Tin tức

Nghệ thuật Trung Quốc và con đường đương đại (P2)

Một số người tin rằng sự suy thoái của nghệ thuật tiên phong của thập niên 1990 có thể đã bắt nguồn từ một số dự án nghệ thuật bị bỏ quên vào khoảng năm 1986 và 1987. Những dự án này thể hiện sự bất mãn sâu sắc đối với phong trào Nghệ thuật Hiện đại đương thời. Các nghệ sĩ này cố gắng thoát ra khỏi những khuôn khổ của tiến trình lịch sử nghệ thuật phương Tây và tập trung vào các yếu tố bản địa, truyền thống. Đồng thời, họ cũng xa lánh chủ nghĩa tập thể và đề cao tính cá nhân trong nghệ thuật.

Thật thú vị, các nghệ sĩ tham gia vào những dự án nghệ thuật ban đầu này, chẳng hạn như Wu Shanzhuan, Gu Wenda và Xu Bing, đều trở thành những cái tên nổi bật trong phong trào nghệ thuật đương đại Trung Quốc của những năm 1990. Thời điểm những cái tên này xuất hiện cũng trùng khớp với giai đoạn suy yếu của phong trào năm 1985. Một số người tin rằng cuộc triển lãm Nghệ thuật Trung Quốc Hiện đại năm 1989, trên thực tế, là nỗ lực đối chọi lại Nghệ thuật Hiện đại, hơn là một dự án có tầm nhìn tương lai. Những nghệ sĩ trong nhóm 1986 này đều đã đến phương Tây trong khoảng từ cuối thập niên 80 đến đầu những năm 1990. Có thể cuộc sống của các nghệ sĩ ở hải ngoại đã tạo ra những “đứt gãy” trong tư tưởng hoặc ý niệm sáng tác của họ .

“Chúng ta đang sống và sáng tác trong một nền nghệ thuật hoàn toàn độc lập và không lệ thuộc vào phương Tây.” Xu Bing đã viết trong bức thư về Nghệ thuật Trung Quốc Hiện đại năm 2007, “Sự hiểu biết của chúng ta về các giá trị của nền văn hóa Trung Hoa đã trở nên sâu sắc hơn và khách quan hơn. Càng hiểu phương Tây, chúng ta càng trân trọng nền văn hóa của chính mình. Văn hóa truyền thống của chúng ta, văn hóa xã hội chủ nghĩa và thậm chí cả Cách mạng Văn hóa và Chủ nghĩa Mao Trạch Đông đều có giá trị. Chỉ khi chúng ta có thể kết hợp những truyền thống này với văn hóa phương Tây, chúng ta mới có thể tạo ra nghệ thuật của tương lai… Nghệ thuật tiên phong của Trung Quốc là dành cho người Trung Quốc, chứ không chỉ phục vụ cho thị hiếu của các giám tuyển phương Tây.” Câu trích dẫn này giải thích nguyên do các dự án nghệ thuật vào khoảng năm 1986 đã cố gắng hết sức để thoát ra khỏi khuôn khổ của Nghệ thuật phương Tây và tận dụng nghệ thuật truyền thống Trung Quốc.

“Tác phẩm mới của tôi - “Địa kinh” (Book from the Ground), thoạt nhìn mang tính toàn cầu và đương đại. Đồng thời nó kết hợp công nghệ mới. Tuy nhiên, nguồn cảm hứng trong tác phẩm này đến từ chữ tượng hình của dân tộc chúng tôi. Người Trung Quốc rất nhạy cảm với các yếu tố thư pháp tượng hình. Đây cũng là lý do tôi rất quan tâm đến nghệ thuật biểu tượng này,” Xu giải thích trong bức thư của mình.

Mặc dù Xu Bing và các nghệ sĩ khác trong “nhóm 1986” đã được quốc tế công nhận gần như cùng lúc với các nghệ sĩ Chủ nghĩa hiện thực hoài nghi và Pop chính trị, các nhà phê bình nghệ thuật và sử gia nghệ thuật thảo luận riêng về hai nhóm này. Nhiều nhà phê bình đặt câu hỏi về thị trường tương lai của Chủ nghĩa hiện thực hoài nghi và Pop chính trị, nhưng lại không hề chất vấn về thị trường tương lai của “nhóm 1986”. Sự khác biệt cơ bản giữa hai trường phái này là một nhóm nghệ sĩ trước gần như hoàn toàn dựa vào phương Tây, và nhóm còn lại tìm cách đại diện cho văn hóa và truyền thống của chính họ.

Nhưng ngay cả bản thân Xu Bing cũng ngụ ý trong bài viết của mình rằng nghệ thuật Trung Quốc vẫn chưa thể coi là nghệ thuật Đương đại. Như một số nhà sử học nghệ thuật đã chỉ ra, đương đại đích thực là nghệ thuật không bị “ý thức hệ hóa”.

Kể từ năm 1980, phong trào Nghệ thuật Đương đại Trung Quốc đã tập trung vào xung đột giữa hệ tư tưởng chính thống và hệ tư tưởng không chính thống. “Nhà cầm quyền, vì lợi ích riêng của mình, cố tình tạo ra một thực tại, biến nó thành diễn ngôn chính thống.” Trong khi đó, các nghệ sĩ tiên phong của những năm 1980 cố gắng phá bỏ những ràng buộc của thẩm quyền diễn ngôn chính thống đó và giành lại quyền tự do ngôn luận. “Nhiệm vụ” căn cốt của các nghệ sĩ Đương đại là thực hành một nghệ thuật “không chính thống”, khuyến khích sự tự do sáng tạo thực sự.

Ngay từ năm 1988, một nhóm nghệ sĩ hoạt động tại Bắc Kinh tên là Nhóm “New Measurement” đã bắt đầu dấn thân vào sự tự do sáng tạo này. Những tác phẩm này được một số nhà sử học nghệ thuật coi là trung tâm của phong trào tiên phong Trung Quốc những năm 1980 và 1990. Ba thành viên của nhóm, Wang Luyan, Gu Dexin và Chen Shaoping, đã dành 8 năm để ghi lại quá trình sáng tác một cách máy móc bằng cách sử dụng các quy tắc, công thức, sơ đồ, ký hiệu và bản thảo. Điều này đã sinh ra một ngôn ngữ 'phi nghệ thuật' mới nằm giữa chữ cái, toán học và nghiên cứu ngôn ngữ học.

Tuy nhiên, ngay khi Bảo tàng nghệ thuật Guggenheim cố gắng liên hệ với Nhóm “New Measurement” để tổ chức triển lãm nghệ thuật, họ đã giải tán vì những bất đồng nghiêm trọng giữa các thành viên. Đáng buồn thay, tất cả các tài liệu và bản thảo đã bị phá hủy trong vụ việc. Tuy nhiên, các thực hành của Nhóm “New Measurement” đã để lại nhiều gợi mở cho các nghệ sĩ tương lai của Trung Quốc.

 

Biên dịch: Minh Tâm

Biên tập: Thu Huyền 

https://news.artnet.com/art-world/how-chinese-art-became-contemporary-50469

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon