-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Paul Jacoulet: Năm sự thật kỳ thú về người nghệ sĩ Tây phương mang linh hồn Nhật Bản
Paul Jacoulet (1896–1960), nghệ sĩ người Pháp sinh ra ở Paris nhưng trưởng thành ở Tokyo, là hiện thân của một tinh thần lai giữa Đông và Tây, cổ điển và hiện đại, say mê và kỹ thuật. Với khả năng điêu luyện trong nghệ thuật khắc gỗ Nhật Bản — đến mức dễ dàng bị nhầm với các bậc thầy ukiyo-e như Hiroshige hay Hokusai — Jacoulet không chỉ mô phỏng truyền thống, ông tái sinh nó.
Bài viết này mời bạn khám phá năm sự thật ít người biết về Jacoulet — một nghệ sĩ không chỉ vượt biên giới địa lý mà còn phá vỡ những khuôn mẫu văn hóa trong thế kỷ nhiều biến động nhất của nhân loại.
1. Sinh ở Paris, nhưng trái tim ông thuộc về Nhật Bản
Paul Jacoulet – Showa era print c.1936
Dù chào đời tại Pháp vào cuối thế kỷ 19 (năm sinh của ông vẫn còn gây tranh cãi), Jacoulet đã theo gia đình chuyển đến Tokyo năm lên bốn, khi cha ông nhận vị trí giáo sư tại Đại học Tokyo. Trong môi trường đầy ắp ảnh hưởng truyền thống Nhật Bản, Jacoulet đã hấp thụ cả ngôn ngữ lẫn tinh thần văn hóa nơi đây. Những năm tháng tuổi thơ say mê với sân khấu Noh và Kabuki không chỉ hun đúc cảm quan thẩm mỹ của ông, mà còn âm thầm đặt nền móng cho phong cách nghệ thuật mang đậm dấu ấn xứ Phù Tang về sau.
2. Jacoulet bị mê hoặc bởi thế giới "trôi nổi" của ukiyo-e
Paul Jacoulet – The Mysterious Pacific. South Seas.
Khởi đầu với các bức tranh mang tính tài liệu về các nền văn hóa bản địa ở Nam Thái Bình Dương — từ Micronesia đến Polynesia thuộc Pháp — Jacoulet dần bị cuốn hút vào thế giới thị giác kỳ ảo của ukiyo-e.
Ra đời từ thế kỷ 17, ukiyo-e — tức "tranh thế giới nổi" — là thể loại khắc gỗ ghi lại đời sống, huyền thoại, và nghệ thuật đương thời của Nhật Bản. Jacoulet không chỉ học kỹ thuật này mà còn đắm chìm trong tư duy thẩm mỹ của nó: sự quyến rũ mang tính phi thực, sắc màu sống động, hình khối huyền ảo như một giấc mơ được in lên mặt giấy. Với Jacoulet, ukiyo-e không chỉ là truyền thống — đó là cánh cửa dẫn vào một không gian giữa thực và ảo, nơi cái đẹp mang tính siêu việt.
3. Ông suýt không sống sót qua Thế chiến II
Ngay lúc sự nghiệp nghệ thuật của ông bắt đầu nở rộ, thế giới rơi vào hỗn loạn. Khi làn sóng thù địch chống phương Tây gia tăng tại Nhật Bản những năm 1930, nhiều người ngoại quốc vội rời khỏi đất nước này. Nhưng Jacoulet, trái với dòng người, vẫn ở lại.
Paul Jacoulet – Shinyu no Tsuchii-kun, Koshien nite (My Best Friend Tsuchii-kun at Koshien), c.1935.
Ông lui về Karuizawa, một thị trấn yên tĩnh ở miền trung Honshu, nơi ông sống bằng chính bàn tay mình, nuôi dưỡng đất đai và tiếp tục sáng tác trong thầm lặng. Đó là một thời kỳ khắc nghiệt, cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng cũng là bằng chứng cho lòng trung thành sắt đá của Jacoulet đối với nước Nhật — quê hương tinh thần mà ông không bao giờ rời bỏ.
4. Bậc thầy thế kỷ 20 trong một nghệ thuật cổ đại
Từ thập niên 1930, Jacoulet bắt đầu chuyên tâm theo đuổi kỹ thuật in khắc gỗ — một truyền thống đã tồn tại từ thế kỷ 8 tại Nhật Bản và đạt đỉnh cao vào thế kỷ 18 với sự bùng nổ của ukiyo-e. Không chỉ tái hiện lại quy trình này, Jacoulet nâng nó lên một tầm mới với sự chính xác tuyệt đối và quy mô táo bạo.
Paul Jacoulet: After The Dance.
Mỗi màu trong bản in yêu cầu một khối gỗ riêng biệt, và tất cả các khối phải được khắc sao cho ăn khớp hoàn hảo khi in. Một số tác phẩm của ông — theo truyền thuyết trong giới nghệ thuật — cần đến hơn 50 khối gỗ để hoàn thiện. Trong một thế giới ngày càng bị cơ giới hóa, Jacoulet chọn con đường của sự nhẫn nại, của thủ công tuyệt đối. Điều này khiến ông trở thành một trong những nghệ sĩ phương Tây hiếm hoi được công nhận là bậc thầy thực thụ trong nghệ thuật khắc gỗ Nhật Bản.
5. Ông không khuất phục trước chỉ trích — và không bao giờ ngừng sáng tạo
Sau Thế chiến II, Jacoulet trở lại với thị trường nghệ thuật Nhật Bản và bắt đầu mở rộng tầm ảnh hưởng ra quốc tế. Vào đầu những năm 1950, ông hợp tác với một đại lý nghệ thuật ở New York, nhưng phản ứng của công chúng Mỹ không như mong đợi.
Paul Jacoulet – Korean Subjects: 17 prints, together with “Couleurs d’Asie, Estampes de Paul Jacoulet.
Một số nhà phê bình phương Tây cho rằng ông “chiếm dụng” truyền thống nghệ thuật Nhật, trong khi số khác lại coi tác phẩm của ông là quá thương mại, thiếu chiều sâu mỹ thuật. Nhưng Jacoulet không dừng lại. Trong mắt ông, nghệ thuật không cần được bảo vệ khỏi sự đại chúng, mà cần được sống giữa dòng đời. Ông tiếp tục sáng tác không ngừng nghỉ cho đến khi qua đời vào năm 1960, để lại một di sản độc đáo, không thể sao chép — một nghệ sĩ mang tinh thần Nhật trong hình hài Pháp.
Nguồn: In Good Taste
Biên dịch: Trang Lê