VN | EN

Tin tức

5 kiệt tác không thể bỏ qua của Gerhard Richter

Sinh năm 1932, Gerhard Richter là một nghệ sĩ thị giác người Đức có sức ảnh hưởng sâu rộng, với những tác phẩm vượt qua mọi ranh giới của phong cách và thể loại. Từ phong cảnh thiên nhiên đến chân dung con người, từ hiện thực mờ ảo đến trừu tượng mãnh liệt, Richter luôn hướng tới sự hoàn hảo — cả trong kỹ thuật lẫn trong cách chọn lựa và biến hóa chủ đề.

Trong từng chặng đường của sự nghiệp đồ sộ ấy, luôn có những bước ngoặt bất ngờ. Tuy nhiên, điểm chung xuyên suốt là sự tỉ mỉ đến ám ảnh trong từng chi tiết, phối cảnh và sắc độ. Dưới đây là 10 tác phẩm tiêu biểu được giới phê bình đánh giá cao, nhiều trong số đó đã trở thành điểm tựa cho cả một dòng tranh mới, phản ánh trọn vẹn bức chân dung nghệ thuật phong phú của Richter.


1. 1024 Colors, 1973

Ra đời năm 1973, 1024 Colors thể hiện mối quan hệ vui tươi và thách thức của Richter với màu sắc. Lấy cảm hứng từ những biểu đồ màu trong ngành tiếp thị và quảng cáo, ông tạo nên một hệ thống phân loại màu sắc độc đáo, đậm chất cá nhân. Richter đặc biệt say mê cấu trúc tưởng như ngẫu nhiên của các dải màu, và tin rằng khán giả nên cảm thấy được trao quyền để kiến tạo hình ảnh từ mạng lưới đó. Dù đã được tái tạo dưới nhiều biến thể, tác phẩm vẫn giữ nguyên sự chỉn chu trong bố cục và đường nét — như một biểu tượng cho khát vọng chạm đến sự tuyệt đối trong nghệ thuật của ông.

2. Kerze (Nến), 1983

Tác phẩm Nến là một ví dụ tiêu biểu cho khả năng kết hợp giữa biểu tượng và kỹ thuật đặc biệt của Richter. Bức tranh là hình ảnh một ngọn nến thắp sáng đơn độc, với các cạnh được làm mờ bằng công cụ phi truyền thống như tay và gạt nước. Sự mờ ảo này, theo Richter, chính là yếu tố then chốt để tôn vinh vẻ đẹp mong manh và tuyệt đối của ngọn lửa. Nến không chỉ nổi bật trong giới mỹ thuật mà còn vượt ra ngoài biên giới nghệ thuật truyền thống khi được chọn làm bìa album Daydream Nation (1988) của ban nhạc Sonic Youth. Tác phẩm này mở đường cho một loạt tranh nến nhiều ngọn, mỗi bức là một biến tấu về ánh sáng, không gian và sự tĩnh lặng.

 

3. Betty, 1988

Giữa vô vàn tác phẩm trừu tượng và phong cảnh, Betty nổi bật như một điểm lặng đầy ám ảnh trong sự nghiệp của Richter. Vẽ vào năm 1988, bức tranh là chân dung con gái ông — quay lưng lại với người xem, đầu nghiêng nhẹ, mái tóc vàng rực rỡ đối lập với chiếc áo khoác đỏ và nền xám lạnh lẽo. Đây là một trong số ít những bức tranh lấy con người làm trung tâm, nhưng lại hoàn toàn tránh né sự đối diện trực diện, như thể cái nhìn bị từ chối là nơi cảm xúc thực sự nảy sinh.

Sự mờ ảo đặc trưng — được tạo bằng kỹ thuật mô phỏng nhiếp ảnh — làm tăng tính thơ mộng và bí ẩn cho một bố cục tưởng chừng tĩnh tại. Năm 2017, chính trị gia Thomas de Maizière đã gợi lại bức tranh như một biểu tượng cho tâm thế của nước Đức: mãi ngoái đầu nhìn lại quá khứ. Dưới ánh nhìn này, Betty không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một ám dụ chính trị, một bản lặng về ký ức và sự phủ nhận.

4. Strip, 2011

Bắt đầu từ năm 2011, loạt tranh Strip của Richter là lời khẳng định cho sự kiên định của ông trong việc khám phá giới hạn của hình thức và công nghệ. Như một biến thể hiện đại của 1024 Colors, Strip là kết quả của quá trình số hóa, nơi các dải màu được tạo ra từ những thao tác máy tính rồi tái hiện bằng tay với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Để đạt được sự sắc sảo của từng dải màu, Richter sử dụng gạt mực để kéo các lớp sơn mỏng, tách màu một cách tinh vi. Khác với nhiều tác phẩm gạt sơn khác, Strip loại bỏ yếu tố kết cấu, như một thí nghiệm thị giác thuần túy — không phải để cảm nhận bằng xúc giác, mà bằng ánh nhìn chiêm nghiệm. Ở đây, sự hoàn hảo không đến từ hỗn loạn, mà từ một trật tự được thiết kế đến tận cùng.

5. Cage, 2006

Loạt tranh Cage, sáng tác năm 2006, là một chương khác trong hành trình trừu tượng của Richter — nơi cảm xúc và ngẫu hứng va chạm trong từng lớp sơn dày dặn. Với bảng màu chủ đạo gồm xanh lục, lam, vàng và đỏ, loạt tranh này là sự đối lập rõ ràng với Strip về mặt vật chất và tâm trạng. Nếu Strip là sự lạnh lùng, tuyến tính, thì Cage là hỗn loạn, trực giác và mang tính cơ thể.

Được đặt theo tên nhà soạn nhạc John Cage — người theo đuổi sự tình cờ trong âm nhạc — loạt tranh này cũng thể hiện tinh thần “không can thiệp” và chấp nhận ngẫu nhiên của Richter. Tuy nhiên, sự thiếu vắng vết cọ truyền thống cho thấy quá trình sáng tạo ở đây không hề ngẫu nhiên mà được điều tiết kỹ lưỡng, bằng phương pháp riêng đã thành dấu ấn.

 

Nguồn: Invaluable

Biên dịch: Trang Lê

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon