-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tại sao bức tranh Tiền-Raphaelite này gây sốc nước Anh thời Victoria
( William Holman Hunt, detail of The Awakening of Conscience (1853)
Trong một phòng khách sang trọng thời Victoria, một người phụ nữ trong chiếc váy viền ren đang nửa ngồi dậy khỏi lòng một người đàn ông đang ngả lưng, ánh mắt cô hướng về một thứ gì đó mà cả người đàn ông lẫn người xem đều không nhìn thấy được. Một chiếc gương khung mạ vàng phía sau hai nhân vật hé lộ điều mà cô đang nhìn chăm chú: ánh sáng mặt trời xuyên qua lớp lá cây xanh mát.
Bức tranh The Awakening Conscience (Sự Thức Tỉnh Lương Tâm) ghi lại khoảnh khắc mê hoặc giữa sự chuyển động và tĩnh lặng đầy đắm chìm, được sáng tác bởi họa sĩ người Anh William Holman Hunt vào năm 1853. Hunt là thành viên của nhóm Anh em Tiền-Raphaelite (Pre-Raphaelite Brotherhood), cùng với những tên tuổi như John Everett Millais và Dante Gabriel Rossetti. Được truyền cảm hứng từ nghệ thuật Ý thế kỷ XV (chống lại phong cách của Raphael và ảnh hưởng của ông đối với tiến trình phát triển của hội họa, vì thế gọi là Tiền-Raphaelite), nhóm họa sĩ này còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các chủ đề Kitô giáo, truyền thống hội họa lịch sử và chủ nghĩa mô phỏng, với các tác phẩm thường tràn ngập biểu tượng và ẩn dụ.
( William Holman Hunt 1848 )
Việc sáng tác The Awakening Conscience thể hiện một dạng câu chuyện đạo đức bằng hình ảnh – một thể loại kể chuyện thời Trung cổ – rất phù hợp với triết lý nghệ thuật của nhóm Tiền-Raphaelite.
Người tình và nhân tình
( William Holman Hunt, The Awakening of Conscience (1853)
Hunt, giống như các đồng nghiệp của mình, ưa chuộng bảng màu rực rỡ, mức độ chi tiết cao và hệ thống biểu tượng phức tạp – đặc điểm chịu ảnh hưởng lớn từ các tác phẩm của John Ruskin, một nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng, người cổ vũ cho thứ nghệ thuật phản ánh sự “trung thực với thiên nhiên” và các giá trị Kitô giáo. Tất cả những ảnh hưởng này được kết tinh trong The Awakening Conscience.
Dù được trang trí lộng lẫy, căn phòng trong bức tranh – theo tiêu chuẩn thời Victoria – lại bị cho là lòe loẹt, gần như phản cảm, với những hoa văn chỏi nhau, các chi tiết mạ vàng thái quá và nội thất gỗ chạm khắc rối rắm. Dù ban đầu người xem có thể nhầm đôi nam nữ là vợ chồng, nhưng các chi tiết biểu tượng đã hé lộ họ thực chất là nhân tình và người tình.
Căn phòng xa hoa này gợi nhớ đến kiểu nhà “maison de convenance” – nơi các quý ông thời Victoria thuê để sống cùng người tình. Bàn tay của người phụ nữ, đặt chính giữa bố cục bức tranh, đeo nhẫn ở tất cả các ngón – ngoại trừ ngón áp út bên trái, rõ ràng không có nhẫn cưới. Trái lại, chiếc găng tay bên phải của người đàn ông bị vứt lỏng lẻo trên sàn nhà (có lẽ ám chỉ điều sẽ xảy ra với người phụ nữ trong tương lai?), còn bàn tay trái – nơi đeo nhẫn cưới – vẫn còn đeo găng.
Dưới góc trái phía dưới, có một bản nhạc phổ lời bài thơ năm 1847 “Tears, Idle Tears” của Lord Tennyson, viết về quá khứ và tình yêu đã mất; còn trên đàn piano là bản nhạc “Oft in the Stilly Night” của Thomas Moore, cũng bàn đến ký ức và những ngày xưa hạnh phúc.
( William Holman Hunt, detail of The Awakening of Conscience (1853)
Bố cục và hình thức
Ngay cả hình dáng tổng thể của bức tranh cũng mang tính biểu tượng – giống như chiếc chuông thủy tinh bao lấy đồng hồ vàng trên cây đàn piano – tượng trưng cho cuộc sống của người phụ nữ bị “giam hãm trong lồng kính”: đầy đủ tiện nghi, nhưng tách biệt khỏi sự khai sáng tinh thần.
Một tấm thảm sắp bung ra bên phải phản ánh tình trạng mọi thứ đang rơi rụng. Dưới bàn, một con mèo đang dừng tay hành hạ một chú chim nhỏ, dường như cũng cảm nhận được sự chuyển biến sâu sắc vừa diễn ra với người phụ nữ – chủ nhân của nó.
Người đàn ông thì hoàn toàn không để ý. Tay trái anh ta vẫn lơ lửng trên phím đàn như chuẩn bị chơi tiếp, tay phải đưa ra định kéo người phụ nữ lại gần, ánh mắt chăm chăm vào thân thể cô. Còn người phụ nữ, ánh nhìn của cô lại bị cuốn hút bởi một điều gì đó nằm ngoài giới hạn của căn phòng, của chính bản thân cô, thậm chí cả bức tranh – Hunt muốn bắt trọn khoảnh khắc thức tỉnh nội tâm, khi cô nhận ra vị trí thực sự của mình trong cuộc đời và lựa chọn một con đường mới để bước tiếp.
( William Holman Hunt, The Light of the World (1854). Collection of St. Paul’s Cathedral, London )
Gương mặt thay đổi
Thú vị thay, biểu cảm của người phụ nữ hiện tại không giống với khi bức tranh được ra mắt công chúng. The Awakening Conscience được đặt hàng bởi một nhà công nghiệp và sưu tập nghệ thuật người Anh, Sir Thomas Fairbairn, và được trưng bày lần đầu năm 1854 tại Học viện Hoàng gia London, cùng với một tác phẩm khác của Hunt trong cùng năm – The Light of the World – mà ông xem như một phần bổ sung tương phản.
Khi ấy, biểu cảm của người phụ nữ được mô tả là đau đớn và kinh hoàng đến mức làm nhiều nhà phê bình nghệ thuật cảm thấy bị đẩy lùi. Một số người suy đoán rằng, trong cách trưng bày cùng với The Light of the World, bức tranh có thể mô tả giây phút nhìn thấy một thị kiến thiêng liêng – hình ảnh Chúa Jesus mang theo đèn lồng, gõ lên cánh cửa không có tay nắm và bị dây leo che phủ – tượng trưng cho một tâm trí cố chấp không chịu mở ra.
Biểu cảm ấy sau đó trở nên quá sức chịu đựng đối với chính Fairbairn, người yêu cầu Hunt chỉnh sửa lại vì không thể đối mặt với ánh mắt đó mỗi ngày trong chính ngôi nhà của mình. Hunt đồng ý và làm dịu nét mặt người phụ nữ đi rất nhiều – đó là phiên bản còn lại đến ngày nay.
( William Holman Hunt, detail of The Awakening of Conscience (1853)
Bức tranh truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm của các họa sĩ đương thời như Augustus Egg – đặc biệt là bức Past and Present (1858) – và được nhắc đến gần một thế kỷ sau trong tiểu thuyết Brideshead Revisited (1945) của Evelyn Waugh, như một ẩn dụ về những mối quan hệ đang rạn nứt. Dù các biểu tượng và chủ đề của bức tranh ngày nay có thể đã lỗi thời, The Awakening Conscience vẫn thu hút sự chú ý của công chúng, với các bài đăng trên TikTok và Instagram thu hút hàng chục đến hàng trăm nghìn lượt xem.
Giữa lớp lớp chi tiết và hệ thống biểu tượng dày đặc, The Awakening Conscience vẫn là một câu đố thị giác đầy mê hoặc – không chỉ phản ánh thời đại mà nó được tạo ra, mà còn khơi dậy những câu hỏi về thân phận con người, vốn luôn trường tồn cùng thời gian và không gian trong lịch sử hội họa.
Nguồn : Why This Pre-Raphaelite Painting Shocked Victorian Britain
Biên dịch : Bảo Long