-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Blanche Lazzell – Người mở đường cho trừu tượng Mỹ rồi dần bị lãng quên ( Phần 1 )
( Blanche Lazzell, The White Petunia (1932/1954). Collection of the Art Museum of West Virginia University Collection, gift of James C. and Janet )
Có thể bạn chưa từng nghe đến cái tên Blanche Lazzell (1878–1956), nhưng người họa sĩ kiêm nghệ nhân in ấn này đã lấy bằng Mỹ thuật tại Đại học West Virginia từ năm 1905 và cống hiến trọn đời cho nghệ thuật của mình. Dù ngày nay gần như bị lãng quên, bà từng là một trong những họa sĩ tiên phong của trào lưu Hiện đại Mỹ.
Hiện tại, Blanche Lazzell là một trong số 30 nữ nghệ sĩ được giới thiệu trong triển lãm “Herself: American Artists of the 20th Century” tại phòng tranh Lincoln Glenn ở New York – nơi quy tụ các tác phẩm kéo dài khoảng 90 năm lịch sử.
Trong triển lãm có những cái tên nổi tiếng hơn như Alice Neel (1900–1984), Grace Hartigan (1922–2008), và thậm chí cả những họa sĩ vẫn còn sống như Barbara Kruger (1945), Sheila Hicks (1934), và March Avery (1932). Nhưng Blanche Lazzell nổi bật trong số đó với vai trò là người tiên phong, dũng cảm theo đuổi con đường nghệ thuật trong thời đại mà ít phụ nữ dám làm điều đó.
Blanche Lazzell là ai?
Sinh ra ở thị trấn nhỏ Maidsville, hạt Monongalia, bang West Virginia, Blanche Lazzell rời bỏ quê hương vào năm 1907 để theo học tại Học viện Nghệ thuật danh tiếng Art Students League ở New York cùng với Georgia O’Keeffe (1887–1986), dưới sự hướng dẫn của họa sĩ William Merritt Chase (1849–1916). Lazzell là một người độc lập – bà không kết hôn hay sinh con – và tiếp tục hành trình học tập tại Paris trong 18 tháng vào năm 1912, nơi bà theo học tại Académie Julian và Académie Moderne.
Sau khi trở về Mỹ, Lazzell định cư tại cộng đồng nghệ sĩ Provincetown, bang Massachusetts, từ năm 1915. Bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi trào lưu Hiện đại mà bà tiếp xúc ở châu Âu, Lazzell đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm đột phá. Bà là đồng sáng lập nhóm Provincetown Printers – hiệp hội khắc gỗ đầu tiên tại Hoa Kỳ – và không bao giờ ngừng hoàn thiện kỹ thuật của mình. Năm 1937, gần 60 tuổi, bà vẫn tiếp tục học tại xưởng vẽ của họa sĩ Trừu tượng Hans Hofmann (1880–1966).
“Blanche Lazzell là người tiên phong – một lãnh đạo đã phá vỡ các rào cản cho thế hệ họa sĩ nữ tiếp theo,” Douglas Gold, đối tác tại Lincoln Glenn chia sẻ. (Phòng tranh này, thành lập năm 2022, đã dành một nửa chương trình trưng bày cho các họa sĩ nữ.) “Bà là người dấn thân không ngừng. Rất tham vọng.”
( Blanche Lazzell )
Gold lần đầu biết đến tác phẩm của Blanche Lazzell khi thực tập tại Bảo tàng Nghệ thuật Huntington ở chính quê nhà West Virginia – nơi đang lưu giữ bảy tác phẩm của bà.
“Blanche Lazzell là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của West Virginia,” Gold nói. “Mỗi lần tôi nhìn thấy các nhóm tác phẩm khác nhau của bà, tôi lại càng tò mò hơn về con người này – từ một thị trấn khai thác mỏ nhỏ mà lại có thể đến Paris, đến Provincetown, và rồi xuất hiện trong các bảo tàng lớn trên toàn thế giới.”
( Blanche Lazzell, The White Petunia (1932/1954). Collection of the Art Museum of West Virginia University Collection, gift of James C. and Janet G. Reed )
Các bảo tàng đó bao gồm Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, Bảo tàng Mỹ thuật Boston, và Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ thuộc Viện Smithsonian ở Washington D.C. – nơi lưu giữ tài liệu cá nhân của bà trong kho lưu trữ nghệ thuật Hoa Kỳ. Dù xuất thân từ một vùng hẻo lánh, Blanche Lazzell vẫn ghi dấu trong lịch sử hội họa bằng cách tiếp cận tiên phong, kết hợp Chủ nghĩa Lập thể vào kỹ thuật in khắc gỗ.
Đặc biệt, bà được ghi nhận là người góp phần phát triển kỹ thuật “Provincetown Print” – một dạng khắc gỗ đường viền trắng lấy cảm hứng từ tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e thế kỷ 19. Kỹ thuật này chỉ sử dụng một tấm gỗ (trái ngược với kỹ thuật dùng nhiều tấm của phương Tây), tạo ra các đường viền trắng phân chia từng phần, mỗi phần được tô màu riêng biệt. Blanche Lazzell được xem là họa sĩ bậc thầy của kỹ thuật này.
( Blanche Lazzell, Planes II (1952). Collection of the Art Museum of West Virginia University Collection, gift of Harvey D. Peyton. ©Estate of Blanche Lazzell )
“Bà là một nghệ sĩ giàu tính thử nghiệm, luôn luôn đổi mới – khởi đầu bằng trường phái Ấn tượng, rồi đến in ấn Hiện đại, và sau đó trở lại với hội họa,” Gold chia sẻ. Ông cho rằng việc thiếu các cơ hội thương mại dành cho họa sĩ nữ có thể khiến họ sáng tạo hơn: “Họ không chịu áp lực từ phòng tranh về việc phải bán được tranh. Họ có thể tự do khám phá và không bị bó buộc vào một phong cách ăn khách.”
Tại Provincetown, Lazzell vẽ tranh trong một túp lều trên cầu cảng – nơi từng là kho chứa dụng cụ đánh cá – mà bà đã biến thành khu vườn và xưởng vẽ, sử dụng lưới đánh cá làm giàn cây.
( Blanche Lazzell on her studio porch in Provincetown, Mass, (1942)
“Vẻ rực rỡ của các loài hoa quanh xưởng vẽ của Blanche Lazzell thu hút ánh nhìn từ cả phía biển và con ngõ nhỏ dẫn vào xưởng. Khung cảnh đầy sắc màu ấy chỉ có thể sánh với không gian quyến rũ bên trong túp lều cũ – nay là một trong những nơi hấp dẫn nhất ở Provincetown,” tờ Provincetown Advocate viết vào năm 1940 (trích lại từ Provincetown Independent). “Chính tại đây, hơn một ngàn khách tham quan trong mùa hè đã chiêm ngưỡng tác phẩm của bà: một triển lãm tranh khắc gỗ có thể gây tiếng vang ở bất cứ nơi đâu.”
Là người yêu làm vườn, Lazzell kiếm sống bằng cách bán hạt giống hoa, dạy mỹ thuật, và tổ chức các buổi trà chiều. Nhưng bà cũng là một họa sĩ thành công, tin tưởng vào giá trị tác phẩm của mình.
“Đây là một khoản đầu tư tuyệt vời cho bất kỳ ai có tiền nhàn rỗi. Những bản in này sẽ nhanh chóng có giá hơn 100 đô la, nhất là khi tôi không còn làm nữa,” bà viết cho chị gái vào năm 1932, khi đang tìm cách xoay tiền nộp thuế. “Và các bản in này được ngưỡng mộ bởi những họa sĩ hiện đại hàng đầu trong và ngoài nước.”
Nguồn : Blanche Lazzell Carved a Path for American Abstraction—Then Faded From View
Xem tiếp : Phần 2
Biên dịch : Bảo Long