VN | EN

Tin tức

Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng: Hành trình của nghệ thuật Mỹ từ cảm xúc cá nhân đến biểu tượng toàn cầu ( Phần 2)

7. Tranh Trường màu là một biến thể chính khác
Trong cuốn sách Abstract Expressionism, học giả Irving Sandler đã gọi Mark Rothko, Clyfford Still và Barnett Newman là những “họa sĩ Trường màu”. Những nghệ sĩ này không nhấn mạnh đến cử chỉ mà thay vào đó sử dụng các mảng màu lớn, gợi cảm xúc sâu lắng và sự im lặng thiền định, như thể người xem đang đứng trước một cánh cổng dẫn vào tiềm thức.

Clyfford Still (1904-1980), PHX-14, 1945. Sơn dầu trên toan.

Họ là tiền thân của phong trào Trường màu thuần túy hơn, phát triển trong thập niên 1960 với những cái tên như Morris Louis và Sam Gilliam. Trái với đặc tính tâm linh trong các tác phẩm của Rothko hay Newman, thế hệ sau này nhấn mạnh đến hình thức và kết cấu. Frankenthaler, với kỹ thuật “ngâm-nhuộm” của mình, được xem là cầu nối giữa hai thế hệ, mở đường cho sự chuyển tiếp từ Biểu hiện Trừu tượng sang Trường màu.

8. Mặc dù đa dạng về phong cách, các nghệ sĩ của phong trào này lại thống nhất với nhau về địa điểm và sở thích
Dù Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng không phải là một phong trào thống nhất về phong cách, các nghệ sĩ của nó lại được gắn kết bởi khát vọng biểu đạt nội tâm và sự say mê với tiềm thức. Họ có thể khác biệt—một bên là cảm giác thiền định và sắc màu sâu lắng, bên kia là những nét vẽ hỗn loạn và dữ dội—nhưng tất cả đều tìm kiếm sự thật nằm ngoài lý trí và hình thức truyền thống.

Helen Frankenthaler (1928-2011), High Desert, 1986. Acrylic trên toan.

Sự gắn bó còn đến từ không gian sống và làm việc. Trong suốt thập niên 1940–1950, nhiều nghệ sĩ Biểu hiện Trừu tượng tập trung tại Greenwich Village, New York. Họ thường gặp nhau ở các quán rượu như Cedar Tavern để trò chuyện, trao đổi và tranh luận. Nơi đây vừa là salon nghệ thuật, vừa là bãi chiến trường. Elaine de Kooning mô tả khoảng thời gian này như “một cuộc chè chén kéo dài cả thập kỷ”, với những vụ cãi vã nảy lửa, và cả những huyền thoại—như việc Pollock bị cấm vĩnh viễn sau khi giật tung một cánh cửa.

9. Trong khi Ab Ex thường được định nghĩa là nam tính, có rất nhiều nghệ sĩ nữ có ảnh hưởng trong giới nghệ sĩ
Dù hình ảnh phổ biến của Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng gắn liền với những người đàn ông như Pollock, de Kooning hay Franz Kline, phong trào này có sự đóng góp sâu sắc từ các nữ nghệ sĩ. Những người như Grace Hartigan, Joan Mitchell, Elaine de Kooning và Lee Krasner không chỉ tạo ra những tác phẩm có sức nặng về thẩm mỹ mà còn góp phần làm phong phú thêm ngôn ngữ biểu đạt của phong trào.

Joan Mitchell (1925-1992), Petit Matin, 1982. Sơn dầu trên toan

Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã bị lịch sử làm lu mờ, trở thành những chú thích nhỏ bên lề trong các cuốn sách lớn. Chỉ đến những thập kỷ gần đây, công lao của họ mới được nhìn nhận một cách nghiêm túc và toàn diện hơn.

10. Những người theo Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng lấy cảm hứng từ nhiều phong trào khác nhau trong lịch sử nghệ thuật
Dù không phát triển trực tiếp từ một phong trào tiền nhiệm cụ thể, Chủ nghĩa Siêu thực thường được xem là nguồn cảm hứng sâu sắc đối với Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng. Khi chủ nghĩa phát xít lan rộng ở châu Âu trong những năm 1930, nhiều nghệ sĩ Siêu thực như Max Ernst, Yves Tanguy và André Breton đã chạy trốn sang New York, mang theo tư tưởng về tiềm thức, giấc mơ và tự do biểu đạt.

Anthony Caro (1924-2013), Tác phẩm sàn Beth, 1972. Thép không gỉ.

