Tin tức

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng với quê mẹ Kinh Bắc

Phan Cẩm Thượng (sinh năm 1957) là họa sĩ, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và phê bình văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam. Ông viết báo, viết phê bình triển lãm, nghiên cứu văn hóa cổ, biên soạn sách về nghệ thuật cổ và nghệ thuật hiện đại. Ông được đánh giá là một nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật có ảnh hưởng lớn trong khoảng 20 năm, từ 1990 đến 2010.

Thưa nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, những người đọc như chúng tôi rất thích sách của ông, những cuốn như: Nghệ thuật ngày thường, Tập tục đời người, Văn minh vật chất người Việt... Trong đó bóng dáng, hình ảnh, không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần của người dân Kinh Bắc hiện ra như những thước phim quay chậm. Và tôi cảm giác như, với họa sĩ họ Phan, miền Kinh Bắc là một cõi riêng, là phần rất đặc biệt?

Từ năm 1999 - 2012, cơ bản tôi sống ở Thuận Thành, lấy đó làm cơ sở nghiên cứu đời sống văn hóa đồng bằng Bắc bộ. Quê cha ở Kiến An (Hải Phòng) nhưng hiện không còn bất cứ thân nhân nào, quê mẹ ở làng Cháy (Phù Chẩn, Từ Sơn), ở đây còn nhiều họ hàng bên ngoại, ông bà ngoại tôi cũng chôn cất ở làng. Nay cái làng này có lẽ đã đô thị hóa hoàn toàn. Nhưng tôi nhiều lần sống ở đó. Lớn lên, cũng đi bộ đội và dạy học ở Hà Bắc (cũ). Cho nên có thể nói, Kinh Bắc xưa in đậm vào tâm trí tôi. Tôi thuộc từng con đường làng xứ này, cũng như có nhiều bè bạn.

Họa sĩ cần mẫn viết và vẽ về văn hóa đời sống người Việt, có thời gian dài gắn bó với vùng đất cổ Luy Lâu, hiểu cặn kẽ, nhận diện hết những vẻ đẹp lấp lánh và những xô lệch ngổn ngang trong đời sống văn hóa, tập quán nơi đây. Cho nên, tôi rất tò mò muốn hỏi, ông thích Kinh Bắc của ngày hôm qua hay Kinh Bắc của hôm nay?
Người ta thường luyến tiếc quá khứ. Quá khứ của một xã hội nông nghiệp đương nhiên là tuyệt vời - sông núi, cảnh vật, lũy tre làng, đình đền chùa, thiên nhiên trong lành. Tuy nhiên cuộc sống luôn thay đổi và chẳng bao giờ theo ý ta. Đồng ruộng nay biến thành các khu công nghiệp, các dòng sông ô nhiễm, ao hồ bị san lấp, nhiều di tích cổ bị tàn phá hoặc tô vẽ lòe loẹt, còn những hủ tục, nhiêu khê, khi dân số tăng lên gấp ba bốn lần so với trăm năm trước. Tôi không đặt vấn đề thích hay không thích, mà có gì thì nhìn nhận thế, phản ánh cái cụ thể đó vào tác phẩm của mình.


Từ 1999-2012, Họa sĩ Phan Cẩm Thượng sống ở chùa Bút Tháp (Thuận Thành) và nghiên cứu đời sống văn hóa đồng bằng Bắc bộ.

Người ta nói, nếu biết học hỏi từ lịch sử, lắng nghe quá khứ, con người dễ tìm thấy đường đến tương lai nên chẳng ai dại gì mà “bắn súng lục vào quá khứ”. Nhưng đâu phải cái gì cũ, cổ thì đều quý và lấp lánh, nhất là với các tập tục?
Trước tiên phải khẳng định, di sản vật chất là không thể làm lại. Một cái cây trăm năm, ta chặt đi, thì trăm năm sau mới có lại. Một ngôi chùa 300 năm ta phá đi, hoặc làm mới, thì vĩnh viễn mất. Quá khứ không phải tất cả là hay và dùng được cho hiện tại, thì nên tính, cái nào là bảo tàng, chỉ giữ gìn như di sản quá khứ, cái nào phát huy thành tinh thần hiện đại. Về nhiều mặt chúng ta đã làm lẫn lộn những cái này, ví dụ đền chùa cổ thì phá hủy, hủ tục cổ, đáng bỏ đi, thay đổi thì lại phục hồi.

Thưa nhà nghiên cứu, làm thế nào để học tiền nhân mà không rơi vào sao chép cứng nhắc, bởi đời sống luôn thay đổi, có những thứ đúng của hôm qua nhưng chắc gì đã phù hợp với hôm nay?
Những kỹ nghệ xưa cần bảo tồn, những phương thuốc quý cần gìn giữ. Ở đây cần phân biệt bảo tồn nguyên vẹn và vận dụng. Khâu bảo tồn nguyên vẹn kém, mất rất nhiều nghề truyền thống; khâu vận dụng giáo điều, hoặc phiến diện lại làm hại cho kỹ năng mới. Các kinh nghiệm về nông nghiệp, cấy trồng, chăn nuôi, y tế gia đình hiện không được bảo lưu, nhất là lớp trẻ không muốn làm nông nghiệp nữa. Còn thời nào có việc của thời đó, không nhất thiết cái gì cũng vận dụng truyền thống.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng (ngoài cùng bên trái) cùng các cộng sự giữa không gian làng xã Bắc Ninh-Kinh Bắc. Ảnh: Phạm Thuận Thành

Ông biết đấy, ở đất Kinh Bắc này, đi tới đâu cũng chạm vào di sản mà gắn liền với sự giàu có về chiều sâu lịch sử văn hóa là câu chuyện bảo tồn, gìn giữ luôn đặt ra. Nhưng có quan điểm cho rằng, chúng ta đang tập trung quá nhiều vào việc gìn giữ các giá trị cũ, mà quên đi việc kiến thiết, sáng tạo những giá trị mới của thời đại hôm nay, là dấu ấn của thời đại mình đang sống. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

Có một thời người ta muốn phá hủy toàn bộ các di sản văn hóa cổ, và làm lại một nền văn hóa mới từ đầu, nhất là trong việc bài trừ mê tín dị đoan. Nhưng may điều đó được nhận thức lại, thì mới cứu được một số di sản đến ngày nay.
Tuy nhiên việc xây dựng một nền văn hóa mới, nhất là văn hóa làng xã thì còn nhiều bất cập. Chúng ta chưa có kiến trúc nào thay thế được ngôi đình làng, tổ chức không gian làng xã theo kiểu truyền thống nông nghiệp. Văn hóa bao gồm cả ứng xử xã hội, văn hóa vật thể và phi vật thể, thì các hoạt động văn hóa dân gian cổ xưa, nay chỉ có tính chất nhắc lại (hát lại dân ca) mà không sinh ra được gì mới. Ti vi, báo chí, truyền thông... đã làm thay vai trò sáng tạo dân gian. Nhưng những giá trị mới mang tính phổ cập, mô hình giống nhau, không căn cứ vào đặc điểm địa phương, hơn nữa là tính toàn cầu của văn hóa đang xảy ra, đẩy lui các bản sắc dân tộc. Đây là câu chuyện lớn, ở tầm cỡ quốc gia - dân tộc, cần có nhiều chương trình, biện pháp cụ thể mới xây dựng được nền văn hóa hiện đại, trong đó con người công dân là rất quan trọng, không thể lấy cái tôi làng xã ra ứng xử được.

Nguồn: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-van-hoa/-/details/20182/nha-nghien-cuu-van-hoa-phan-cam-thuong-voi-que-me-kinh-bac
 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon