-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Albert Barnes thực sự là ai – Nhà sưu tập ngông cuồng đã định hình thị hiếu nghệ thuật Hoa Kỳ ? ( Phần 2 )
( Chaim Soutine, The Pastry Chef (Baker Boy) (Le Pâtissier) (ca. 1919). The Barnes Foundation )
Thiên thần: Năm 1923, nhà buôn tranh người Paris Paul Guillaume giới thiệu Barnes với vẻ đẹp của nghệ thuật châu Phi và các họa sĩ hiện đại như Amedeo Modigliani và Chaim Soutine. Sau đó, Barnes ca ngợi Guillaume hết lời, gọi phòng tranh của ông là “Ngôi đền.” Ông còn mời Guillaume đi chuyến xuyên Đại Tây Dương đến thăm Quỹ Barnes, đồng thời đặt tên một phòng trưng bày để vinh danh ông.
Ác quỷ: Sau bảy năm hữu hảo và có lợi với Barnes, năm 1929, Guillaume lỡ cho phép một nhà báo ghi nhận công lao ông trong việc xây dựng bộ sưu tập của Quỹ. Barnes nổi giận và cắt đứt quan hệ, tố cáo Guillaume là “ngạo mạn với ân nhân, hài lòng với những chuẩn mực thành công đầy giả tạo, và ngu muội đến mức không biết rằng ngay cả những kẻ nịnh hót đang bám lấy anh cũng cười nhạo màn trình diễn lố bịch đó.” Tên Guillaume bị gỡ khỏi phòng trưng bày đã mang tên ông.
( Horace Pippin, Supper Time (ca. 1940). The Barnes Foundation )
Thiên thần: Năm 1924, trong buổi tiệc ra mắt nổi tiếng của thời kỳ Phục hưng Harlem, Barnes phát biểu rằng nghệ thuật châu Phi vĩ đại ngang với bất cứ thứ gì từ Hy Lạp hay Ai Cập cổ đại. Ông tiếp tục khẳng định các bài thánh ca của người Mỹ gốc Phi ngang tầm với những nhà thờ Gothic châu Âu.
Ác quỷ: Năm 1927, khi một nhà đầu tư định xây khu dân cư cạnh khuôn viên yên bình của Quỹ Barnes, ông đáp trả bằng cách dọa sẽ biến các phòng trưng bày thành trung tâm văn hóa da màu, tin rằng điều đó sẽ khiến hàng xóm da trắng hoảng sợ và ngăn chặn dự án xây dựng.
( Bertrand Russell with Patricia Spence and their newborn baby boy Conrad, in the grounds of their home in Harting, London, May 29th 1937)
Thiên thần: Năm 1940, khi triết gia vĩ đại người Anh Bertrand Russell mất vị trí giảng dạy ở New York do quan điểm phóng khoáng về tình yêu và tình dục, Barnes mời ông đến giảng dạy tại Quỹ của mình với mức lương hậu hĩnh. Kết quả là cuốn Lịch sử Triết học Phương Tây, tác phẩm triết học phổ biến nhất từng được xuất bản. (Nếu không tính Kinh thánh hay Sách Đỏ nhỏ của Mao Trạch Đông.)
Ác quỷ: Nhưng sau khi cảm thấy “Quý bà” Russell coi thường mình, Barnes trả đũa bằng mọi cách: trục xuất bà này vì đan len trong lớp học và sa thải luôn Bertrand Russell. (Russell kiện và thắng khoản bồi thường hậu hĩnh.)
( Albert C. Barnes and Laura Barnes on a Steamer, ca. 1930. Photograph by Bain News Service. Photograph Collection, Barnes Foundation Archives, Philadelphia )
Thiên thần: Từ những ngày đầu của ô tô, Barnes rất mê lái xe và liên tục đổi xe mới, nhanh hơn, tốt hơn. Ngay sau Thế chiến II, ông phát hiện điểm giao cắt nguy hiểm giữa con đường quê nhỏ và đại lộ gần đó, và đã vận động lãnh đạo địa phương lắp đặt biển dừng.
Ác quỷ: Nhưng Barnes từng gặp tai nạn ô tô từ thuở ban đầu. Ông thích kể lại chuyện chiếc Packard mui trần 12 xi-lanh màu xanh tuyệt đẹp của mình đã “ôm” cột điện thoại ra sao, khiến vợ ông bị thương khắp người. Ngày 24 tháng 7 năm 1951, Barnes lái xe trên con đường quê mà ông từng vận động gắn biển dừng. Ông phớt lờ nó. Một chiếc xe tải lớn chở 10 tấn giấy lao tới, nghiền nát ông, con chó và chiếc Packard tan tành.
“The Maverick’s Museum: Albert Barnes and His American Dream” của Blake Gopnik sẽ phát hành vào ngày 19 tháng 3 bởi Ecco, một nhánh của HarperCollins.
Nguồn : Who Really Was Albert Barnes, the Rogue Collector Whose Tastes Shaped U.S. Art?
Biên dịch : Bảo Long