VN | EN

Tin tức

Phong vị Á Đông hòa quyện trong hơi thở kiến trúc đương đại (Phần 1)

Từ sự tối giản đậm chất thiền của Nhật Bản đến những công trình hòa mình vào khí hậu nhiệt đới của Ấn Độ, các kiến trúc sư tiên phong đã góp phần định hình một bản sắc châu Á riêng biệt – tinh tế, trầm lặng nhưng bền bỉ trong dòng chảy kiến trúc hiện đại toàn cầu.

Lịch sử thuộc địa từng khắc sâu một thế đối đầu – phương Tây lấn át phương Đông. Nhưng châu Á, với nền văn minh lâu đời, đã không chỉ tiếp nhận mà còn chắt lọc, chuyển hóa, rồi phản hồi bằng sức sáng tạo riêng biệt – đặc biệt trong kiến trúc.

Từ thời Minh Trị Duy Tân, làn sóng phương Tây đã thay đổi cục diện xã hội Nhật Bản. Thế nhưng, chính trong quá trình hội nhập đó, vẻ đẹp truyền thống Nhật lại khiến thế giới phải ngưỡng mộ. Một đất nước giữ vững chủ quyền chính trị, đồng thời mở lòng với những ảnh hưởng văn hóa, tạo nên bản sắc kiến trúc độc đáo. Ở một thái cực khác, Ấn Độ – dù từng là thuộc địa – vẫn giữ vai trò là cái nôi của một trong những nền văn minh sớm nhất, và chính từ nền móng đó, phong cách hiện đại của kiến trúc Ấn được hình thành, vừa bản địa vừa quốc tế.

Những thực hành kiến trúc ở cả hai đất nước này – qua dấu ấn của những cá nhân tiên phong – là minh chứng rõ ràng cho một phong vị châu Á: ẩn hiện, khó nắm bắt, nhưng một khi đã chạm đến thì không thể lẫn vào đâu, và cũng không thể bị xóa nhòa.

1. Nhật Bản

Từ xa xưa, người Nhật đã thấu hiểu mối liên hệ tinh tế giữa chuyển động của cơ thể và trải nghiệm thị giác trong không gian. Như một phần của lối sống đã ăn sâu qua nhiều thế hệ, họ học cách kiến tạo những không gian nhỏ gọn mà vẫn đủ đầy. Điều kỳ diệu nằm ở cách họ mở rộng cảm nhận không gian bằng những chuyển động có chủ đích.

Không chỉ để ngắm nhìn, kiến trúc còn mời gọi cơ thể tham gia. Những phiến đá trên mặt hồ được sắp đặt lệch nhau, buộc người bước đi phải ngập ngừng, cúi xuống, rồi ngẩng lên. Một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng vừa đủ để mắt kịp thu lại cảnh vườn, cơ cổ khẽ vận động, và ý thức thoáng chạm vào vẻ đẹp đang hiện ra. Không gian lúc này không chỉ là chỗ đi qua, mà là một trải nghiệm sống động – nơi cơ thể và cảm quan cùng lúc được đánh thức.

 

Vương phủ Katsura, Kyoto, Nhật Bản, được xây dựng từ đầu thế kỷ XVI, thời kì Edo, là một trong những báu vật của nghệ thuật kiến trúc và làm vườn Nhật Bản 

 

… Kiến trúc khiêm nhường, khu vườn với những lối đi rẽ đôi, nhất bộ nhất cảnh.

 

Frank Lloyd Wright – kiến trúc sư Mỹ lừng danh, người đặt nền móng cho kiến trúc hiện đại thế kỷ XX – từng có một giai đoạn say mê sâu sắc vẻ đẹp khiêm nhường và tinh tế của kiến trúc Nhật Bản.

Chuyến thăm vào năm 1905 đã để lại dấu ấn lớn trong ông. Từ say mê, Wright trở thành một nhà sưu tập nghệ thuật Nhật, rồi dần kết nối và tạo dựng được niềm tin tại xứ sở này. Thành quả lớn nhất cho mối duyên đó là công trình Khách sạn Hoàng gia Tokyo – một biểu tượng kết tinh giữa tư duy phương Tây và tinh thần Á Đông mà ông luôn trân quý.

 

Khách sạn hoàng gia Nhật Bản, 1923-1968, Tokyo, Nhật Bản.

 

Thành công của Frank Lloyd Wright bắt nguồn từ cách ông nhìn nhận kiến trúc như một trải nghiệm toàn diện – nơi cơ thể, cảm xúc và giác quan đều được đánh thức.

Công trình ông tạo nên ở Tokyo là một không gian thấp tầng nhưng đầy uy lực, không ngừng gợi mở cảm nhận qua từng bước chân, cử động của bàn tay hay ánh nhìn của lữ khách. Với người phương Tây lúc bấy giờ, đó là cả một thế giới xa lạ – những bậc thang giật cấp, đường cong nhẹ, tường lõm, lối đi xoắn, từng chi tiết đều mang theo một trải nghiệm mới mẻ.

