-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tại sao Vincent van Gogh lại tự cắt tai mình?
Mặc dù chúng ta không bao giờ thực sự biết lý do tại sao Vincent van Gogh lại cắt tai của mình nhưng nhiều giả thuyết khác nhau đã được các nhà tâm lý học và học giả đưa ra trong nhiều năm nghiên cứu.
Đó là một trong những khoảnh khắc rúng động nhất trong lịch sử nghệ thuật; khi họa sĩ theo trường phái Hậu ấn tượng Vincent van Gogh cắt một phần và gần như toàn bộ tai của mình bằng một lưỡi dao cạo trong khoảnh khắc điên cuồng. Hành động tự hủy hoại này về nhiều mặt là một lời kêu cứu, vào thời điểm ông đang phải vật lộn với những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần, và về mặt lịch sử, đây cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên di sản của Van Gogh với tư cách là một hoạ sĩ thống khổ vĩ đại. Đã có nhiều luận điểm xem xét những hoàn cảnh dẫn đến hành động tự bạo lực bản thân và hậu quả bi thảm xảy ra sau đó.
Cuộc tranh cãi với Gauguin
Phòng ngủ, Vincent van Gogh, 1888.
Nguồn: Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam
Vincent van Gogh ở nơi từng gọi là Ngôi nhà Vàng tại số 2 đường Lamartine ở Arles, Pháp, khi vụ việc xảy ra vào ngày 23 tháng 12 năm 1888. Thời điểm đó, ông và người bạn thân của mình, họa sĩ Paul Gauguin sống và làm việc rất gần nhau, mọi chuyện giữa cặp đôi thường trở nên căng thẳng sau những buổi tối uống rượu. Một số người tin rằng chính sau cuộc tranh cãi đặc biệt tồi tệ với Gauguin đã khiến Van Gogh cắt bỏ một phần tai của mình bằng lưỡi dao cạo. Có nguồn tin cho rằng sự thất vọng ngày càng tăng khi tình trạng mối quan hệ của hai người không thể duy trì sự hòa hợp đã đẩy ông đến bờ vực thẳm. Thậm chí còn có giả thuyết rằng Van Gogh bị Gauguin thu hút về mặt tính dục, nhưng việc thiếu sự hấp dẫn lẫn nhau khiến ông phải kìm nén cảm xúc của mình, tuy nhiên có rất ít bằng chứng ủng hộ cho vấn đề này.
Sau sự việc cắt tai, Van Gogh gói lại và đưa cho người giúp việc ở một nhà chứa gần đó, dặn người phụ nữ “hãy giữ gìn vật này cẩn thận”. Vài giờ sau, người ta phát hiện ông bất tỉnh và được đưa đến bệnh viện. Dù mảnh tai được phục hồi nhưng đã quá muộn để khâu lại.
Tiếng cầu cứu
Chân dung tự họa với chiếc tai bị băng bó, Vincent van Gogh, 1889.
Nguồn: The Courtauld, London
Một lý do khác có thể khiến trạng thái tinh thần sa sút của van Gogh là việc người em trai Theo đính hôn. Theo nói với Van Gogh rằng ông sẽ đón Giáng sinh cùng gia đình vợ sắp cưới chứ không phải với Vincent. Dựa vào sự hỗ trợ cả về mặt tinh thần và tài chính của em trai, Van Gogh có thể đã cảm thấy đôi chút cảm giác bị bỏ rơi và lạc lõng về vị trí của mình trong cuộc sống của Theo. Trong một bài nghiên cứu xuất bản năm 1981 của nhà tâm lý học W.M. Runyan gọi đó là “mất đi sự chăm sóc của một người thân”. Chỉ ra rằng Vincent có thể đã cố tình làm tổn thương bản thân để kêu cứu.
Runyan cũng lập luận rằng Van Gogh có thể đang cố gắng thu hút sự chú ý từ gia đình Roulins ở địa phương, nơi môi trường gần gũi và yêu thương của họ có thể đã kích động lòng ghen tị ở Van Gogh. Người ta kể rằng bà Roulins là một trong những người đầu tiên đến thăm Van Gogh vào đêm ông bị thương.
Một tuyên bố thơ ca
Chân dung tự họa với chiếc tai bị băng bó, Van Gogh, 1889.
Vài học giả nghiên cứu về cuộc đời của Van Gogh ghi nhận sự việc cắt tai có liên quan đến các chuyên đề mà danh hoạ luôn khám phá trong cuộc sống và nghệ thuật của mình. Ông từng hoàn thành một bức tranh miêu tả nhân vật Simon Peter trong Kinh thánh, người đã cắt tai người hầu làm việc cho thầy tế lễ thượng phẩm Do Thái, đến để bắt Chúa Giêsu Kitô. Van Gogh cũng bắt đầu tham dự các trận đấu bò - có nghi lễ đặc biệt thu hút sự chú ý của ông là việc trao tai bò cho đấu sĩ chiến thắng, thứ mà họ đưa cho một người phụ nữ được chọn trong đám đông để trao giải thưởng. Điều này có thể so sánh với việc Van Gogh trao mảnh tai của mình cho một phụ nữ trẻ.
Sức khỏe tinh thần suy giảm nghiêm trọng
Đêm đầy sao, Vincent van Gogh, 1889, một trong những bức tranh cuối cùng và tuyệt vời nhất của Van Gogh.
Nguồn: MoMA
Các giả thuyết trên đều chưa được chứng minh, nhưng chúng ta biết rằng khoảnh khắc Van Gogh tự hành hạ mình đã đánh dấu một vòng xoáy đi xuống về sức khỏe tâm thần của ông. Ông đã vẽ mình trong hai bức chân dung tự họa đều vào năm 1889 - Chân dung tự họa với một chiếc tai bị băng bó và Chân dung tự họa với cái tai băng bó và chiếc tẩu - cho thấy một người đàn ông bị thương và suy sụp. Danh hoạ sống những năm cuối đời ở nhiều trại tị nạn khác nhau, ở đó dù được chăm sóc nhưng ông vẫn tự kết liễu đời mình vào năm 1890. Nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác nhau có liên quan đến Van Gogh trong nhiều năm, từ rối loạn tâm thần lưỡng cực, rối loạn tâm thần phân liệt, thậm chí chứng nghiện rượu nghiêm trọng và việc cai nghiện, dù không có kết luận nào được chứng minh.
Điều mà chúng ta biết một cách bi thảm là Van Gogh coi những rối loạn tâm trạng là trở ngại lớn với đời sống sáng tạo của mình, ông đã viết trong nhật ký trong những tháng cuối đời rằng: “Giá như tôi có thể làm việc mà không mắc phải căn bệnh đáng nguyền rủa này – điều gì sẽ xảy ra?” Có lẽ tôi đã làm được khá nhiều điều.”
Biên dịch: Vũ