Chính sự hiện diện của họ đã tạo ra một mạch kết nối giữa nghệ thuật châu Âu và Mỹ, giữa chủ nghĩa tự động của Siêu thực và sự bùng nổ cảm xúc trong Biểu hiện Trừu tượng, đặt nền tảng cho một chương mới của lịch sử nghệ thuật hiện đại.

11. Nhạc jazz là một ảnh hưởng lớn khác
Nhiều nghệ sĩ theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng đã tìm thấy trong nhạc jazz một tinh thần tương đồng: ngẫu hứng, tự do và biểu đạt cá nhân không giới hạn. Cách jazz phá vỡ cấu trúc truyền thống, khai thác tính bất ngờ và nhịp điệu nội tại đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các họa sĩ, không chỉ trong kỹ thuật mà cả trong tư duy sáng tác.

Norman Lewis thường mô tả các câu lạc bộ jazz của khu Harlem quê hương ông bằng một thứ ngôn ngữ trừu tượng đầy chuyển động, tái hiện nhịp điệu thị giác qua từng đường cọ. De Kooning từng ví kỹ thuật hội họa của mình với nghệ sĩ huyền thoại Miles Davis: “Miles Davis bẻ cong các nốt nhạc. Ông ấy không chỉ chơi chúng—ông ấy bẻ cong chúng. Tôi bẻ cong sơn.” Tuyên ngôn này không chỉ là ẩn dụ, mà là bản chất của tranh hành động: sự chuyển hóa chất liệu thành cảm xúc sống động.

Jackson Pollock và Robert Ryman cũng là những người say mê jazz, và điều này hiện hữu trong nhịp điệu nội tại của các tác phẩm họ tạo ra. Lee Krasner, vợ và cũng là đồng nghiệp của Pollock, từng chia sẻ rằng ông “đắm chìm vào giai điệu jazz—không chỉ trong một vài giờ—mà ngày và đêm, ngày và đêm, trong ba ngày liên tiếp, cho đến khi bạn tưởng như mình sẽ leo lên mái nhà.”

Robert Ryman (1930-2019), Không có tiêu đề, khoảng năm 1962-1963. Sơn dầu trên vải lanh căng

12. Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng tiếp tục giữ vị trí nổi bật trong thế giới nghệ thuật
Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng không bị lưu giữ như một di tích của quá khứ mà vẫn sống động trong dòng chảy nghệ thuật đương đại. Nó không chỉ là một nguồn cảm hứng thường trực cho các nghệ sĩ ngày nay, mà còn là chủ đề được nghiên cứu, triển lãm và sưu tầm rộng rãi trên toàn thế giới.

Mark Rothko (1903-1970), Không có tiêu đề, 1968. Acrylic trên giấy đặt trên tấm gỗ.

Kể từ triển lãm The New American Painting của MoMA, vô số chương trình lớn đã dành riêng cho việc khảo sát phong trào này. Gần đây nhất là Epic Abstraction của Met ra mắt năm 2018, hay triển lãm Abstract Expressionism tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia ở London, cho thấy sức hút toàn cầu chưa từng suy giảm.

Trên thị trường nghệ thuật, các tác phẩm Ab Ex tiếp tục lập kỷ lục. Năm 2012, bức Orange, Red, Yellow (1961) của Rothko được bán với giá 86,9 triệu đô tại Christie’s, đánh dấu đỉnh cao của sự định giá lại nghệ thuật hậu chiến. Black Fire I của Barnett Newman cũng đạt mức 84,1 triệu đô vào năm 2014.

Kỷ lục cao nhất thuộc về Willem de Kooning, với tác phẩm Interchange được mua bán riêng với giá 300 triệu đô, biến nó trở thành tác phẩm nghệ thuật đắt thứ hai từng được bán trong lịch sử.

Tuy nhiên, giá trị của Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng không chỉ được đo bằng những con số khổng lồ, mà còn ở sức ảnh hưởng bền bỉ của nó. Những nghệ sĩ đương đại như Cecily Brown, Anish Kapoor hay Julian Schnabel đã liên tục đối thoại với tinh thần của phong trào này trong tác phẩm của họ. Ngay cả trong nghệ thuật kỹ thuật số, những biến thể của Ab Ex đang dần xuất hiện, chứng minh rằng cơn mạch ngầm cảm xúc và tự do này vẫn tiếp tục thấm sâu vào tâm thức sáng tạo của thế kỷ XXI.

 

(Xem phần 1)

 

Nguồn: Christie'

Biên dịch: Trang Lê

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon