-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng: Hành trình của nghệ thuật Mỹ từ cảm xúc cá nhân đến biểu tượng toàn cầu ( Phần 1)
1. Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng là một phong trào nghệ thuật độc đáo của Mỹ
Thuật ngữ "Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng" dùng để chỉ các nghệ sĩ Mỹ theo đuổi trường phái trừu tượng trong những năm 1940 và 1950. Khi phong trào bắt đầu hình thành tại Hoa Kỳ, nó nổi bật với sự từ chối các quy ước nghệ thuật truyền thống, thay vào đó là sự nhấn mạnh vào tính tự phát và cử chỉ cá nhân. Các tác phẩm thường có quy mô hoành tráng và được tạo ra từ những trải nghiệm nội tâm sâu sắc, thể hiện một tinh thần Mỹ đầy táo bạo và độc lập.
Dù phát triển tại Mỹ, nhiều nghệ sĩ chủ chốt lại là những người nhập cư từ châu Âu, chạy trốn khỏi sự hỗn loạn tại quê nhà. Hans Hofmann, họa sĩ tiên phong và giáo viên có ảnh hưởng, đến từ Đức; Willem de Kooning từ Hà Lan, Arshile Gorky từ Armenia, và Mark Rothko từ Latvia—tất cả đều góp phần định hình phong trào.
Hans Hofmann (1880-1966), X Orange, 1959. Sơn dầu trên vải.
2. Thuật ngữ ‘Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng’ được Robert Coates, nhà phê bình nghệ thuật của tờ The New Yorker
Trong bài phê bình năm 1946 về các tác phẩm của Arshile Gorky, Jackson Pollock và Willem de Kooning đăng trên The New Yorker, nhà phê bình Robert Coates đã lần đầu tiên sử dụng cụm từ “Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng” để mô tả phong cách kết hợp giữa biểu đạt cảm xúc và trừu tượng của những nghệ sĩ này. Thuật ngữ sau đó được áp dụng rộng rãi cho các họa sĩ Mỹ có khuynh hướng thể hiện nội tâm một cách mạnh mẽ trong tác phẩm.
Những nghệ sĩ này còn được biết đến với cái tên “Trường phái New York”. Dù một số người phản đối cách gọi “trừu tượng”, cho rằng tranh của họ là sự biểu hiện tiềm thức, Trường phái New York vẫn bao trùm một loạt phong cách đa dạng, tượng trưng cho thời kỳ phát triển nghệ thuật bùng nổ tại New York sau Thế chiến II.
Mark Rothko (1903-1970), Số 4 (Hai màu chủ đạo) [Cam, Mận, Đen], 1950-1951. Sơn dầu trên vải.
3. Phong trào này đánh dấu sự trỗi dậy của Thành phố New York như một trung tâm nghệ thuật toàn cầu
Sự xuất hiện của Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng gắn liền với sự chuyển dịch trung tâm nghệ thuật từ Paris sang New York. Trong khi Paris đang hồi phục sau chiến tranh, làn sóng nghệ sĩ châu Âu đã đổ về New York từ những năm 1930 để thoát khỏi chủ nghĩa phát xít, và sau chiến tranh, dòng người này còn nhiều hơn nữa.
Mỹ, đang trên đà phát triển về kinh tế và văn hóa, đã tạo điều kiện lý tưởng cho nghệ thuật nở rộ, với New York là trái tim của sự chuyển mình đó. Việc thành lập Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) năm 1929 đã đặt nền móng thể chế cho chủ nghĩa hiện đại, trong khi những nhà bảo trợ như Peggy Guggenheim—người ủng hộ Jackson Pollock và Mark Rothko—đã giúp khẳng định vị thế quốc tế của nghệ thuật Mỹ.
Willem de Kooning (1904-1997), Woman and Child, c. 1967-68. Oil on paper mounted on canvas
4. Phong trào này là phản ứng trước sự hỗn loạn của thời đại
Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng ra đời sau một trong những giai đoạn bất ổn nhất trong lịch sử hiện đại. Nó là kết tinh của nỗi đau đến từ cuộc Đại suy thoái và sự tàn phá của Thế chiến thứ hai. Barnett Newman từng viết: “Chúng tôi cảm nhận được cuộc khủng hoảng đạo đức của một thế giới đang sụp đổ, một thế giới bị nghiền nát bởi Đại suy thoái và Thế chiến khốc liệt, và vào thời điểm ấy, chúng tôi không thể nào tiếp tục vẽ những bức tranh hoa, tranh khỏa thân nằm hay những người chơi đàn cello nữa.”
Barnett Newman (1905-1970), Untitled, 1945. Watercolour on paper.
5. Nó cũng được sử dụng như một vũ khí của Chiến tranh Lạnh
Khi Chiến tranh Lạnh leo thang vào những năm 1950, văn hóa trở thành một công cụ chiến lược trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Nhiều người cho rằng nghệ thuật hiện đại, với sự đề cao cá nhân và tự do sáng tạo, là biểu tượng hoàn hảo để đối lập với sự áp đặt và tính công thức trong nghệ thuật của chế độ Cộng sản.
Robert Motherwell (1915-1991), Bài thơ ai điếu Cộng hòa Tây Ban Nha số 160, 1979.
Dù các nghệ sĩ không chủ trương hoạt động chính trị, tác phẩm của họ lại được chính phủ Mỹ tận dụng như một biểu tượng mềm của tư tưởng phương Tây. Với sự hậu thuẫn kín đáo từ CIA, thông qua các tổ chức như Quỹ Farfield, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại đã đưa nghệ thuật Mỹ ra thế giới. Cuộc triển lãm The New American Painting as Shown in Eight European Countries, 1958–1959 là một bước ngoặt, với hành trình qua Berlin, Milan, Paris và London, đưa Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng đến gần hơn với công chúng châu Âu.
6. Tranh hành động là một trong những hình thức trung tâm của Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng
Phong trào Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng thường được phân thành hai nhóm lớn: họa sĩ hành động và họa sĩ trường phái màu. Các họa sĩ hành động—như Jackson Pollock và Willem de Kooning—tập trung vào chính quá trình tạo tác, xem mỗi bức tranh như một sự kiện trực tiếp thể hiện năng lượng và chuyển động. Nhà phê bình Harold Rosenberg, người đặt ra thuật ngữ “tranh hành động” trong một bài viết năm 1952 trên Art News, từng nói: “Những gì được đưa lên vải không phải là một bức tranh mà là một sự kiện.”
Trong nhóm này, mỗi nghệ sĩ phát triển một phương pháp độc đáo. Pollock đã sáng tạo ra kỹ thuật nhỏ giọt trứ danh bằng cách vẩy và đổ sơn lên vải bố trải trên sàn, sử dụng que, dao và ống bơm thay cho cọ vẽ, di chuyển nhịp nhàng trong một vũ điệu thị giác. Ngược lại, kỹ thuật đặc trưng của de Kooning—được nhà phê bình Thomas Hess gọi là “quét toàn bộ cánh tay”—tập trung vào những nét cọ rộng và mạnh, tạo nên cấu trúc trừu tượng hoàn toàn.
Franz Kline (1910-1962), Không có tiêu đề, 1955. Sơn dầu trên vải.
Helen Frankenthaler, một trong những người mở đường cho Trường màu, đã phát triển kỹ thuật “ngâm-nhuộm”: sơn được pha loãng và đổ lên vải chưa qua xử lý, để thấm tự nhiên vào từng sợi. Tương tự như Pollock, bà làm việc trực tiếp trên sàn, thao tác bằng cọ, con lăn hoặc đơn giản là nghiêng bề mặt vải, để màu sắc tự vẽ nên chính nó.
Nguồn: Christie'
Biên dịch: Trang Lê