VN | EN

Tin tức

Albert Barnes thực sự là ai – Nhà sưu tập ngông cuồng đã định hình thị hiếu nghệ thuật Hoa Kỳ ? ( Phần 1 )

( Pierre-Auguste Renoir, Henriot Family (La Famille Henriot) (ca. 1875). The Barnes Foundation )

“The Maverick’s Museum” là một tiểu sử mới về cuộc đời của Albert Barnes, nhà sưu tập tiên phong ở Philadelphia trong lĩnh vực Hội họa hiện đại, do nhà phê bình nghệ thuật New York Blake Gopnik chấp bút. (Trước đó, ông cũng viết tiểu sử đồ sộ về Andy Warhol vào năm 2020). Cuốn sách mới là một bức tranh đa chiều, đặt những điều tốt đẹp mà Barnes đã thực hiện—trên phương diện xã hội và thẩm mỹ tiến bộ—cạnh những mặt tối trong tính cách cộc cằn, khiến ông có vô số kẻ thù.

Artnet đã yêu cầu Gopnik vẽ chân dung thiên thần và ác quỷ cùng tồn tại trên hai vai của người đàn ông này.

( A scene from the Neck. Joseph Pennell, A Trucker’s Farm-Yard, in Scribner’s Monthly, July 1881 )

Thiên thần: Vào những năm 1880, tại Philadelphia, Albert Barnes đã thoát khỏi khu ổ chuột bạo lực tên “Neck” nơi ông lớn lên, bằng chính trí tuệ sắc bén để đỗ vào trường Trung học Trung ương danh giá của thành phố. Sau đó, ông học tiếp lên trường y tại Đại học Pennsylvania.

Ác quỷ: Barnes hấp thụ thói côn đồ ở Neck từ nhỏ—ông từng đập vỡ chai lên đầu một kẻ du côn trong khu phố—và mang theo điều đó suốt đời. Khi học đại học, ông từng thượng đài đấu boxing với một sinh viên khác và tưởng mình đã giết người khi đối thủ đập đầu xuống lề đường (thực chất người này chỉ bị choáng). Trong mọi cuộc đối đầu sau này, kể cả trong Hội họa, Barnes sẵn sàng dùng nắm đấm hơn là lập luận.

 

( Albert C. Barnes Seated at Desk, 1891. Unidentified photographer. Photograph Collection, Barnes Foundation Archives, Philadelphia )

Thiên thần: Khoảng năm 1900, khi mới ra nghề hóa học, Barnes phát minh ra thuốc kháng khuẩn bạc tên Argyrol, có lẽ đã cứu được thị lực cho hàng chục ngàn trẻ sơ sinh (chỉ một giọt nhỏ vào mỗi mắt có thể tiêu diệt vi khuẩn lậu trong quá trình sinh nở).

Ác quỷ: Để đảm bảo doanh số cho sản phẩm tuyệt vời của mình, ông đã hối lộ bác sĩ để họ quảng bá nó trên các tạp chí y khoa.

( Albert C. Barnes (left) and William James Glackens, ca. 1920. Unidentified photographer. Glackens Family Photographs, Barnes Foundation Archives, Philadelphia )

Thiên thần: Khi bắt đầu sưu tầm nghệ thuật hiện đại đầy thách thức vào năm 1912, Barnes không ngại để người bạn học cũ William Glackens—một họa sĩ thuộc trường phái Ashcan—giúp chọn và mua tranh. Ngay cả khi Glackens đã truyền cho Barnes niềm yêu thích với Cézanne và Renoir, ông vẫn tiếp tục mua và quảng bá các tác phẩm khiêm nhường hơn của người bạn thân.

Ác quỷ: Sau khi Barnes trở nên nổi tiếng như một nhà sưu tập và họa sĩ sành sỏi, ông cố tình che giấu vai trò khởi đầu của Glackens.

 

( A second “weird” landscape bought by Barnes. Vincent van Gogh, Houses and Figure (1890). Courtesy of Barnes Collection )

Thiên thần: Năm 1912, Barnes say mê bức phong cảnh của van Gogh (đã bị mất tích) mà ông mới mua: “Dù là thứ kỳ dị nhất tôi từng thấy, tôi thích nó. Treo ngược, nằm ngang, lộn đầu hay xoay kiểu nào thì nó cũng trông giống mặt trong của cái chảo đá mã não cũ.” Nghệ thuật như vậy đại diện cho sự phản kháng của ông với tầng lớp tinh hoa và hiện trạng văn hóa đương thời.

Ác quỷ: Đến năm 1915, Barnes viết một bài tiểu luận có tựa đề “Chủ nghĩa Lập thể: Cầu cho yên nghỉ.” Mặc dù có mua một số tác phẩm của Picasso, ông chưa bao giờ thực sự hiểu được những sáng tác mang tính phá vỡ cấu trúc cực đoan nhất của Picasso. Suốt bốn thập kỷ sau, ông hầu như không chạm tới những trường phái hiện đại cấp tiến hơn.

( Albert C. Barnes Walking with Violette de Mazia (left) and Laura Geiger in Brides-les-Bains, France, ca. 1930. Unidentified photographer. Photograph Collection, Barnes Foundation Archives, Philadelphia )

Thiên thần: Năm 1915, Barnes thuê một gia sư mà ông biết là người đồng tính, và giao cho người này vai trò quan trọng trong tổ chức. Khi người đó bị người tình đánh đến gần chết và được báo chí đưa tin khắp nơi, Tiến sĩ Barnes đã ở bên giường bệnh để chăm sóc.

Ác quỷ: Khi một tờ báo chê bai triển lãm bộ sưu tập của mình, Barnes cáo buộc các nhân viên của báo này là “những kẻ lệch lạc tình dục nổi tiếng trong thành phố.”

( The grand Barnes Foundation on its deluxe grounds, ca. 1927. Unidentified photographer. Photograph Collection, Barnes Foundation Archives, Philadelphia )

Thiên thần: Năm 1923, Barnes mô tả Quỹ mới thành lập của mình như “chẳng là gì ngoài một nơi để mọi người tự mình quan sát.” Ông trở thành một trong những người hâm mộ và lý thuyết gia lớn nhất của chủ nghĩa hình thức, tin rằng nếu gạt bỏ chủ đề tranh sang một bên, người xem không có kiến thức nền vẫn có thể nắm bắt được bố cục, màu sắc và chất liệu. Theo người sáng lập, tại Quỹ Barnes đầy tinh thần dân chủ, một công nhân bình thường có thể đạt được “phản ứng trung thực với những gì anh ta thấy.”

Ác quỷ: Nhưng ngay khi Quỹ mở cửa cho công chúng vào ngày 19 tháng 3 năm 1925—cách nay đúng 100 năm—Barnes bắt đầu hạn chế người xem chỉ còn những ai đồng ý học Hội họa theo cách ông định nghĩa. Nếu phản ứng của bạn khác quan điểm của ông, thì ông sẽ không xem đó là “trung thực.”
Nguồn : Who Really Was Albert Barnes, the Rogue Collector Whose Tastes Shaped U.S. Art?
Xem tiếp : Phần 2

Biên dịch : Bảo Long 
 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon