-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Những tác phẩm nghệ thuật cộng đồng xuất sắc nhất năm 2024, theo đánh giá của các giám tuyển (Phần 5)
Công ty sáng tạo và chế tác nghệ thuật UAP vừa công bố danh sách thường niên các dự án nghệ thuật cộng đồng nổi bật của năm 2024, hợp tác cùng các giám tuyển nổi tiếng trên toàn cầu.
Các dự án năm 2024 được lựa chọn bởi Felicity Fenner, chủ tịch hội đồng cố vấn nghệ thuật cộng đồng của thành phố Sydney; Joanna Warsza, giám tuyển thành phố Hamburg; Justine Ludwig, giám đốc điều hành của Creative Time; Marina Reyes Franco, giám tuyển tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Puerto Rico (MAC); và Sebastian Betancur-Montoya, chuyên gia cấp cao về dự án nghệ thuật cộng đồng tại Bảo tàng Qatar.
Hilary Jack, tác phẩm nghệ thuật “Deluge (edition)”, London, England
Hilary Jack, tác phẩm nghệ thuật “Deluge (edition)”, 2024. Ảnh: Nick Turpin. Hình ảnh được cung cấp bởi Division of Labour.
“Deluge” của Hilary Jack, một tác phẩm ánh sáng kỹ thuật số, kết nối các cuộn văn bản cổ đại với các tin tức cuộn chữ hiện đại. Một dòng trên cùng hiển thị dữ liệu lũ lụt phá kỷ lục đương đại được trích từ các phương tiện truyền thông, trong khi dòng dưới trích dẫn các câu chuyện lũ lụt trong tôn giáo và dân gian qua các thời kỳ và địa lý khác nhau. Dòng tin tức với đèn LED đỏ gợi lên cảm giác khẩn cấp và được cập nhật để phản ánh sự cấp bách của các tình huống thời tiết đang diễn ra, trong khi các văn bản cổ đại vẫn giữ nguyên, phản ánh sự phổ quát của nỗi sợ hãi và những huyền thoại tiên tri về sự hủy diệt và tái sinh.
Hiện đang được trưng bày tại khu vực trung tâm London, phiên bản 2024 của tác phẩm (một phần của chương trình Sculpture in the City) như một cách cung cấp dữ liệu về các sự kiện thời tiết toàn cầu gần đây, khuyến khích người xem tham gia vào một cuộc đối thoại đa tầng lớp. Tác phẩm không chỉ nhấn mạnh những thảm họa trên toàn cầu mà còn chỉ trích các trụ sở gần đó của các tổ chức tài chính, môi giới bảo hiểm và các cấu trúc doanh nghiệp đang duy trì cơ chế nhiên liệu hóa thạch.
— Theo Sebastian Betancur-Montoya
Lindy Lee, tác phẩm nghệ thuật “Ouroboros”, Canberra, Australia
Lindy Lee, hình ảnh của “Ouroboros”, 2021–24 tại Bảo tàng Quốc gia Australia, Kamberri Canberra, 2024 © Lindy Lee. Hình ảnh được cung cấp bởi UAP.
Lindy Lee là một nghệ sĩ nữ người Úc gốc Hoa đương đại với sự nghiệp kéo dài hơn bốn thập kỷ. Sinh ra tại Brisbane/Meanjin, Lee sử dụng tác phẩm của mình để khám phá di sản văn hóa của mình thông qua Đạo giáo và Thiền (Ch'an) Phật giáo — những triết lý cho rằng con người và thiên nhiên là những yếu tố không thể tách rời.
“Ouroboros” tạo ra một chu kỳ thị giác vô hạn của chuyển động, ánh sáng và khả năng thẩm thấu qua không gian, như thể nó đang nổi trên một mặt nước. Tỏa sáng vào ban đêm và phản chiếu cuộc sống vào ban ngày, tác phẩm điêu khắc thú vị này thể hiện (theo cách trừu tượng) hình ảnh cổ xưa của con rắn tự nuốt mình. Với nhiều tham chiếu văn hóa đa dạng và tính biểu tượng toàn cầu, tác phẩm nói với chúng ta về các chu kỳ sống cơ bản. Nước, kim loại, lửa, ánh sáng, vũ trụ, cái chết và sự tái sinh — tất cả những chủ đề kỳ diệu này và hơn thế nữa bao quanh tác phẩm vượt thời gian này với một năng lượng sáng tạo có thể cảm nhận được và đầy hứng khởi khi trải nghiệm thực tế. Toàn bộ 13 tấn thép không gỉ tái chế đã được tạo hình, đúc, hàn và cắt bởi nhiều bàn tay tài năng dưới sự chỉ đạo của con mắt sáng tạo toàn diện của Lee.
— Theo Natasha Smith
Tina Havelock Stevens, tác phẩm nghệ thuật “Sonic Luminescence”, Sydney, Australia
Tina Havelock Stevens, tác phẩm nghệ thuật “Sonic Luminescence”, 2024. Ảnh: Liam Vongmany. Hình ảnh được cung cấp bởi UAP.
Một đường hầm đi bộ kết nối các tiện ích giao thông ngầm tại một ga tàu điện ngầm đã được biến thành một không gian đầy ngạc nhiên với tác phẩm nghệ thuật âm thanh và ánh sáng “Sonic Luminescence” của Tina Havelock Stevens, một nghệ sĩ đa phương tiện và nhạc sĩ người Úc vốn quan tâm đến cách mà âm thanh chiếm lĩnh không gian. Đối với “Sonic Luminescence”, nghệ sĩ đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng về lịch sử của địa điểm và kết hợp các đoạn âm thanh lưu trữ với các bản nhạc đương đại và các bản ghi âm "dàn nhạc thiên nhiên trước khi thuộc địa hóa" — tiếng chim của Sydney trước khi bị thực dân hóa. Hiệu ứng là một bức tranh âm thanh nhiều lớp phong phú, đưa những người đi lại đến một thời gian và không gian vượt ra ngoài những bức tường của đường hầm.
Havelock Stevens đã mời ba nhạc sĩ xem xét tính chất của ga tàu điện ngầm — ca sĩ Nardi Simpson của người Yuwaalaraay; nghệ sĩ vĩ cầm Eric Avery, người thuộc các bộ tộc Ngiyampaa, Yuin, Bandjalang và Gumbangirr; và nghệ sĩ harp chính của Dàn nhạc Giao hưởng Brisbane, Emily Granger — cùng với phần trống do chính cô đóng góp, được ghi lại trên một đoàn tàu hơi nước đang di chuyển. Bằng cách mời các nhạc sĩ người đầu tiên hợp tác trong tác phẩm (Simpson và Avery), Havelock Stevens đã đưa các câu chuyện về đất đai, sự gìn giữ và chăm sóc vào trung tâm của một dự án cơ sở hạ tầng hiện đại. Tác phẩm thật tuyệt vời, sâu sắc và mang đến một khoảnh khắc ngỡ ngàng hiếm hoi cho những người đi tàu, những người bất ngờ chìm đắm trong một bản nhạc và ánh sáng đầy lôi cuốn.
— Theo Danielle Robson
(Xem tiếp phần 1, phần 2, phần 3, và phần 4)
Nguồn: The Best Public Art of 2024, according to Curators
Biên dịch: Huyền Trịnh