-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Bộ sưu tập nghệ thuật phương Tây lâu đời của Iran tái xuất bất chấp căng thẳng cao với Mỹ
Khi Iran đang phải oằn mình trước căng thẳng với phương Tây cũng như những bất ổn trong nước, một triển lãm mới tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Tehran đang trưng bày các tác phẩm nghệ thuật phương Tây, bao gồm những tác phẩm chưa từng được công chúng chiêm ngưỡng trong ít nhất một thập kỷ.
Triển lãm “Eye to Eye” thu hút nhiều phụ nữ, tóc không cần đến khăn che, đến các phòng trưng bày dưới lòng đất của bảo tàng ở Công viên Laleh, Tehran, với một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật có thể trị giá hàng tỷ đô la.
Sự hiện diện của họ, mặc dù không được chính quyền công nhận, cho thấy cách cuộc sống đã thay đổi bên trong Iran chỉ trong vài năm qua, ngay cả khi chế độ thần quyền của đất nước tiếp tục làm giàu uranium lên gần mức vũ khí hạt nhân và tiến hành các cuộc tấn công vào Israel trong các cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông.
“Cảm giác đầu tiên đến với tôi, và tôi đã nói với bố mẹ mình, là tôi không thể tin được mình đang nhìn thấy những tác phẩm này, những tác phẩm luôn bị giấu kín khỏi tầm mắt của chúng tôi,” Aida Zarrin, một phụ nữ trẻ tại bảo tàng, nói. “Nếu những sự kiện như vậy được tổ chức ở đây và chúng tôi có thể nhìn thấy các tác phẩm nghệ thuật giống như phần còn lại của thế giới, thì chừng đó là quá đủ. Chúng thực sự quý giá.”
Người Iran chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ người Mỹ Chuck Close tại triển lãm “Eye to Eye” (Vahid Salemi / AP)
Người Iran chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ người Tây Ban Nha Pablo Picasso tại triển lãm “Eye to Eye” (Vahid Salemi / AP)
Người Iran chiêm ngưỡng bức tranh Mao Trạch Đông của Andy Warhol tại triển lãm “Eye to Eye” (Ảnh: Vahid Salemi / AP)
Người Iran chiêm ngưỡng chân dung Mick Jagger của Rolling Stones của Andy Warhol tại triển lãm “Eye to Eye” (Vahid Salemi / AP)
Chính phủ Iran dưới thời Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi được phương Tây hậu thuẫn và vợ ông, cựu Hoàng hậu Farah Pahlavi, đã xây dựng bảo tàng này và thu thập một bộ sưu tập khổng lồ vào cuối những năm 1970, khi ngành dầu mỏ bùng nổ và các nền kinh tế phương Tây trì trệ. Khi khai trương, bảo tàng đã trưng bày các tác phẩm nổi bật của Pablo Picasso, Mark Rothko, Claude Monet, Jackson Pollock và nhiều tên tuổi lớn khác, nâng cao vị thế văn hóa của Iran trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, vào năm 1979, các giáo sĩ dòng Shiite đã lật đổ nhà vua, cất giữ các tác phẩm nghệ thuật trong kho của bảo tàng. Một số bức tranh – theo trường phái lập thể, siêu thực, ấn tượng và thậm chí là nghệ thuật đại chúng – bị để nguyên trong nhiều thập kỷ nhằm tránh làm phật lòng các giá trị Hồi giáo và tạo cảm giác chiều theo các tư tưởng phương Tây.
Gần như toàn bộ bộ sưu tập vẫn được cho là còn nguyên vẹn, mặc dù một bản in của Andy Warhol về hoàng hậu đã bị rạch trong cuộc cách mạng. Ngày nay, bộ sưu tập này có thể trị giá hàng tỷ đô la. Dù Iran hiện đang kiệt quệ vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, các quan chức của bảo tàng vẫn nỗ lực bảo vệ bộ sưu tập, dù đã có vài lần trao đổi các tác phẩm để lấy hiện vật từ lịch sử Ba Tư.
Khi chính trường Iran thay đổi qua những giai đoạn căng thẳng và hòa dịu, bộ sưu tập này cũng tái xuất theo dòng biến động đó. Trong hơn 120 tác phẩm được trưng bày, có các tác phẩm của Picasso, Andy Warhol và Francis Bacon, cùng các nghệ sĩ nổi tiếng của Iran. Một trong những tác phẩm của Warhol, "Jacqueline Kennedy II," là bức in lụa kép hình ảnh cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ trong trang phục tang lễ sau vụ ám sát năm 1963 của Tổng thống John Kennedy. Một bức chân dung khác của Warhol về Mick Jagger, giọng ca chính của nhóm Rolling Stones, cũng thu hút sự chú ý của những người đến chụp ảnh bằng điện thoại.
“Rất nhiều tác phẩm ở đây là những tác phẩm quan trọng trong lịch sử nghệ thuật, và đó là lý do triển lãm này nổi bật hơn các triển lãm khác,” Jamal Arabzadeh, giám tuyển triển lãm, cho biết. “Rất nhiều người ít tiếp xúc với nghệ thuật trước đây đã tới khám phá bảo tàng lần đầu tiên... Chúng tôi đang chứng kiến một phần cộng đồng khám phá nghệ thuật và bảo tàng, nhận ra tiềm năng của nơi này, và điều này thật đáng tự hào.”
Sự hiện diện của nghệ thuật phương Tây diễn ra trong bối cảnh chính phủ Iran từ lâu đã chống lại những sản phẩm như búp bê Barbie hay các nhân vật hoạt hình từ "The Simpsons." Các ảnh hưởng phương Tây này từng bị coi là không phù hợp với Hồi giáo và là một phần của cuộc chiến văn hóa "mềm" chống lại Cộng hòa Hồi giáo.
Triển lãm này là một sự kiện được chính phủ phê duyệt mà hiếm hoi không liên quan đến chính trị hay tôn giáo dòng Shiite. Trong số những người đến xem có nhiều phụ nữ thách thức luật bắt buộc đội khăn trùm đầu (hijab). Các cuộc đàn áp liên quan đến hijab đã giảm sau cuộc bầu cử tổng thống Iran vào tháng 7, đưa Tổng thống cải cách Masoud Pezeshkian lên nắm quyền, dù một vài trường hợp bắt giữ riêng lẻ vẫn tiếp tục gây phẫn nộ. Đối với nhiều người, chi phí vé máy bay đi nước ngoài trở nên quá xa vời trong bối cảnh đồng rial của Iran mất giá nghiêm trọng.
“Triển lãm lần này rất hấp dẫn với những người yêu nghệ thuật vì không phải ai cũng có thể đi tham quan các bảo tàng ở nước ngoài. Thật thú vị khi được xem các tác phẩm ở đây,” một phụ nữ chỉ cho biết họ của mình là Dolatshahi chia sẻ. “Tôi không ngờ rằng mình có thể thấy các tác phẩm của van Gogh và Picasso tại đây.”
Nguồn: Iran’s much long hidden collection of Western art re-emerges despite high tensions with US
Biên dịch: Huyền Trịnh