-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Kỹ thuật làm tranh sơn mài cổ truyền Hàn Quốc trong các tác phẩm nghệ thuật hiện đại của họa sĩ Ok Kim
Họa sĩ kiêm nhà thiết kế Ok Kim đã có một bộ sưu tập những tác phẩm nghệ thuật đương đại đầy màu sắc đi kèm với đồ nội thất và đồ gia dụng bằng cách sử dụng kỹ thuật sơn mài có tuổi đời hàng thế kỷ đang có nguy cơ mai một của Hàn Quốc. “Ottchil” – tên gọi của kỹ thuật này có nghĩa là một loại nhựa cây chảy ra từ cây sơn. Chất keo đặc biệt này chính là sơn mài tự nhiên, và sau này được trộn với cát mịn và bột màu để tạo thành những bức tranh sơn mài hoặc những lớp phủ hoàn thiện cho đồ nội thất. Để cho ra mắt các tác phẩm nghệ thuật này, họa sĩ Kim đã phải dành ba năm học cách sử dụng chất liệu này dưới sự hướng dẫn của bậc thầy về thủ công tại Hàn Quốc có tên Son Dae Hyun.
Từ những kiến thức cơ bản về kỹ thuật về làm tranh sơn mài - Ottchil, Ok Kim đã phát triển và bắt đầu thử nghiệm các ứng dụng mới. Đối với mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập tranh “Merge”, họa sĩ đã thêm từng lớp từng lớp màu sắc khác nhau vào các khung điêu khắc thép bằng bút vẽ. Sau đó, cô sẽ dành một ngày để đợi từng lớp sơn khô trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm tối ưu. Từng lớp sơn sẽ chà nhám và đánh bóng ở các vị trí theo ý đồ của họa sĩ để làm lộ ra các vệt và hoa văn bên dưới giống như một bức tranh sơn mài thuộc trường phái ấn tượng. Quá trình sáng tác và thực hiện này có thể mất đến ba tháng trước khi một tác phẩm rực rỡ và hài hòa xuất hiện. Không những tiêu tốn thời gian, dòng tranh sử dụng Ottchil còn gây ra những vấn đề về sức khỏe. Nhưng với Ok Kim, được học hỏi và lưu giữ nghệ thuật truyền thống đáng tự hào là “liều thuốc” giúp cô gắn bó với nó.
Dự án “Merge” của nữ họa sĩ người Hàn Quốc này bắt đầu từ năm 2016 và được phát triển qua từng năm với các bộ sưu tập mới. “Lý do tôi tiếp tục Merge chỉ đơn giản là vì càng làm tôi càng có nhiều ý tưởng”, Ok Kim chia sẻ.
Vào năm 2020, các sản phẩm sử dụng chất liệu sơn mài được mở rộng hơn bao gồm tranh sơn mài và tác phẩm điêu khắc đa dụng được dùng làm đồ trang trí nghệ thuật, bàn phụ hoặc ghế đẩu. Được gắn với nhau dưới một mặt kính, hai cột trụ nhiều màu sắc trở thành chân của một chiếc bàn cà phê. Chúng cũng có thể xếp chồng lên nhau tạo thành tháp nghiêng lấy cảm hứng từ Doltap, hay còn gọi là những cọc đá mà dân xây dựng hay sử dụng để cầu may được Kim lần đầu tiên nhìn thấy trên con đường đến một ngôi chùa Phật giáo ở Hàn Quốc. Mỗi vật phẩm là từng lời cầu nguyện của từng cá nhân, mỗi viên đá đại diện cho một mong muốn khác nhau về tình yêu hoặc sức khỏe. “Tôi muốn mọi người có cùng hy vọng và nguồn cảm hứng khi nhìn các tác phẩm nghệ thuật của tôi như khi họ làm Doltap”, họa sĩ Kim nói.
Vào năm 2021, Ok Kim có kế hoạch mở rộng “Merge” bằng cách tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đa dạng hơn như lọ hoa và đèn chiếu sáng. Cô so sánh quá trình khai phá những màu sắc tuyệt diệu bên dưới các lớp sơn dày giống như việc tìm ra bản sắc riêng của mình như một họa sĩ và nghệ nhân vậy. “Một tác phẩm nghệ thuật của tôi phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau để tạo ra một bản sắc riêng. Giống như tôi đang trong cuộc hành trình để đi tìm chính xác tôi là ai. Tôi tin rằng cuối cùng, tôi cũng sẽ được trau chuốt và tinh tế giống như tác phẩm nghệ thuật của tôi. Đó cũng là lý do tại sao tôi chọn tiếp tục công việc này”, Ok Kim nói.
Dưới đây là một vài tác phẩm sơn mài sử dụng kỹ thuật truyền thống Hàn Quốc mang tính ứng dụng cao của họa sĩ Ok Kim:
Biên dịch: Minh Hậu
Biên tập: Thu Huyền
Nguồn: Ok Kim Uses a Centuries-Old Korean Lacquer Technique to Make These Very 2021 Pieces | sightunseen.com/