-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Sơn Mài và Hoa: Vũ Khúc Của Vẻ Đẹp Tĩnh Lặng
Bị cuốn hút bởi sự tinh tế của nghệ thuật sơn mài, nghệ sĩ thế hệ thứ ba Vương Xuân Vĩ – người đại diện cho trường phái mỹ học phương Đông – đã kiến tạo nên những tác phẩm mang vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa đương đại. Trong tay ông, từng mảng màu trở thành hơi thở, từng chi tiết biến thành ánh sáng, làm sống dậy một hình thái decor độc đáo cho không gian nghệ thuật và trang trí nội thất.
Với sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và cảm quan hiện đại, Vương Xuân Vĩ đã hé lộ chiều sâu của nghệ thuật sơn mài – một hình thái hội họa đòi hỏi sự kiên trì, chính xác và tinh tế trong từng lớp sơn, từng đường nét. Ông dẫn dắt người xem từ ấn tượng đầu tiên của sắc màu rực rỡ và bề mặt sáng bóng, đến cảm giác tĩnh tại trong từng hình ảnh trau chuốt, nơi vẻ đẹp không nằm ở sự phô trương mà ở sự chiêm nghiệm.
Hành trình của ông trong thế giới nghệ thuật được định hình từ nền tảng học thuật phong phú: phác thảo, hội họa sơn dầu và nghệ thuật thị giác phương Tây. Khi trở về với chất liệu truyền thống, ông không đơn thuần phục dựng, mà làm mới sơn mài bằng cách đưa nó trở thành điểm nhấn trang trí cho không gian hiện đại – nơi mỗi bức tranh là một vật thể decor mang linh hồn phương Đông.
Nguồn cảm hứng sâu xa của ông khởi nguồn từ ông nội – nghệ nhân Vương Thanh Sương, một bậc thầy sơn mài từng tu nghiệp tại Nhật Bản. Ở ông hội tụ tinh thần thủ công Nhật: kỷ luật khắt khe và khát vọng hoàn mỹ. “Ông tôi tiếp cận mỗi tác phẩm với sự tỉ mỉ tối đa,” Vương kể lại. “Chính sự kiên trì ấy là điều quý giá nhất mà tôi học được từ ông.”
Minh chứng rõ ràng cho tinh thần đó là tác phẩm Beauty Under the Moon – kết tinh từ hai thập kỷ quan sát hoa xương rồng nở về đêm. Hàng trăm bản phác thảo đã được thực hiện trước khi bức tranh cuối cùng ra đời, tỏa sáng trên nền sơn mài bóng như gương – một tác phẩm trang trí vừa tinh tế vừa đầy chất thơ. Tinh thần ấy cũng hiện rõ trong bộ đôi tranh đầu tay của Vương Xuân Vĩ – Royal Poinciana and Morning Glory – mất bốn năm hoàn thành, mỗi nét cọ là một lời nguyện thầm lặng cho sự hoàn hảo.
Trong những cuộc dạo chơi thị giác, Vương thường tìm cảm hứng từ hoa. Ở chiếc bình Whispers of Lotus, ông phác họa hình ảnh sen đung đưa trên mặt nước trong veo – biểu tượng của sự thanh cao và thuần khiết. Không gian hiện lên thanh tịnh, như thể một góc nhỏ thiền đường – nơi tác phẩm có thể trở thành điểm nhấn decor giúp cân bằng nội thất hiện đại.
Trái lại, trong Nocturne, ông đưa người xem vào thế giới của những bông loa kèn xanh – lạnh lùng, kiêu hãnh – nổi bật trên nền sơn đen thẳm. Bề mặt tranh được trang trí bằng những vệt vỏ sò ánh bạc, như ánh trăng rơi xuống cánh hoa trong đêm tĩnh mịch. Đây không còn là một bức tranh đơn thuần – nó là một vật thể sống, một thiết kế trang trí đầy tinh thần, mang ánh sáng của thiên nhiên vào những không gian hiện đại.
Nguồn: Magnifissance
Biên dịch: Trang Lê