VN | EN

Tin tức

Chinoiserie truyền cảm hứng cho xu hướng thiết kế đương đại như thế nào? ( Phần 2)

Tượng Trung Quốc


Trong thời đại mà hành trình liên lục địa còn là điều hiếm hoi, người châu Âu chỉ có một hình dung rất mơ hồ về các nền văn hóa châu Á. Chính sự mơ hồ này đã khoác lên phương Đông tấm màn huyền bí, khiến nó trở nên kỳ lạ và hấp dẫn. Các nghệ nhân châu Âu, bị cuốn hút bởi chủ nghĩa thần bí và vẻ đẹp lạ lẫm, thường đưa hình ảnh các nhân vật Trung Quốc vào thiết kế của họ. Có những hình ảnh được sao chép trực tiếp từ hiện vật Trung Hoa, nhưng cũng có những nhân vật chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của phương Tây – những hình dung thơ mộng và lý tưởng hóa về một thế giới phương Đông xa xôi.

Cảnh quan thiên nhiên


Chinoiserie thường lồng ghép những khung cảnh thiên nhiên đầy chất mộng tưởng: những khu vườn rực rỡ, những gian nhà nhỏ bằng tre, chim muông ríu rít bay lượn giữa những đóa hoa nở rộ. Những cảnh quan này hiện diện nổi bật trên giấy dán tường, tranh vẽ, hàng dệt may và đồ trang trí, tạo nên một thế giới nơi thiên nhiên không bị thuần hóa mà sống động như trong cổ tích.

Rồng và Phượng hoàng


Trong kho tàng biểu tượng của Trung Hoa, rồng và phượng hoàng là hai linh vật mang tính biểu trưng cao nhất – rồng tượng trưng cho quyền lực và may mắn, phượng hoàng là hiện thân của vẻ đẹp và sự tái sinh. Những sinh vật này không chỉ xuất hiện trong huyền thoại mà còn hiện diện phong phú trong trang phục, đồ gốm, tranh vẽ và nội thất. Cùng với đó, sư tử đá – hay “Foo dog”, đúng hơn là “Shi” trong tiếng Trung – thường đứng gác tại lối vào các đền đài và cung điện, được coi là linh vật trấn giữ, xua đuổi tà khí. Những hình tượng này đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngôn ngữ hình ảnh của Chinoiserie.

Chùa tháp

Chùa tháp – những công trình nhiều tầng với mái uốn cong đặc trưng – cũng là một yếu tố phổ biến trong thiết kế Chinoiserie. Dù có nguồn gốc từ kiến trúc Phật giáo Ấn Độ, chùa tháp đã được bản địa hóa mạnh mẽ tại Trung Quốc, trở thành biểu tượng của tôn giáo và nghệ thuật. Những đường nét mềm mại và tầng mái lượn sóng của chùa tháp được lồng ghép tài tình vào các thiết kế vườn, tranh vẽ và nội thất, tạo ra cảm giác thần tiên và thanh tịnh.


Chinoiserie đã ảnh hưởng đến nghệ thuật như thế nào

Thiết kế và trang trí


Giống như Rococo, Chinoiserie ưa chuộng sự bất đối xứng, những đường cong uốn lượn và các yếu tố trang trí huyễn tưởng. Họa sĩ kiêm nhà thiết kế người Pháp Jean Pillement đã xuất bản A New Book of Chinese Ornaments năm 1755, một bộ sưu tập phong phú các hình ảnh nhân vật, cảnh vật và hoa văn Trung Hoa đầy chất thơ. Những tác phẩm như của Pillement đã góp phần phổ biến phong cách này trên khắp châu Âu, ảnh hưởng sâu sắc đến thiết kế đồ gốm, giấy dán tường, hàng dệt và nội thất, tạo nên sự giao hòa giữa vẻ đẹp cổ kính và sự nhạy cảm thị giác hiện đại.

Đồ sứ


Đồ sứ Trung Quốc, đặc biệt là loại men lam – trắng, đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành thẩm mỹ Chinoiserie. Kiểu trang trí này, vốn được hoàn thiện dưới thời nhà Nguyên tại các lò gốm ở Cảnh Đức Trấn – “Thủ đô sứ” của Trung Hoa – đã làm say lòng giới thượng lưu châu Âu. Màu xanh coban dưới lớp men trắng trở thành biểu tượng thẩm mỹ vượt thời gian, được sao chép và diễn giải lại trên nhiều chất liệu phương Tây.

Hội họa


Chinoiserie sớm len lỏi vào hội họa châu Âu, đặc biệt là các tranh tĩnh vật của Willem Kalf vào thế kỷ 17. Đến thế kỷ 18, các họa sĩ như Jean-Antoine Watteau và François Boucher đã đem yếu tố phương Đông vào nghệ thuật Rococo, tạo nên những bức tranh mang đậm chất viễn tưởng. Tác phẩm The Chinese Garden (1742) của Boucher là minh chứng sống động cho sự giao thoa này, nơi những nhân vật Trung Hoa bước vào thế giới tưởng tượng lộng lẫy của quý tộc Pháp.

Kiến trúc và Vườn
Ảnh hưởng của Chinoiserie không chỉ giới hạn trong mỹ thuật mà còn lan đến kiến trúc vườn. Các gian nhà trà, chùa tháp và hành lang mái cong bắt đầu xuất hiện trong các khu vườn châu Âu. Người Anh, với sự say mê thiên nhiên và triết lý phương Đông, đã phát triển mô hình “vườn Trung Hoa – Anh”, nơi lý tưởng hóa cảnh sắc phương Đông qua lăng kính lãng mạn phương Tây. Một ví dụ tiêu biểu là Ngôi nhà Trung Hoa ở Cung điện Sanssouci (Đức), do Johann Gottfried Büring thiết kế năm 1755, kết hợp giữa Rococo và Chinoiserie để tạo nên một công trình vừa kỳ ảo vừa trang nghiêm.

Nội thất


Chinoiserie cũng định hình mạnh mẽ thiết kế nội thất châu Âu, từ vật liệu cho đến hình thức. Gỗ sơn mài, đồng thau, tre giả và kỹ thuật cưa lọng công phu là những điểm nổi bật. Những chiếc ghế lưng lưới do Thomas Chippendale thiết kế là minh chứng cho sự dung hòa hoàn hảo giữa nghệ thuật chạm trổ Trung Hoa và tay nghề thủ công Anh. Những món đồ nội thất này không chỉ là đồ dùng mà còn là tuyên ngôn thẩm mỹ – nơi vẻ đẹp phương Đông trở thành một biểu tượng của tinh tế và quyền lực.

 

 

( Xem phần 1)

Nguồn: IGT

Biên dịch: Trang Lê

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon