-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Nữ Công Tước Được Yêu Mến Của Goya Là Ai – Nàng Thơ Hay Người Tình?
( Francisco Goya Year, Portrait of the Duchess of Alba (1797)
Trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều họa sĩ đã có những nàng thơ của riêng mình: Dante Gabriel Rossetti có Elizabeth Siddal, Salvador Dalí có Gala Diakonova, Francis Bacon có George Dyer, và Frida Kahlo có Diego Rivera. Mối quan hệ giữa họa sĩ và nàng thơ không phải lúc nào cũng mang tính lãng mạn hay tình dục, nhưng có khả năng đó là bản chất của mối quan hệ giữa họa sĩ Tây Ban Nha Francisco Goya – họa sĩ phục vụ hoàng gia và triều đình – với María Cayetana de Silva, Nữ công tước thứ 13 của xứ Alba.
María sinh năm 1762 trong một gia đình quý tộc Tây Ban Nha và nổi tiếng vì tính cách lập dị cùng vẻ quyến rũ đặc biệt. Nhà văn Jean-Marie-Jérôme Fleuriot từng nhận xét rằng María “không có sợi tóc nào mà không khơi gợi ham muốn.” Chồng bà, José Álvarez de Toledo – Hầu tước thứ 11 của Villafranca – qua đời, để lại María góa bụa khi mới ngoài 30 tuổi. Bà sống trong tang thương tại dinh thự ở Andalusia, nơi Goya đã đến ở cùng.
( Francisco Goya, Self-Portrait (1796–97)
Goya, hơn nữ công tước 16 tuổi, đã trở thành họa sĩ cung đình cho vương triều Tây Ban Nha từ năm 1786, và phần lớn các tác phẩm chân dung của ông trong hai thập kỷ sau đó tập trung vào giới quý tộc Tây Ban Nha. Giai đoạn này diễn ra trước khi Goya trải qua sự chuyển biến lớn trong sáng tác, khi ông lấy cảm hứng từ những cảnh bạo lực ông chứng kiến trong thời kỳ Tây Ban Nha bị Napoleon chiếm đóng trong Chiến tranh Bán đảo, khiến hội họa của ông trở nên u tối và đầy tính chính trị; ông không bao giờ quay lại phục vụ triều đình Tây Ban Nha nữa.
Mặc dù không có bằng chứng xác thực về mối quan hệ tình cảm giữa Goya và María, nhưng các bức tranh và bản in Goya thực hiện về nữ công tước lại ẩn chứa nhiều gợi ý về sự gắn bó giữa họ.
Trong tác phẩm The Black Duchess (1797), María xuất hiện trong trang phục tang lễ và đeo hai chiếc nhẫn, một khắc chữ “Alba” và chiếc kia khắc “Goya.” Nếu chỉ vậy chưa đủ để khẳng định điều gì, thì María còn chỉ thẳng xuống mặt đất trước mặt mình – nơi có dòng chữ “solo Goya” (chỉ mình Goya), như thể nơi đó là chốn dành riêng cho ông. Chi tiết tinh tế này chỉ được phát hiện sau một đợt phục chế hiện đại. Goya vẫn giữ bức tranh này rất lâu sau khi nữ công tước qua đời vào năm 1802.
( Francisco Goya, The Nude Maja (c. 1795–1800 )
Hai năm trước đó, Goya đã được chồng của María giao vẽ chân dung bà, kết quả là bức The White Duchess (1795), cùng với một bức chân dung của José, hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghệ thuật Chicago. Dòng chữ ghi trong bức The White Duchess thậm chí còn bị nghi là không phải “Gửi nữ công tước xứ Alba. Từ Goya năm 1795” mà là “Gửi nữ công tước xứ Alba, người thuộc về Goya.” Chú chó Bolognese bên cạnh María cũng có thể là biểu tượng lãng mạn, thể hiện tình yêu và lòng trung thành.
Vào năm 1958, hãng MGM đã phát hành một bộ phim điện ảnh dài về mối tình giữa hai người mang tên The Naked Maja, với nữ minh tinh thời hoàng kim Ava Gardner đóng vai chính.
( The Naked Maja, US lobbycard, from left: Anthony Franciosa, Ava Gardner, 1958 )
Tựa phim này ám chỉ đến bức tranh gây tranh cãi của Goya thực hiện trong giai đoạn 1795–1800, vẽ hình một người phụ nữ khỏa thân hoàn toàn, nằm tựa trên giường với hai tay vòng sau đầu. Bức tranh gây sốc vì hình thể khỏa thân này không đại diện cho hình tượng cổ điển nào hay gợi đến truyền thuyết thần thoại nào – có thể xem là bức tranh khỏa thân hiện đại đầu tiên theo kiểu này.
Một bức tranh đi kèm được hoàn thành trong khoảng 1800–1807 thể hiện cùng nhân vật, nhưng trong trang phục. Cả hai tác phẩm này đều từng thuộc sở hữu của Manuel de Godoy – vị quốc vụ khanh đầu tiên của vương quốc Tây Ban Nha – người có người tình là Pepita Tudó, cũng được cho là người mẫu cho bức tranh và có thể là người tình của Goya. Một bộ phim khác có tên Volavérunt ra mắt năm 1999 đã thể hiện mối quan hệ giữa Pepita Tudó (do Penélope Cruz thủ vai) và Goya (Jorge Perugorría thủ vai).
( Francisco Goya, The Clothed Maja (1800-1807). National Museum of the Prado )
Sự nghi ngờ về mối quan hệ giữa María và Goya vẫn tồn tại bởi không có bằng chứng rõ ràng về chuyện tình giữa họ. Người ta đặt câu hỏi rằng liệu một nữ công tước xinh đẹp, trẻ trung có thể đem lòng yêu một người đàn ông già hơn, kém hấp dẫn, xuất thân thấp kém và lại đang có sức khỏe yếu không.
Cũng có thể việc say mê chỉ đến từ phía Goya. Dù sao đi nữa, tình cảm của ông dành cho María dường như rất sâu đậm. Một câu chuyện từ năm 1795 kể rằng nữ công tước đã yêu cầu Goya trang điểm cho bà. Họa sĩ đã mô tả trải nghiệm này trong một bức thư gửi bạn mình, gọi đó là “niềm vui lớn hơn cả việc vẽ tranh trên toan,” và cho rằng “nó thực sự còn thú vị hơn cả việc làm nghệ thuật.”
Nguồn : Who Was Goya’s Beloved Duchess—His Muse or Lover ?
Biên dịch : Bảo Long