-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp, đầy ám ảnh của nghệ sĩ Yein Lee
Khi còn là một đứa trẻ ở Hàn Quốc vào những năm 1990, Yein Lee bị ám ảnh bởi công nghệ mới. Cha cô đảm bảo mua thứ tốt nhất cho cô như máy nghe nhạc MP3 mới nhất, loa có âm thanh mượt mà nhất và niềm đam mê của ông chỉ chịu dừng lại khi cô trưởng thành. Vào thời điểm Lee rời Seoul để học cao học tại Học viện Mỹ thuật ở Vienna, cô ấy đã bị sốc khi thấy bạn bè xung quanh dùng các thiết bị cũ, trong khi những thứ cô dùng là thiết bị tân tiến nhất.
Không gian sắp đặt tác phẩm “Foreign Object Debris” của Yein Lee (2022)
Hiện tại, Lee không còn mặn mà với các thiết bị công nghệ mới nhưng lại đưa công nghệ trở thành một bộ phận quan trọng trong các sáng tác nghệ thuật của mình. Các tác phẩm điêu khắc của cô sử dụng chủ yếu hệ thống dây điện, động cơ và các bộ phận công nghệ khác không sử dụng lấy cảm hứng từ công nghệ, cũng như với các tác phẩm anime Nhật Bản như Ghost in the Shell và Evangelion cô ấy đã xem khi còn nhỏ. Nhiều tác phẩm điêu khắc của Lee giống với những người máy trong những bộ phim như vậy, có cơ thể không khác gì những cỗ máy đã tạo ra chúng. Ở Vienna, nơi cô ở lại sau khi tốt nghiệp, cô còn nhận ra tác phẩm của mình có nhiều điểm tương đồng với các bộ phim khoa học viễn tưởng của Mỹ như Blade Runner.
Được lắp đặt và kết nối một cách điêu luyện từ kim loại và vật liệu tìm thấy, các tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Lee trông khá đáng sợ với người nhiều khuôn mặt và các chi được tạo một phần, một số tác phẩm khác dường như nhỏ giọt silicone, giống như người ngoài hành tinh hiện ra từ chất lỏng nguyên thủy, những hình khác dường như đang nhìn mình trong gương. Cô thừa nhận một số điểm tương đồng giữa công việc của mình và nỗi kinh hoàng về cơ thể, nhưng mục đích của cô khi sáng tác chúng là muốn tái hiện những hình ảnh đẹp đẽ về tất cả những gì con người có thể có. Các nhân vật của cô không có giới tính và nhằm mục đích xóa bỏ những quan niệm thông thường về cấu trúc và giới hạn của khuyết tật.
Lee chia sẻ: “Thay vì buộc các cơ thể phải ổn định và hoạt động, chúng ta phải dành không gian cho những cơ thể mỏng manh như vậy. Tôi muốn cơ thể là một hệ thống mở, một hệ thống dễ vỡ.”
Ban đầu, Lee học hội họa tại Đại học Hongik ở Seoul với đối tượng sáng tác chính hình ảnh thiên nhiên với thể loại tranh phong cảnh. Sau đó cô chuyển sang sáng tác theo theo chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng. Nhưng khi tốt nghiệp, Lee lại dành nhiều sự quan tâm đến các tác phẩm trong không gian ba chiều và niềm đam mê đó vẫn tồn tại đến thời điểm này.
Vào tháng 11 năm ngoái, Lee đã thực hiện một cuộc triển lãm tại phòng trưng bày Loggia ở Munich với tiêu đề “Devouring Chaos”. Chương trình này trưng bày các tác phẩm điêu khắc bên cạnh những bức tranh trừu tượng được tạo ra bằng cách vẽ bằng bút lông và sơn mài trên các tấm thép. Mặc dù những bức tranh này có thể không đại diện cho điều gì cụ thể, nhưng thật dễ dàng nhận thấy trong chúng sự gợi nhớ của những cơ thể nổi lên từ khoảng không. Lee nói: “Nhiều người nói rằng nó trông giống như tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, nhưng nó lại được sáng tác bằng chất liệu thủ công. Điều đó thật thú vị. Rõ ràng một số ngôn ngữ nhất định sẽ xuất hiện một cách tự nhiên”.
Biên dịch: Minh Hậu
Biên tập: Thu Huyền
Nguồn: Yein Lee’s Beautiful, Terrifying Sculptures Give Space to Fragile Bodies | artnews.com