-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Chinoiserie truyền cảm hứng cho xu hướng thiết kế đương đại như thế nào? (Phần 1)
Chinoiserie có nguồn gốc từ đầu thế kỷ 17 ở châu Âu. Thuật ngữ này bắt nguồn từ “chinois” trong tiếng Pháp, có nghĩa là “Trung Quốc”. Vào thời điểm đó, các nghệ nhân và nhà thiết kế người Anh và Ý bắt đầu mô phỏng những đặc trưng kỳ ảo trong nghệ thuật Trung Hoa – từ chất liệu lụa, đồ sơn mài cho đến các yếu tố trang trí. Cách diễn giải của châu Âu đối với nghệ thuật phương Đông lần đầu tiên xuất hiện trong thiết kế nội thất, đồ gỗ, đồ gốm và sứ, và dần dần lan sang hội họa – nơi những họa sĩ Pháp như Antoine Watteau và François Boucher thể hiện những giấc mộng phương Đông trên toan vẽ.
Một làn sóng say mê nghệ thuật trang trí đã nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu, dẫn đến sự hình thành của những căn phòng lộng lẫy chịu ảnh hưởng rõ nét từ phong cách Á Đông trong các dinh thự hoàng gia và tư gia. Cho đến ngày nay, Chinoiserie vẫn được ưa chuộng trong thiết kế đương đại nhờ vào phong cách lãng mạn, giàu tưởng tượng và những chi tiết vui mắt – tạo nên một thẩm mỹ trang trí đầy quyến rũ và huyền hoặc.
Chinoiserie là gì?
Gạch lát sàn theo phong cách Trung Hoa cổ đại
Chinoiserie là một phong cách nghệ thuật trang trí phương Tây chịu ảnh hưởng từ họa tiết và kỹ thuật của Trung Quốc. Phong cách này phổ biến rộng rãi tại châu Âu trong thế kỷ 17 và 18, đạt đến thời kỳ rực rỡ nhất từ năm 1750 đến 1765. Chinoiserie thường được kết hợp với phong cách Baroque và Rococo – vốn thịnh hành trong giới quý tộc châu Âu lúc bấy giờ. Đặc trưng của Chinoiserie là các bố cục bất đối xứng, gam màu lam-trắng quen thuộc từ đồ sứ Trung Hoa, việc sử dụng mạ vàng phong phú, cùng các họa tiết và hình ảnh mô tả thiên nhiên, kiến trúc và nhân vật trong bối cảnh viễn tưởng Á Đông.
Lược sử về Chinoiserie
Niềm đam mê phương Đông của người châu Âu bắt nguồn từ rất lâu, có thể truy về các chuyến hành trình của Marco Polo vào thế kỷ 14. Trong thời gian bị giam, Polo đã kể lại các trải nghiệm kỳ thú ở châu Á cho Rustichello da Pisa – người sau đó đã biên chép lại trong tác phẩm The Travels of Marco Polo. Cuốn sách này về sau không chỉ góp phần hình thành nên cái nhìn kỳ ảo về phương Đông trong tâm thức châu Âu mà còn truyền cảm hứng cho các cuộc thám hiểm như hành trình của Christopher Columbus.
Sang thế kỷ 18, mối giao thương giữa châu Âu và Trung Quốc bùng nổ, đặc biệt là với mặt hàng sứ trắng xanh tuyệt mỹ. Người châu Âu nỗ lực tái hiện vẻ đẹp Á Đông trong sản phẩm nội địa của họ – hình thành nên một thẩm mỹ mới, thanh thoát hơn, đối lập với sự cầu kỳ nặng nề của Baroque. Phong cách này – Chinoiserie – nhẹ nhàng, đầy tính tưởng tượng, với hình ảnh rồng, phượng, phong cảnh thần thoại – dần chi phối cả kiến trúc và mỹ thuật.
Dấu mốc sớm nhất của Chinoiserie trong nội thất là Trianon de porcelaine tại Grand Trianon, Versailles – công trình được xây dựng vào năm 1670 cho vua Louis XIV, do kiến trúc sư Louis Le Vau thiết kế. Kiến trúc sứ thanh nhã này nhanh chóng trở thành biểu tượng của thời thượng. Từ đó, phong cách Trung Hoa trở thành một chuẩn mực trong các lâu đài châu Âu, thường đi kèm với toile Pháp – loại vải in hoa văn lặp lại.
Chinoiserie không chỉ phổ biến tại châu Âu mà còn lan sang cả châu Mỹ. Đến nay, nhiều người tiêu dùng vẫn tin rằng họ sở hữu đồ sứ Trung Quốc đích thực mà không hay biết rằng các món đồ này mang dấu ấn rõ rệt của thẩm mỹ Chinoiserie – một phong cách lai giữa Đông và Tây. Cũng bởi ảnh hưởng mạnh mẽ ấy, chính các nghệ nhân Trung Quốc đã học cách chiều theo thị hiếu châu Âu, khiến ranh giới giữa “nguyên bản” và “phản chiếu” ngày càng trở nên mờ nhạt.
Họa tiết và đặc điểm của Chinoiserie
Chinoiserie quy tụ nhiều yếu tố thiết kế đặc trưng và độc đáo, trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho giới thiết kế suốt nhiều thế kỷ. Từ thế kỷ 17 đến nay, phong cách này luôn biết cách làm mới mình bằng cách tích hợp các xu hướng đương đại – từ vườn cảnh, tranh in cho đến đồ nội thất. Một số đặc điểm nổi bật thường thấy trong Chinoiserie bao gồm:
-
Hình ảnh kỳ ảo: các phong cảnh không gian tưởng tượng, nhân vật mặc trang phục truyền thống Trung Hoa, động vật thần thoại như rồng và chim phượng.
-
Họa tiết tỉ mỉ: hoa lá, côn trùng, chim muông được thể hiện với nét vẽ tinh tế.
-
Chất liệu cao cấp: sử dụng sơn mài, mạ vàng, lụa thêu, sứ lam – trắng.
-
Tính đối xứng lỏng lẻo: tạo cảm giác tự nhiên, ngẫu hứng và mộng mị – trái ngược với bố cục chuẩn mực phương Tây.
Nguồn: IGT
Biên dịch: Trang Lê