-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Lý do nghệ sĩ Suki Seokyeong Kang lựa chọn điêu khắc hình ảnh các nữ trưởng tộc và núi non (Phần 1)
Nổi tiếng toàn cầu và đang triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Denver (MCA Denver), nữ nghệ sĩ Hàn Quốc tiết lộ với Art Basel về phong cách nghệ thuật độc đáo đã làm nên tên tuổi của mình.
Nghệ thuật điêu khắc của nghệ sĩ Hàn Quốc Suki Seokyeong Kang tự có chỗ đứng của nó nhờ sự khác biệt. Tác phẩm của cô là sự kết hợp độc đáo giữa các chất liệu như kim loại được tạo hình thủ công lẫn công nghiệp, vải dệt chắc chắn nhưng linh hoạt, sợi chỉ nhiều màu, khung tranh rỗng và các lớp toan chồng cao. Xưởng vẽ sáng sủa tầng hai ở Seoul – nơi cô làm việc – mang đậm tinh thần thực nghiệm, gọn gàng nhưng đầy năng lượng chất liệu, thể hiện rõ sự gắn bó sâu sắc của Kang với quá trình tạo tác. “Mọi thứ đều đi qua và chạm vào tay tôi”, cô chia sẻ – nhấn mạnh cảm giác xúc giác đặc trưng trong các tác phẩm điêu khắc của mình.
Chân dung Suki Seokyeong Kang. Tư liệu: Kukje Gallery.
Cách tiếp cận tối giản của Kang, thể hiện qua các series điêu khắc như “Jeong” (2014–nay), “Rove and Round” (2016–nay), và “Mat” (2017–nay), bắt nguồn từ một hệ thống ký âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc từ thế kỷ 15 mang tên jeongganbo – sử dụng lưới hình chữ nhật để ghi chép cao độ và tiết tấu. Tuy nhiên, điều Kang hướng đến không đơn thuần là thị giác của âm thanh, mà là cách chuyển hóa cảm giác thành hình thể – mở ra khả năng biểu đạt khái niệm trong không gian.
Mat_61x81_#19-20, Suki Seokyeong Kang. Ảnh: Sangtae Kim. Tư liệu: Studio Suki Seokyeong Kang.
Điều đáng ngạc nhiên là nền tảng ban đầu của Kang không phải điêu khắc mà là hội họa truyền thống phương Đông. Cô dành nhiều năm theo học nghệ thuật thư họa tại Đại học Nữ Ewha ở Seoul. Tại đây, những hoài nghi xoay quanh việc ứng dụng tri thức truyền thống vào nghệ thuật đương đại bắt đầu hình thành. “Hầu hết bạn bè tôi đều vẽ những bức phong cảnh tuyệt đẹp”, cô kể. “Tôi tự hỏi: Tại sao mình phải vẽ núi? Liệu tôi có thể tạo nên hình ảnh đó chỉ bằng giấy – thay vì mô tả núi?” Câu hỏi đó dẫn đến một tuyên bố táo bạo với giáo sư của cô: “Tờ giấy này chính là ngọn núi.”
Narrow_Meadow_#18-04, Suki Seokyeong Kang. Ảnh: Ahn Chun Ho. Tư liệu: Kukje Gallery và Studio Suki Seokyeong Kang.
Narrow_Meadow_#18-04 (chi tiết), Suki Seokyeong Kang. Ảnh: Ahn Chun Ho. Tư liệu: Kukje Gallery và Studio Suki Seokyeong Kang.
Sự chuyển hướng ấy được nuôi dưỡng từ mối quan tâm ngày càng lớn của Kang với những yếu tố phi biểu hình trong hội họa truyền thống, đặc biệt là trong các tác phẩm của Jeong Seon, Sim Sa-jeong và Yi Jae-gwan thuộc triều đại Joseon. Các họa sĩ văn nhân này là bậc thầy của si-seo-hwa – thể loại tranh thư họa kết hợp thi, thư, họa – trong đó cảnh vật thiên nhiên được đi kèm với thơ và thư pháp trực tiếp trên mặt giấy. Chính sự đồng hiện giữa hình ảnh và ngôn từ ấy đã truyền cảm hứng cho Kang tìm kiếm một cách tiếp cận đa tầng, nơi cảm xúc được hiện hình thay vì chỉ tái hiện thị giác.
Ảnh hưởng của si-seo-hwa thể hiện rõ trong loạt tác phẩm “Grandmother Tower” (2011–nay), gồm các khung kim loại hình trụ – thường là giá đỡ đĩa công nghiệp – được quấn bằng chỉ màu và xếp chồng như những cột tháp chênh vênh. Dáng vẻ nghiêng ngả của các tác phẩm này gợi nhắc tư thế còng lưng của bà cô những năm cuối đời. Tuy nhiên, Kang không xem đây là tượng đài cá nhân, mà là những địa hình cảm xúc – nơi ký ức, sự mất mát và thời gian cùng tồn tại như một cảnh quan được tạo tác.
Here We Hear, Suki Seokyeong Kang, 2022. Tư liệu hình ảnh: Qatar Creates.
Bên cạnh những ảnh hưởng mang tính cá nhân và lịch sử, sự chuyển biến trong tư duy của Kang còn thể hiện rõ qua tác phẩm ngoài trời quy mô lớn đầu tiên mang tên “Here We Hear”, ra mắt năm 2022 tại Doha, Qatar. Lấy cảm hứng từ lều truyền thống của người Bedouin, cô tạo dựng một tổ hợp điêu khắc bằng đá cẩm thạch hồng, thép không gỉ phủ bạc mờ và thép corten, sắp đặt theo vòng tròn bán khép kín. Theo Kang, đây là “một hình thái trú ngụ – giống như ngôi nhà – nơi bảo vệ sự cá nhân hóa vô hình và mời gọi mọi người lắng nghe nhau”. Tác phẩm này đánh dấu một bước ngoặt khi nghệ sĩ hướng đến khái niệm xã hội rộng lớn hơn trong mối tương quan giữa cá nhân và cộng đồng.
Xem tiếp: Phần 2
Nguồn: Why South Korean artist Suki Seokyeong Kang sculpts matriarchs and mountains
Quỳnh Hoa