-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Những tác phẩm nghệ thuật cộng đồng xuất sắc nhất năm 2024, theo đánh giá của các giám tuyển (Phần 1)
Nghệ sĩ Lindy Lee, Tác phẩm “Ouroboros” (2021–2024) tại Bảo tàng Quốc gia Úc, Kamberri Canberra, 2024 © Lindy Lee. Hình ảnh: UAP
Năm nay đánh dấu những dự án mang tầm nhìn đột phá, vượt qua giới hạn, thúc đẩy sự tương tác ý nghĩa với công chúng, tôn vinh các tiếng nói đa dạng và gắn kết cộng đồng. Thông qua sức mạnh biến đổi của nghệ thuật cộng đồng, những tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho sự kết nối, đối thoại và cảm giác gắn bó sâu sắc hơn. Công ty sáng tạo và chế tác nghệ thuật UAP vừa công bố danh sách thường niên các dự án nghệ thuật cộng đồng nổi bật của năm 2024, hợp tác cùng các giám tuyển nổi tiếng trên toàn cầu.
Các dự án năm 2024 được lựa chọn bởi Felicity Fenner, chủ tịch hội đồng cố vấn nghệ thuật cộng đồng của thành phố Sydney; Joanna Warsza, giám tuyển thành phố Hamburg; Justine Ludwig, giám đốc điều hành của Creative Time; Marina Reyes Franco, giám tuyển tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Puerto Rico (MAC); và Sebastian Betancur-Montoya, chuyên gia cấp cao về dự án nghệ thuật cộng đồng tại Bảo tàng Qatar.
Rashid Johnson, tác phẩm nghệ thuật “Village of the Sun”, 2024. Ảnh: Ghayyan Al Amin.
Theo Natasha Smith, giám đốc giám tuyển của UAP, “Danh sách các tác phẩm nghệ thuật được đề cử năm nay mang đậm dấu ấn chính trị—một xu hướng tiếp nối từ những năm gần đây.” Bà nhấn mạnh rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên là những chủ đề thu hút sự quan tâm của các nghệ sĩ trong năm nay, đồng thời ghi nhận sự gia tăng của chất liệu tranh ghép (mosaic) trong các tác phẩm nghệ thuật cộng đồng.
“Đây là một danh sách đa dạng và tuyệt vời cho năm 2024, được tuyển chọn bởi các giám tuyển danh tiếng của chúng tôi,” Smith chia sẻ thêm. “Những tác phẩm này khơi dậy các cuộc đối thoại đúng thời điểm và truyền cảm hứng để chúng ta tham gia vào lĩnh vực quan trọng của nghệ thuật cộng đồng.”
Mikala Dwyer, tác phẩm nghệ thuật “Continuum”, Sydney, Úc
Mikala Dwyer, tác phẩm nghệ thuật “Continuum”, 2024, Ga Martin Place, lối vào đường Hunter Street, Sydney. Ảnh: UAP.
Dự án đường sắt đô thị Sydney Metro mới hoàn thiện đã đặt nghệ thuật cộng đồng vào vị trí trung tâm, với một vài nghệ sĩ khác nhau được chọn để thiết kế cho mỗi ga mới xây dựng hoặc nâng cấp. Mikala Dwyer được TfNSW ủy nhiệm thực hiện các tác phẩm lắp đặt tại hai lối vào của ga metro Martin Place. Được tạo thành như một tổng thể duy nhất nhưng được chế tác từ các vật liệu rất đa dạng, ba thành phần, cùng mang tên “Continuum”, được kết nối bởi các hình dạng hình học lấy cảm hứng từ toán học cổ điển và giả thuyết.
Một dải Möbius lấp lánh, giống như một phi thuyền, được treo lơ lửng trên lối vào đường Hunter Street, dễ dàng nhìn thấy từ đường phố bên ngoài. Được chế tác từ thép không gỉ đánh bóng kỹ lưỡng, hình dạng vô tận này phản chiếu sự chuyển động không ngừng của con người và thành phố trên bề mặt của nó.
Tại lối vào phía nam, một bức tranh ghép đầy màu sắc được tạo nên từ gạch men tùy chỉnh được tích hợp vào kiến trúc. Việc lựa chọn chất liệu này nhằm tôn vinh lịch sử của tranh ghép trong các ga tàu điện ngầm, trong khi các hình dạng hình học phản ánh đường nét của thang cuốn, đường ray và mạng lưới tàu hỏa. Kết nối với lối vào phía bắc, một bộ treo di động gồm các hình dạng như đường thẳng, mặt trăng lưỡi liềm, quả cầu và khối lập phương đã làm sống động bức tranh tường theo không gian ba chiều.
Tác phẩm “Continuum” của Dwyer khéo léo nắm bắt chuyển động tuần hoàn của con người và các tuyến tàu, gợi lên những khái niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời kết nối giữa bắc và nam, hình thức và chức năng.
— Theo Felicity Fenner
Callum Morton, tác phẩm nghệ thuật “In Through the Out Door", Sydney, Úc
Callum Morton, tác phẩm “In Through the Out Door”, 2024. Ảnh: Phoebe Pratt. Hình ảnh được cung cấp bởi Thành phố Sydney.
Nghệ sĩ đến từ Melbourne, Callum Morton, người luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến kiến trúc hiện đại, đã tận dụng cơ hội để tái hiện lại các lối vào phía sau của những tòa nhà nằm dọc hai con hẻm nhỏ ẩn khuất ở trung tâm Sydney. Mặc dù được lắp đặt nhiều thập kỷ sau khi các tòa nhà này hoàn thành, “In Through the Out Door” là một loạt ba bức tranh ghép (mosaic) được tích hợp hoàn chỉnh, mang đến cảm giác vui tươi và kỳ diệu cho những con hẻm nhỏ hẹp này.
Những con hẻm vốn thường được các nhân viên văn phòng, lao công dọn rác vào buổi sáng và người vô gia cư vào ban đêm sử dụng, giờ đây đã trở thành điểm thu hút người đi bộ trên hành trình từ Town Hall đến khu thương mại trung tâm phía bắc hoặc bến cảng. Được Barbara Flynn giám tuyển, các bức tranh ghép này lấy cảm hứng từ các họa tiết và màu sắc mang tính biểu tượng của Sydney như sàn gạch lát từ thế kỷ 19 tại Tòa nhà Nữ hoàng Victoria gần đó, bức tranh tường ở sảnh do Sol LeWitt thực hiện tại Australia Square của Harry Seidler, các hoa văn trên mái vỏ sò của Nhà hát Opera, và chiếc vương miện nằm phía trên cổng vào của Luna Park.
Biến đổi những con hẻm từ không gian phụ và mang tính chuyển tiếp trở thành các tác phẩm nghệ thuật sống động, Morton đã nâng tầm các lối ra và cửa dịch vụ thành những cánh cổng độc đáo, kích thích sự tò mò.
— Theo Felicity Fenner
(Xem tiếp phần 2, phần 3, phần 4, và phần 5)
Nguồn: The Best Public Art of 2024, according to Curators
Biên dịch: Huyền Trịnh