Frank là nghệ sĩ của cảm giác chạm. Ông dùng những viên gạch mộc mạc nhất, để lộ mạch vữa dày nửa inch như một phần của thiết kế. Bước xuống hành lang, người ta có thể cảm nhận ngón chân chạm nhẹ vào phần vữa giữa mỗi viên gạch – một chi tiết nhỏ nhưng khơi gợi nhận thức không gian một cách tinh tế. Với Wright, vật liệu không chỉ để xây dựng, mà còn là bề mặt để làn da chạm vào, lưu giữ cảm giác, và khiến kiến trúc trở nên sống động hơn bao giờ hết.

Hàng hiên mở ra thiên nhiên xung quanh.

 

 

Sảnh đón tiếp, một không gian thấp tầng nhưng bề thế, không ngừng lay động đôi mắt, bàn tay đến tận gót chân.

 

Từng cấu kiện kết cấu như nguyên liệu của một món ăn Nhật Bản, khi dọn lên bàn ăn vẫn giữ được nguyên vẻ ban đầu của chúng ở mức tối đa, mà không trải qua các biến đổi như của ẩm thực phương Tây.

 

“Những triều đại, những đời người, những thân phận của gỗ trải qua sự hưng phế, nhưng cái tồn tại lâu dài chính là hình dạng lý tưởng của toà nhà, và không thành vấn đề nếu mọi bộ phận cấu kiện của nó đã được dỡ bỏ và thay thế vô số lần. Dù lần thay thế gần nhất vẫn còn thơm mùi gỗ mới bào, tính mong manh của các bộ phận càng làm nổi bật vẻ cổ kính của tổng thể.” – Viết về kiến trúc gỗ Nhật Bản, tiểu luận Bộ sưu tập Cát của Italo Calvino – Hà Vũ Trọng dịch.

 

Khu vực phòng tiệc với kết cấu đặc trưng của Khách sạn hoàng gia, 1923-1968, Tokyo, Nhật Bản. 

 

 

Kenzo Tange – người nối tiếp truyền thống, đồng thời là kẻ mạnh mẽ chuyển mình cùng thời đại.

Bị cuốn hút bởi những bản vẽ của Le Corbusier, Kenzo chọn kiến trúc làm con đường của mình tại Đại học Tokyo. Năm 1946, ông trở thành trợ lý giáo sư và thành lập Xưởng thực nghiệm Tange – nơi nuôi dưỡng nhiều thế hệ kiến trúc sư tiên phong.

Là gương mặt tiêu biểu của kiến trúc Nhật thời hậu chiến, Kenzo không chỉ góp phần tái thiết đất nước mà còn đưa kiến trúc Nhật vươn ra thế giới. Tên tuổi ông gắn liền với những đồ án quy hoạch đô thị quy mô lớn và phong trào tiên phong Chuyển Hóa Luận (Metabolism) – một tư tưởng kiến trúc táo bạo, nơi thành phố được hình dung như cơ thể sống, có thể tăng trưởng, biến đổi và thích nghi theo thời gian.

 

Chân dung Kenzo Tange (1913 - 2005). 

 

Phong cách kiến trúc của Kenzo Tange là sự hòa quyện tinh tế giữa tinh thần hiện đại và cốt lõi truyền thống Nhật Bản. Trong thập niên 60, khi kỹ thuật xây dựng của Nhật vươn lên tầm thế giới – thậm chí ở một số lĩnh vực đã vượt trội – kiến trúc của Tange chính là minh chứng sống động cho bước tiến ấy.

Nhà thi đấu Yoyogi, hoàn thành năm 1964, là đỉnh cao của công nghệ cáp treo và kết cấu vỏ mỏng thời đó – một biểu tượng vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ. Nhà thờ St. Mary lại là một tuyên ngôn khác: khối bê tông đồ sộ, dứt khoát, vững chãi ngang tầm những công trình bê tông xuất sắc nhất trên thế giới.

Và rồi, khi đám đông rời đi, một cảm giác u tịch len lỏi trong không gian – thứ không hiện diện bằng vật chất, mà bằng khoảng trống. Chính sự im lặng ấy làm nổi bật kiến trúc, như cách người Nhật gọi là “Ma” – khoảng lặng đầy ý nghĩa, một nguyên lý mỹ học không thể thiếu trong nghệ thuật truyền thống của họ.

Nội thất nhà thi đấu Yoyogi, 1964, Tokyo, Nhật Bản. Những nguồn sáng tự nhiên sinh ra từ vết cắt của kết cấu mang lại một cảm giác u huyền Á Đông. 

 

Nhà thờ St. Mary (1964) với ánh sáng huyền diệu, cũng sinh ra từ vết cắt trên cấu trúc.

 

“Bản thân truyền thống không có khả năng biểu hiện sức sáng tạo, nó luôn luôn biểu hiện xu hướng khả thi và sao chép. Để hướng truyền thống vào con đường sáng tạo, cần có nghị lực để gạt bỏ những hình thức đã hết sinh khí. Với ý nghĩa đó, truyền thống cần phải thường xuyên được phá vỡ để giữ gìn bản chất sinh động của nó… Không ai ấu trĩ đem một mái nhà cổ úp lên một công trình kiến trúc hình hộp rồi bảo đó là dân tộc – hiện đại.” – Kiến trúc sư Kenzo Tange phát biểu trong lần thăm Việt Nam cuối năm 1995.

Đọc tiếp: Phần 2

Nguồn tham khảo: Phong vị châu Á trong kiến trúc Hiện Đại 

Biên soạn: Hoàng Linh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon