VN | EN

Tin tức

Louise Fishman – Nữ hoạ sĩ trừu tượng đồng tính Do Thái và hành trình tái định vị lịch sử hội họa hiện đại

Louise Fishman. Ảnh: Nina Subin chụp, do Van Doren Waxter cung cấp.

Louise Fishman (1939–2021), một cái tên từng bị che khuất trong thế giới hội họa trừu tượng vốn do nam giới thống trị, đang được vinh danh tại triển lãm cá nhân mới nhất ở phòng tranh Van Doren Waxter, New York. Triển lãm mang tên “Always Stand Ajar” (tạm dịch: Luôn Để Ngỏ Cánh Cửa), trưng bày 10 tác phẩm từ giai đoạn 2003–2013, giai đoạn đỉnh cao cuối đời của nữ họa sĩ trừu tượng đồng tính này. Tác phẩm của bà nổi bật với kỹ thuật vẽ cọ giàu cảm xúc, bảng màu mạnh mẽ và các tiêu đề được lấy cảm hứng từ thơ ca của Emily Dickinson và Wallace Stevens.

Theo người vợ và cũng là người bảo tồn di sản của Fishman, Ingrid Nyeboe, Fishman luôn tìm cảm hứng từ ngôn ngữ, âm nhạc và văn học sau khi hoàn thiện tranh. Việc đặt tên không bao giờ là ngẫu nhiên, nó là phần nối dài của quá trình sáng tạo. Ingrid chia sẻ: “Đôi khi mất cả tuần để tìm ra tên gọi phù hợp. Chúng tôi cùng nhau đọc thơ, nghe nhạc, và trò chuyện, đó là một phần vui nhộn và đầy cảm hứng.”

 

Di sản bị lãng quên và hành trình khẳng định danh xưng "nữ hoàng trừu tượng đồng tính"

Louise Fishman, Glitter of a Being (2005). Ảnh: do Van Doren Waxter, New York cung cấp.

Là một nghệ sĩ Do Thái đồng tính, Louise Fishman không bao giờ hoàn toàn đồng hành với trường phái Biểu hiện trừu tượng do nam giới dẫn dắt. Dù sử dụng “ngôn ngữ” của trường phái này, Fishman đã vượt rào khuôn khổ và định hình một phong cách riêng, mạnh mẽ, giàu bản sắc cá nhân. Nhiều tác phẩm của bà phá vỡ ranh giới khung tranh, mở rộng ra bên ngoài mặt phẳng, như thể vượt thoát khỏi giới hạn của bố cục truyền thống.

Không gian triển lãm Louise Fishman: Always Stand Ajar tại Van Doren Waxter. Ảnh: do Van Doren Waxter cung cấp.

Louise Fishman, The Crust of Shape (2003). Ảnh: do Van Doren Waxter, New York cung cấp.

Tác phẩm tiêu biểu trong triển lãm, như “The Crust of Shape” (2003) có kích thước lớn 5 x 7,5 feet, được định giá 290.000 USD, cao hơn cả kỷ lục đấu giá trước đó của bà là 201.600 USD tại Christie’s năm 2022. Mức giá này phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn từ giới sưu tập tới tranh trừu tượng của nữ nghệ sĩ từng bị lãng quên.

 

Từ sân bóng rổ đến phòng tranh: hành trình thấu hiểu không gian

Sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ nữ tại Philadelphia, Fishman từng cân nhắc theo đuổi sự nghiệp bóng rổ trước khi đến với hội họa. Niềm đam mê thể thao giúp bà phát triển cảm nhận đặc biệt về hình khối và không gian. “Fishman luôn biết rõ cơ thể mình nằm ở đâu trong không gian, như cách một cầu thủ biết mình đứng ở đâu trên sân,” Nyeboe chia sẻ.

Louise Fishman. Ảnh: Nina Subin chụp, do Van Doren Waxter cung cấp.

Fishman từng theo học tại nhiều trường nghệ thuật danh tiếng như Philadelphia College of Art, Pennsylvania Academy of Fine Arts và nhận bằng MFA tại Đại học Illinois năm 1965. Sau đó, bà chuyển đến New York và bắt đầu hành trình khám phá nghệ thuật giữa lòng cộng đồng nghệ sĩ hậu chiến. Tuy nhiên, bà nhanh chóng nhận ra vị thế “ngoại đạo” của mình trong giới Biểu hiện trừu tượng, minh chứng là trải nghiệm không mấy dễ chịu với họa sĩ Milton Resnick tại Cedar Bar, nơi mà Fishman bị mời… ngồi lên đùi thay vì được mời trò chuyện.

 

Khẳng định bản sắc queer qua ngôn ngữ hội họa

Dụng cụ vẽ trong xưởng của Louise Fishman tại New York. Ảnh: do Ingrid Nyeboe cung cấp.

Xưởng vẽ của Louise Fishman tại New York. Ảnh: do Ingrid Nyeboe cung cấp.

Dù từng từ bỏ việc vẽ tranh trong một thời gian ngắn để phản kháng sự áp đặt nam tính trong nghệ thuật, Fishman sau đó quay lại hội họa bằng cách mới: bà cắt rời tranh cũ, khâu ghép thành bố cục mới và sử dụng các công cụ như bay xây, dao trát vữa, thay vì cọ thông thường. Công cụ, bố cục và kỹ thuật của bà đều phục vụ mục tiêu phá vỡ giới hạn, như chính con người bà.

Fishman cho rằng hội họa trừu tượng là ngôn ngữ “ẩn”, nằm ở vùng rìa, phù hợp với thân phận bị tách biệt của người đồng tính. Những lớp màu đậm đặc, bề mặt gồ ghề và kết cấu dữ dội là cách bà thể hiện bản sắc queer một cách sâu sắc và mạnh mẽ trên mặt toan.

 

Di sản sống động và tình yêu vượt thời gian

Ingrid Nyeboe, người từng là vợ của nhà phê bình nghệ thuật Jill Johnston, đến với Fishman sau khi Johnston qua đời. Mối quan hệ giữa họ là sự nối dài của những năm tháng đồng hành nghệ thuật và đời sống. Năm 2014, họ thành lập Quỹ Louise Fishman nhằm bảo tồn và quảng bá di sản của nghệ sĩ queer này. Sau khi Fishman qua đời, Nyeboe tiếp tục giữ nguyên phòng vẽ của bà như một chứng tích sáng tạo nguyên vẹn – nơi còn lưu giữ từng chiếc bay, từng thùng sơn bọc giấy bạc, từng dấu vết thử nghiệm.

Louise Fishman, Loose the Flood (2009). Ảnh: do Van Doren Waxter, New York cung cấp.

Hiện nay, tác phẩm của Fishman đã có mặt trong các bộ sưu tập lớn như Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York), Jewish Museum, Art Institute of Chicago và High Museum of Art (Atlanta).

Triển lãm tranh nghệ thuật “Louise Fishman: Always Stand Ajar” tại Van Doren Waxter không chỉ là lời tri ân tới một nữ hoạ sĩ trừu tượng đồng tính tài năng, mà còn là một bước tiến trong việc khẳng định vai trò của nghệ sĩ nữ và queer trong lịch sử nghệ thuật hiện đại.

 

Nguồn: The Long-Overlooked ‘Queer Queen of Abstraction’ Reclaims the Spotlight

Quỳnh Hoa

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon