-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tác phẩm kiệt xuất thời Baroque của Bernini có phải là tác phẩm nghệ thuật tôn giáo gây tranh cãi nhất mọi thời đại ? ( Phần 2 )
Bernini tạo nên một “sân khấu” cho thần thánh
( Gian Lorenzo Bernini, The Ecstasy of Saint Teresa (1645–1652). Cornaro Chapel at the Santa Maria della Vittoria in Rome )
Gian Lorenzo Bernini là một tín đồ Công giáo sùng đạo, đồng thời cũng là một người nghệ sĩ sân khấu. Trong đời mình, ông không chỉ viết kịch mà còn thiết kế sân khấu. Trong bối cảnh phong trào Phản Cải Cách (Counter-Reformation), khát khao của ông nhằm khẳng định tính chính danh của Giáo hội Công giáo đã dẫn đến việc tạo ra một trải nghiệm thị giác kịch tính cho người xem.
Dù phần lớn hình ảnh của Sự Xuất Thần của Thánh Teresa tập trung vào thị kiến xúc động, thậm chí mang tính dục, của Thánh Teresa, toàn bộ tác phẩm điêu khắc bao gồm cả phần kiến trúc được thiết kế bởi Bernini – một họa sĩ kiến trúc tài ba. Ông đặt bức tượng trong một hốc thờ được gọi là “aedicule”, bao quanh bởi các cột đá cẩm thạch. Hốc thờ này uốn lượn vào không gian nhà nguyện, phá vỡ các đường thẳng liên tục của bức tường, tạo nên một điểm nhấn thị giác đầy kịch tính. Các cột đồng phía sau mô tả ánh sáng thiêng, tạo thành hình tam giác vàng (biểu tượng của Chúa Ba Ngôi), một lần nữa hướng mắt người xem về cảnh tượng bên dưới. Bernini còn tận dụng ánh sáng tự nhiên: phía sau các cột là cửa sổ ẩn chiếu sáng tác phẩm giữa không gian nhà thờ tăm tối. Theo đường đi của ánh sáng lên trên, người xem không thấy cửa sổ mà là bức tranh chim bồ câu – biểu tượng của Chúa Thánh Thần – được vẽ bởi học trò của Bernini.
( Detail of Gian Lorenzo Bernini’s The Ecstasy of Saint Teresa (1645–1652). Cornaro Chapel at the Santa Maria della Vittoria in Rome )
Vở kịch còn tiếp diễn hai bên tác phẩm điêu khắc. Trên mỗi vách tường, Bernini thêm các bức phù điêu tạo ảo giác như những ô ban công sân khấu, nơi các thành viên gia đình Cornaro xuất hiện, dường như đang chứng kiến thị kiến, trò chuyện sôi nổi, thậm chí có người tựa vào lan can. Hiệu ứng này tạo ra điều mà nhà sử học nghệ thuật Rudolf Wittkower gọi là “nhiều cấp độ thực tại”, nơi người xem đồng hiện hữu với gia đình Cornaro, trong khi cảnh tượng của Teresa và thiên thần tồn tại ở một chiều không gian khác.
Những “cô dâu của Chúa”: Các nữ thánh như hiện thân của trải nghiệm thiêng liêng – dục tính
( Detail of Gian Lorenzo Bernini’s Ecstasy of Saint Teresa )
“Sô diễn kích thích nhất trong lịch sử nghệ thuật” – nhà sử học nghệ thuật nổi tiếng Simon Schama từng mô tả như vậy về Sự Xuất Thần của Thánh Teresa, gọi đó là “một màn trình diễn lơ lửng giữa bí ẩn thiêng liêng và sự khiếm nhã.” Ông còn nói “nhiều học giả đã cố tình tránh đề cập đến điều hiển nhiên” – rằng Bernini đã thể hiện Thánh Teresa trong khoảnh khắc đạt cực khoái đầy tính dục – một sự đầu hàng vừa thể xác vừa tâm linh.
Một số nhà sử học nghệ thuật phản đối cách lý giải này, cho rằng Bernini sẽ không bao giờ mạo hiểm tạo scandal vào thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp và trong bối cảnh Phản Cải Cách. Tuy nhiên, nhiều người khác lại tin rằng chính điều đó đã xảy ra. Nhà phân tâm học Dany Nobus lý giải đây là “một hình ảnh báng bổ trắng trợn về thị kiến của Thánh Teresa” và là “một ví dụ điển hình cho sự phô trương thái quá của nghệ thuật Baroque” (thực tế, danh tiếng của Bernini từng gây tranh cãi ở thế giới nói tiếng Anh cho đến giữa thế kỷ 20). Vào năm 1670, một nhà phê bình giấu tên còn viết truyền đơn lên án bức tượng vì “lôi kéo trinh nữ thuần khiết không chỉ đến tầng trời thứ ba mà còn xuống tận bùn lầy, để làm nên một nàng Venus không chỉ nằm rạp mà còn bị bán rẻ.”
Tuy nhiên, thực tế là việc dung hợp giữa khoái cảm thể xác và tinh thần không phải điều cấm kỵ vào thế kỷ 17. Hình ảnh của Bernini lấy cảm hứng từ truyền thống thần học lâu đời gọi là “thần bí cô dâu” (bridal mysticism) – một hệ thống tín ngưỡng ví các nữ thánh và phụ nữ thiêng liêng như “cô dâu của Chúa Kitô”. Những phụ nữ này, như Teresa de Àvila, thường là những cây bút sắc sảo (bà là một trong bốn phụ nữ duy nhất được phong danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh) và truyền thống này có từ thế kỷ 13. Văn bản của họ hòa quyện giữa tình yêu lãng mạn, dục cảm, tâm linh và thần học. Mechthild xứ Magdeburg – một nữ thần bí thế kỷ 13 ở vùng đất nay là nước Đức – từng viết những bài thơ ví sự hợp nhất với Chúa như quan hệ tình dục giữa nam và nữ.
( Gian Lorenzo Bernini, Blessed Ludovica Albertoni (1671–1674) in situ at the Altieri Chapel in the Church of San Francesco a Ripa, Rome )
Những văn bản này thường kết hợp tính dục và bạo lực hoặc đau đớn trong các thị kiến tôn giáo. Truyền thống ấy không chỉ tồn tại sau thời Thánh Teresa mà còn không giới hạn cho phụ nữ (nhà thơ John Donne cũng từng khám phá những chủ đề tương tự). Thời Baroque đặc biệt thích hợp với hình ảnh điêu khắc thể hiện sự đau đớn – khoái cảm đan xen, mà họa sĩ Bernini là người đi đầu. Thánh Teresa, với đôi tay quặn thắt, bàn chân co giật, trong tư thế ngồi, là hiện thân sống động của những motif điêu khắc và văn học ấy.
Sự kết hợp giữa đau đớn và khoái cảm liên hệ mật thiết với niềm tin thần học về việc dâng hiến bản thân cho Chúa. Thuyết “thần bí cô dâu” coi sự kết hợp với Chúa tương ứng với bốn giai đoạn của đời sống trần gian: đính hôn, hôn nhân, giao hợp và sinh nở. Giai đoạn cuối – cái chết của bản ngã và tái sinh trong Chúa – rất thích hợp với bối cảnh của một nhà nguyện an táng như Cornaro. Bernini sau này còn tái hiện hình ảnh ấy trong bức tượng Chân phước Ludovica Albertoni – một đài tưởng niệm tại nhà thờ San Francesco a Ripa ở Rome.
Một lời biện hộ táo bạo cho vai trò của nghệ thuật trong tôn giáo
( Gian Lorenzo Bernini, The Ecstasy of Saint Teresa (1645–1652). Cornaro Chapel at the Santa Maria della Vittoria in Rome )
Năm 1545, Giáo hội Công giáo thành lập Công đồng Trent nhằm hệ thống hóa giáo lý Công giáo và củng cố vị thế trước làn sóng Cải Cách Tin Lành. Một phần của nỗ lực Phản Cải Cách là phản bác cáo buộc thờ ngẫu tượng thông qua hội họa tượng hình. Học giả Anthony Blunt từng lý giải rằng, điều cần thiết là “chứng minh rằng hình ảnh thiêng liêng không chỉ không phải là ngẫu tượng mà còn là khởi nguồn cho lòng sùng đạo và con đường cứu rỗi.”
Hồng y Federico Cornaro – người đặt hàng Sự Xuất Thần của Thánh Teresa – xuất thân từ một dòng họ lãnh đạo tôn giáo lâu đời, đồng thời đóng vai trò tích cực trong nỗ lực Phản Cải Cách. Ông rõ ràng hiểu rằng một tác phẩm nghệ thuật hiệu quả là cực kỳ quan trọng. Và Thánh Teresa – như ông hiểu rõ – cũng là một chủ đề đầy nhạy cảm. Dù dòng Camêlô cải cách của bà được nhiều người ủng hộ, các nữ thần bí từ lâu vẫn bị Giáo hội nhìn bằng ánh mắt nghi ngờ. Bản thân Teresa từng bị Tòa án Dị giáo triệu tập vào năm 1576 để thẩm vấn vì nghi ngờ tà giáo. Học giả Steven Ozment từng nhận định rằng “chủ nghĩa thần bí vốn vượt ngoài lý trí và thể chế. Và chính vì thế, nó tiềm ẩn khả năng phản biện, cải cách, thậm chí cách mạng.”
Vậy làm sao để xử lý một đề tài gai góc như vậy mà vẫn củng cố vai trò của Giáo hội? Trong tiểu luận Boxing Teresa: Phản Cải Cách và Nhà nguyện Cornaro của Bernini (1997), Michael J. Call lập luận rằng Bernini đã thực hiện điều này bằng cách kiểm soát chặt chẽ trải nghiệm thị giác của người xem. Trong đó, ông cho rằng các nhân vật nhà Cornaro không xuất hiện trong các ô sân khấu như lâu nay vẫn nghĩ, mà là trong nội thất Vatican. Dựa trên các chi tiết kiến trúc trong phù điêu, ông chỉ ra rằng: “Những mái vòm hình hầm có ô, cột với đầu cột hỗn hợp, và các hốc bên – đều là đặc trưng của hai công trình khác của Bernini: Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và cầu thang lớn của Điện Vatican.” Việc đặt gia đình Cornaro vào không gian liên kết với Vatican là cách Bernini gắn kết họ với trung tâm quyền lực của Giáo hội Rome; họ trở thành hiện thân của quyền lực giáo hoàng và là biểu tượng của Tòa án Dị giáo. Dù vậy, Call vẫn nghi ngờ rằng Bernini có thể kiểm soát hoàn toàn cách người xem lý giải câu chuyện của Teresa, và kết luận: “Câu chuyện của Teresa hoàn toàn có thể – và thực tế đã – vượt ra khỏi cách hiểu chính thống, bất chấp mọi nỗ lực của Bernini.”
Nguồn : Is Bernini’s Baroque Masterpiece the Most Controversial Religious Artwork of All Time?
Biên dịch : Bảo Long