trí tinh vi, phong phú. Dưới đây là một số kỹ pháp tiêu biểu – những minh chứng cho sự sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân suốt hàng thế kỷ qua.

1. Sơn mài chạm khắc (diaoqi)

Đây là một trong những kỹ thuật độc đáo và thuần khiết nhất của nghệ thuật sơn mài Trung Hoa. Phương pháp này đòi hỏi phủ nhiều lớp sơn mài lên bề mặt vật thể, sau đó chạm khắc trực tiếp lên các lớp đã cứng lại để tạo thành hình nổi ba chiều. Mỗi lớp phải được xử lý tỉ mỉ và đánh bóng hoàn hảo trước khi lớp kế tiếp được phủ lên, khiến quá trình hoàn thiện một tác phẩm trở nên công phu bậc nhất.

2. “Vàng khắc” (qiangjin)

Là kỹ thuật trong đó các đường nét tinh xảo được khắc vào bề mặt sơn mài, sau đó bôi chất kết dính sơn mài vào rãnh khắc và ép lá vàng hoặc vàng dạng bột vào. Kết quả là các hoa văn dát vàng hiện lên lấp lánh, nổi bật mà vẫn tinh tế – một minh chứng cho sự phối hợp hài hòa giữa kỹ thuật điêu khắc và trang trí kim loại.

3. “Điền vào” (diaotian hoặc tianqi)

Kỹ thuật này sử dụng sơn mài màu khác để tô đầy vào những mảng được chạm hoặc tạo rãnh trước đó. Có hai cách thực hiện chính:

  • Cách thứ nhất là chạm khắc lớp sơn đã cứng rồi khảm màu khác vào.

  • Cách thứ hai là “đánh bóng – làm lộ” (moxian), trong đó lớp sơn mài dày được tô nổi ở những khu vực thiết kế, rồi phủ màu lên toàn bộ, sau đó đánh bóng để làm lộ những mảng màu chìm – một hiệu ứng rất đặc trưng của sơn mài.

4. Maki-e (Nhật Bản)

Một kỹ thuật huy hoàng của nghệ thuật sơn mài Nhật Bản, trong đó bột vàng hoặc bạc được rắc lên lớp sơn mài còn ướt. Khi khô, các hạt kim loại sẽ gắn chặt vào bề mặt, tạo ra các họa tiết ánh kim sống động, thường được hoàn thiện bằng các lớp sơn trong suốt phủ lên để bảo vệ và làm nổi bật vẻ lấp lánh.

5. Nashiji (Nhật Bản)

Còn gọi là “da quả lê”, nashiji tạo ra bề mặt lốm đốm đỏ ánh kim bằng cách rắc những mảnh kim loại phẳng, siêu mịn lên lớp sơn đã khô một nửa. Kết cấu này mang đến một cảm giác vừa sang trọng vừa mơ màng, thường được sử dụng trong các hộp sơn mài cao cấp.

6. “Đánh bóng – làm lộ” (moxian)

Là một biến thể của kỹ thuật “điền vào”, moxian tạo nên hiệu ứng thị giác đặc biệt: thiết kế được nổi lên bằng lớp sơn dày, rồi phủ màu khác lên toàn bộ bề mặt. Sau cùng, nghệ nhân đánh bóng kỹ lưỡng để lộ ra các biến thiên màu sắc và độ sâu, tạo hiệu ứng chuyển động tinh tế giữa hình và nền.

 

(Xem phần 1)

 

Nguồn: The Met Fift Avenue

Biên dịch: Trang Lê

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon