-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tranh sen của Họa sĩ Trịnh Lữ
Sau 30 năm xa nhà, ở tuổi ngoài 70, họa sĩ Trịnh Lữ lần đầu tìm đến sen như đối tượng hội họa đặc biệt. Những chia sẻ của chính họa sĩ Trịnh Lữ về tranh sen giúp ta tiếp cận gần hơn với hoàn cảnh và tinh thần của những bức tranh mà họa sĩ sáng tác: “Hoa sen đến với tôi từ thủa nhỏ, khi được quanh quẩn lúc mẹ tôi vẽ những bó sen nằm trên lá. Rồi đến những mùa sen chen bão lụt, khi bố tôi ở “Lều vịt Hồ Tây”, nhiều lần ra vào phải chống thuyền thúng len qua sen, thấy những bông sống sót nở thầm lặng giữa cảnh tơi bời đổ gẫy của đầm sen quanh đó. Bố có vẽ mấy bông sen sống sót ấy, như một thoáng hiện hữu hiếm hoi … Tôi đã không nỡ lấy sen làm mẫu, làm cái cớ, để vẽ những riêng tư phần lớn là những khao khát hoặc thắc mắc của mình. Tôi vẽ sen chỉ để ghi lại tình yêu sen đã có từ thủa bé nhờ những bức tranh của mẹ, của cha. Và để tự nhủ rằng cuộc đời luôn đẹp đẽ an lạc nếu mình nhìn ra chúng.” - Trịnh Lữ.
Tác phẩm "Đứa nở đứa không"- Họa sỹ Trịnh Lữ
Trịnh Lữ quả thật không phải là cái tên xa lạ gì với cả giới hội họa và văn học, một phần là vì người có cả hai cái tài như ông cũng không nhiều, phần thứ hai là bởi trong lĩnh vực nào ông cũng đạt đến một mức độ thành quả mà những người trong giới ấy không thể phủ nhận.
Chúng tôi xin được điểm qua Trịnh Lữ trong lĩnh vực hội họa: ông học hội hoạ và thiết kế từ nhỏ với bố là Hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc (Khoá 9 Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) và mẹ là Hoạ sĩ Nguyễn Thị Khang. Sau này ông tu nghiệp thêm về hội hoạ và tâm lý học thị giác ở Đại học Cornell (1992-1994); hội hoạ, lịch sử và phê bình mỹ thuật tại đại học Wisconsin ở Milwaukee (2014-2018) tại Hoa Kỳ.
Tác phẩm "Sen"- Họa sỹ Trịnh Lữ
Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông được tổ chức năm 1993 tại Upstair Gallery ở Ithaca và tờ nhật báo Ithaca Journal bầu chọn Trịnh Lữ là “Nghệ sĩ của năm”. Triển lãm cá nhân thứ hai cũng tại Ithaca, do Artifax Gallery tổ chức năm 1994. Các ấn phẩm thiết kế của ông đã từng dùng tại Citibank và Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc tại New York. Năm 2015, ông trưng bày 67 bức tranh tại phố cổ Hàng Đồng. Đại sứ Mỹ Ted Osius đã đến đọc diễn từ khai mạc cuộc trưng bày này, coi đây là một hoạt động văn hoá tự phát đặc biệt có ý nghĩa đánh dấu 20 năm ngày nối lại bang giao Việt-Mỹ.
Tác phẩm "Sen hồng sắp đi"- Họa sỹ Trịnh Lữ
Trích lược quá trình hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Trịnh Lữ
Từ 1955 – 1965: Ông học vẽ lớp học vẽ của bố mẹ, học trực họa và thiết kế qua việc phụ giúp sáng tác và dạy học của bố mẹ.
Từ năm 1965 – 1971: Ông đi vẽ phong cảnh và chân dung ở nhiều nơi sơ tán và thực tập, vẽ phông sân khấu, vẽ tranh cổ động, kẻ khẩu hiệu phục vụ chiến cuộc…
1972 – 1986: Ông làm biên tập và phát thanh viên chương trình tiếng Anh Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong thời gian đó ông tự học thêm nhiều về lịch sử, lý thuyết và triết học mỹ thuật từ các nguồn ngoại văn. Ông làm công việc lược dịch các bài viết chọn lọc về nghệ thuật trên các tuần báo và tạp chí phương Tây. Ông thử nghiệm nhiều phong cách hội họa khác nhau, tham gia vài triển lãm của họa sĩ trẻ thủ đô do Hội Mỹ thuật tổ chức…
Tác phẩm "Sen trắng sắp về"- Họa sỹ Trịnh Lữ
1987 – 2012: Ông làm nhiều nghề sinh sống ở New York, Hoa Kỳ. Trong đó có nghề vẽ chân dung. Có hai triển lãm tranh phong cảnh bốn mùa Ithaca trong thời gian theo học thạc sĩ truyền thông tại Đại học Cornell. Ông học thêm về hội họa và tâm lý học thị giác, nhân học hình ảnh… tham gia các hoạt động sáng tác cùng nhóm họa sĩ Ithaca.
2013 – 2019: Ông tham gia sinh hoạt cùng giới họa sĩ địa phương ở tiểu bang của Hoa Kỳ. Ông vẽ rất nhiều phong cảnh trực họa và chọn ra 67 bức trưng bày tại một gia đình yêu tranh ở phố cổ Hàng Đồng.
2020: Ông về lại Hà Nội. Sống độc lập bằng vẽ, dịch, viết, đọc (phát thanh truyền hình) và tư vấn truyền thông phát triển. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách dịch, viết về nghệ thuật đã xuất bản tại Việt Nam.