-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Nghệ thuật vẽ ngựa trong hội họa Trung Quốc ( Phần 2)
“Night-Shining White” – Một vó ngựa hoàng gia và sự thuần hoá của thần thoại
Một trong những hình tượng huyền thoại nhất là bức “Night-Shining White” – bức chân dung nổi tiếng vẽ con ngựa cưng của Đường Huyền Tông, do họa sĩ lừng danh Han Gan thực hiện vào giữa thế kỷ VIII. Dù kích thước khiêm tốn – chỉ 30,8cm x 34cm – bức tranh vẫn gầm vang như tiếng vó ngựa xuyên đêm: lỗ mũi loe đỏ, đôi mắt rực lửa, bộ móng cào tung cơn gió tịch mịch.
Han Gan không chỉ vẽ một con ngựa. Ông vẽ một thực thể nửa huyền thoại, được truyền tụng là rồng đội lốt ngựa – “thiên mã” đổ mồ hôi máu, từng gắn với các tích xưa phương Tây về ngựa Ferghana. Trong tranh, ta không nhìn thấy yên cương hay người cưỡi – chỉ là một sinh vật mang bản năng thuần khiết, như biểu tượng trần trụi của quyền lực, đam mê và bất ổn.
Han Gan lớn lên trong nghèo khó, nhưng được nhà thơ Vương Duy phát hiện và nâng đỡ. Khác với các họa sĩ cùng thời thích nghiên cứu mẫu mực từ tranh cũ, Han lại thích lui tới chuồng ngựa để quan sát trực tiếp. Có lẽ vì thế, tranh của ông vượt khỏi tính mô phạm, và chạm vào linh khí sống động – nơi mà dáng ngựa không còn là giải phẫu, mà là một trạng thái tinh thần.
Lang Shining – Một trăm vó ngựa giữa hai thế giới
Gần một thiên niên kỷ sau Han Gan, một họa sĩ người Ý mang tên Giuseppe Castiglione, hay còn gọi là Lang Shining, đã đem đến một đỉnh cao khác cho tranh ngựa Trung Hoa. Phục vụ triều đình nhà Thanh suốt hơn 50 năm, ông là một cây cầu sống giữa nghệ thuật phương Tây và thẩm mỹ Trung Quốc.
Bức tranh “Một trăm con ngựa” (1728) của ông dài tới 813cm, như một cuộn trục bất tận của sự chuyển động. Một trăm con ngựa trong các tư thế khác nhau – đứng, nằm, quỳ, chạy – không chỉ mô tả sinh động giải phẫu, mà còn tạo ra một nhịp điệu thị giác đầy mê hoặc.
Castiglione dùng vật liệu truyền thống Trung Quốc (giấy, mực, màu khoáng), nhưng kết hợp khéo léo với phối cảnh không gian, ánh sáng và tạo khối kiểu phương Tây. Tuy nhiên, ông vẫn trung thành với tinh thần của tranh thủy mặc, đặc biệt trong cách xử lý đường viền và tiết chế màu sắc – một sự hòa quyện nhuần nhị giữa hai dòng máu nghệ thuật.
Các họa sĩ hiện đại – Tiếp nối huyết mạch ngựa phi
Nghệ thuật vẽ ngựa chưa bao giờ lùi vào dĩ vãng. Ngày nay, vẫn có nhiều họa sĩ Trung Quốc tiếp tục khám phá đề tài này với kỹ thuật điêu luyện và cảm hứng sâu sắc:
Gao Teng (từ 1995): Những con ngựa phi nước đại ông vẽ toát ra sự tự do mãnh liệt – như những làn khói gió mang linh hồn hoang dã.
Chen Tian Xiang: Họa sĩ được chứng nhận tại Quảng Tây, nổi bật với tranh động vật sống động, giàu biểu cảm.
Jun Lin (Tứ Xuyên, 1968): Vẽ ngựa, rồng và các linh vật. Tác phẩm ông được trưng bày rộng rãi tại Trung Quốc và châu Á.
Qin Feng Ying (Ngô Châu): Tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, tranh cô được nhiều nhà sưu tập trong nước đánh giá cao.
Ngựa – Biểu tượng xuyên qua mọi tầng lớp xã hội Trung Quốc
Không chỉ giới quý tộc hay nghệ sĩ, người dân Trung Hoa cũng từ lâu dành sự kính trọng đặc biệt cho hình tượng ngựa. Tranh ngựa xuất hiện trong nhà như một bùa may mắn, biểu trưng cho quyền lực, thịnh vượng và tốc độ vượt trội.
Không dừng lại ở giấy và mực, hình tượng ngựa còn hiện diện trên ấm trà, đồ gốm, bình hoa, thậm chí trong logo du lịch quốc gia – nơi một chú ngựa phi nước đại bằng đồng được tạc tượng để nhấn mạnh tinh thần vận động không ngừng của một đất nước hiện đại.
Ngựa trong tranh Trung Hoa không chỉ là hình. Đó là chuyển động trong tâm tưởng, là bản ngã đang phi nước đại thoát khỏi những ràng buộc. Từ “Night-Shining White” đến “Một trăm con ngựa”, từ các bậc danh họa cổ điển đến những họa sĩ hiện đại, tranh ngựa Trung Hoa tiếp tục truyền đi thông điệp vượt thời gian:
Tự do không phải là một điểm đến – nó là nhịp bước của chính linh hồn.
Nguồn: China Art Lover
Biên dịch: Trang Lê